toàn xã hội
Tây Nguyên luôn là địa bàn nóng về vấn đề an ninh - quốc phòng, là nơi tổ chức Fulro lưu vong tập trung hoạt động chống phá, với ý đồ lập "nhà nước riêng" cho người dân tộc thiểu số để ly khai khỏi Tây Nguyên. Fulro chỉ đạo các phần tử cực đoan tuyên truyền chống phá Việt Nam, lợi dụng địa bàn Campuchia để kích động lôi kéo người dân tộc ở Tây Nguyên bỏ trốn; lợi dụng kích động các tôn giáo để thành lập "nhà nước Đề ga" và chọn Tin lành, Công giáo là tôn giáo của "nhà nước Đề ga" nhằm gây mất ổn định chính trị xã hội, tạo cớ để can thiệp, tiến hành chiến lược "diễn biến hòa bình" ở Tây Nguyên. Để ổn định tình hình, Đảng, Nhà nước và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã và đang tổ chức triển khai các chương trình công tác nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả
hệ thống chính trị để phòng, chống âm mưu chống phá Tây Nguyên của các thế lực thù địch.
Đối với người Công giáo, phòng chống tội ác, các tệ nạn là một đòi hỏi của đức tin mà bất cứ chức sắc, tu sĩ, tín đồ nào cũng phải thực hiện. Thực hành những lời răn này trong cuộc sống không chỉ củng cố đức tin mà còn là "tường thành" bảo vệ tín đồ khỏi những hoạt động vi phạm pháp luật, tạo môi trường sống lành mạnh góp phần xây dựng an ninh - quốc phòng.
Vì Tây Nguyên là địa bàn phức tạp về dân tộc, tôn giáo nên việc giữ gìn an ninh trật tự trong các giáo xứ, giáo họ luôn được Công giáo quan tâm. Xuất phát từ việc thực hiện giáo huấn của giáo hội và tình hình thực tế, các chức sắc, tu sĩ luôn khuyên bảo tín đồ Công giáo tham gia các phong trào toàn dân xây dựng cuộc sống ở khu dân cư, sống tốt đời - đẹp đạo, xây dựng khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Theo khảo sát của luận án có 48,49% tín đồ được hỏi cho biết thường xuyên tham gia các hoạt động giữ gìn an ninh thôn xóm, chống các tệ nạn ma túy, uống rượu, trộm cắp [Bảng 3.7].
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được các linh mục, tu sĩ phát động trong các giáo xứ, giáo họ với nhiều hình thức phong phú, sinh động như giáo xứ, giáo họ không cờ bạc, nghiện hút, chấp hành luật giao thông và các quy định của địa phương. Phong trào 5 tốt: tốt đời đẹp đạo, tốt về an ninh trật tự, tốt về văn hóa giao thông, tốt về phòng cháy, chữa cháy, tốt về vệ sinh môi trường đều được thực hiện tốt ở các giáo xứ. Theo kết quả điều tra của luận án có 83,02% cán bộ cho rằng tín đồ Công giáo thực hiện tốt các hoạt động giữ gìn an ninh thôn xóm, chống các tệ nạn ma túy, uống rượu, trộm cắp [Bảng 3.4]. Hầu như ở buôn, làng có đông tín đồ các tôn giáo thì tệ nạn rượu chè, cờ bạc, ma túy rất ít. Mô hình "giáo xứ, giáo họ không có tội phạm và các tệ nạn xã hội", "tổ tuần tra liên thôn", "các giáo xứ ký giao ước thi đua đảm bảo an toàn giao thông", "tiếng kẻng an ninh" được tín đồ thực hiện tốt, mang lại hiệu quả thiết thực. Sự tương đồng giữa giáo lý Công giáo với chính sách, pháp luật của Nhà nước về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ngày càng được chức sắc, tín đồ nhận thức sâu sắc và cụ thể hóa thành hành động thiết thực.
Bên cạnh đó, chức sắc luôn khuyên bảo tín đồ Công giáo nâng cao ý thức phòng, chống các thế lực xấu lợi dụng đức tin để hoạt động chính trị phản động. Theo kết quả điều tra của luận án, có 87,88% trả lời họ được các chức sắc, tu sĩ khuyên bảo không nghe lời xúi giục của kẻ xấu để hoạt động vi phạm pháp luật [Bảng 3.1]. Trong quá trình đấu tranh với "tà đạo Hà Mòn", công an, Ban Tôn giáo các tỉnh Kon Tum, Gia Lại đã phối hợp với chức sắc Công giáo tuyên truyền, vận động để tín đồ không bị bọn phản động Fulro lôi kéo vào mục đích chống phá nhà nước, lợi dụng Công giáo, dân tộc để kích động tư tưởng ly khai tự trị. Phối hợp trong công tác giúp đỡ tạo điều kiện để tín đồ bỏ "tà đạo Hà Mòn" quay trở lại sinh hoạt trong các giáo xứ, giáo họ. Ngày 5/02/2007, trong lễ tuần tĩnh tâm linh mục, tại Toà giám mục Kon Tum, Giám mục Hoàng Đức Oanh tuy không bác bỏ về "phép lạ Đức Mẹ hiện hình" nhưng đã thông báo bác bỏ "tà đạo Hà Mòn", trong đó có nội dung: tín đồ nào tin theo "Đức Mẹ Hà Mòn" sẽ không được làm phép giải tội, không được đến nhà thờ và sẽ bị khai trừ ra khỏi Giáo hội. Trong những năm 1998 - 2000, Giám mục Trịnh Chính Trực, giáo phận Ban Mê Thuột đã bác bỏ tin đồn về "Đức Mẹ chảy máu nước mắt" ở giáo họ Kim Thành huyện Krông Ana, nay là huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Việc làm trên vừa khẳng định các giám mục đã ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình với vấn đề an ninh của khu vực, vừa hạn chế tín đồ tụ tập để các đối tượng cực đoan lợi dụng tạo điểm nóng.
Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, Công giáo cũng luôn là đối tượng dễ bị lợi dụng vào hoạt động chính trị xấu, ảnh hưởng tiêu cực trong phát triển bền vững về an ninh - quốc phòng như:
Một là, ở một số nơi hoạt động tôn giáo vẫn chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật
Ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn còn tình trạng giảng đạo, truyền đạo, thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc không theo quy định. Khi các cơ quan chức năng xử lý sai phạm thì tỏ thái độ bất hợp tác. Tuyên truyền để tín đồ hiểu sai việc chính quyền cấm đạo, tụ tập đưa tín đồ phản đối, viết bài xuyên tạc sai sự thật về sinh hoạt tôn giáo đưa lên mạng, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo.
Tình trạng khiếu kiện đất đai, cơ sở thờ tự ở Tây Nguyên khá phức tạp. Trước giải phóng, Công giáo quản lý và sử dụng khá nhiều nhà, đất. Sau giải phóng, nhà nước quản lý, trưng dụng một số cơ sở tôn giáo theo chính sách mới, vì vậy hiện nay Công giáo đòi lại các cơ sở này như: Trường mầm non Sư phạm thực hành Kon Tum; Trường mầm non hoa hồng; giáo xứ Châu Sơn kiến nghị lô đất số 27 tại Đăk Lăk; Dòng Mến Thánh giá Đà Lạt khiếu nại về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Hội dòng Mến Thánh giá Khiết Tâm kiến nghị về việc tranh chấp đất với Trường tiểu học Nam Thiên ở Lâm Đồng; Hội dòng Mến Thánh giá Gò Vấp xin lại Trường mần non 4, Đà Lạt, Lâm Đồng... Các vụ khiếu kiện liên quan đến vấn đề tôn giáo thường bị các phần tử cực đoan lợi dụng, kích động tu sĩ, tín đồ làm mất an ninh trật tự.
Việc mua bán, chuyển nhượng, hiến tặng đất giữa các hộ dân với tu sĩ, chức sắc để giáo hội mở rộng khuôn viên, tạo lập quỹ đất xây dựng cơ sở tôn giáo gắn với dạy nghề, mở nhà trẻ, mẫu giáo diễn ra khá phổ biến; việc xây dựng, cơi nới cơ sở tôn giáo trái pháp luật diễn ra phổ biến ở nhiều tỉnh và trong hầu hết các tôn giáo, không riêng gì Công giáo: Kon Tum có 116 trường hợp; Gia Lai 27 trường hợp; Đắk Lắk 56 trường hợp; Đắk Nông 96 trường hợp, Lâm Đồng 68 trường hợp [18]. Hệ quả của việc khiếu kiện, mua bán, sang nhượng đất đai, cơ sở thờ tự là vi phạm pháp luật về đất đai, không đồng tình với chính sách đất đai của Đảng, Nhà nước, làm tăng thêm mâu thuẫn xã hội, ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững về an ninh - quốc phòng ở Tây Nguyên.
Hai là, các thế lực cực đoan lợi dụng Công giáo vào mục đích gây bất ổn Tây Nguyên
Tây Nguyên là địa bàn mà các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá để thực hiện chiến lược "diễn biến hoà bình", các phần tử cực đoan đặc biệt lợi dụng các đối tượng cực đoan của Công giáo trong nước và định cư, lưu vong ở nước ngoài như một kênh tôn giáo gắn liền với vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam.
Là bộ phận của Công giáo thế giới, đồng thời do vấn đề lịch sử khi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã lợi dụng Công giáo trong quá trình xâm lược Việt Nam
để lại, nên đến nay ở Tây Nguyên một số các đối tượng cực đoan trong Công giáo vẫn đặt lại vấn đề đòi hủy bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản (hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp) và ít có sự đồng thuận với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời lôi kéo tín đồ hoạt động theo đường hướng cứng rắn với quan điểm "yêu nước không đồng nghĩa với yêu chế độ". Có chức sắc không ủng hộ các linh mục, tu sĩ, tín đồ tham gia Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, Uỷ ban đoàn kết Công giáo, một số tỉnh như: Kon Tum, Gia Lai vẫn chưa thành lập được Ủy ban đoàn kết Công giáo. Theo kết quả điều tra của luận án đối với tín đồ ở 3 tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk và Lâm Đồng chỉ có: 1,5% tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 1,5% tham gia Hội đồng nhân dân các cấp, 3,79% tham gia Hội Chữ thập đỏ, 8,33% tham gia Hội người cao tuổi và 30,3% tham gia Hội Nông dân [Bảng 3.6b]. Thực trạng trên đã ảnh hưởng xấu đến đoàn kết dân tộc, đồng thuận xã hội ở Tây Nguyên.
Một số đối tượng cực đoan kích động tín đồ người dân tộc ly khai Công giáo truyền thống và lập ra tôn giáo mới "tà đạo Hà Mòn" để chống đối cả Giáo hội và nhà nước. "Tà đạo Hà Mòn", dù đã bị xóa bỏ về tổ chức nhưng hiện vẫn còn 36 đối tượng lẩn trốn (Gia Lai 24, Kon Tum 08, Đắk Lắk 04) vẫn liên lạc, chỉ đạo nhằm phục hồi tổ chức. Vẫn còn khoảng 318 người tin theo (Gia Lai 127, Kon Tum 187, Đắk Lắk 4) [24] sinh hoạt tại các điểm nhóm trong dân. Chúng triệt để lợi dụng sự chênh lệch giầu nghèo, sự khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo giữa các dân tộc; vấn đề môi trường (rừng) để kích động tư tưởng ly khai, tự trị, kích động người dân vượt biên sang Campuchia tỵ nạn; gây mất đoàn kết trong buôn, làng, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh - quốc phòng, cản trở sự phát triển kinh tế, chính trị xã hội của khu vực.
Cần khẳng định rằng, bản chất của vấn đề không phải do đạo, không phải do tín đồ, mà do những phần tử xấu lợi dụng lịch sử truyền giáo, lợi dụng niềm tin tôn giáo, lợi dụng trình độ dân trí thấp của người dân, những bất cập, lỏng lẻo trong quản lý cũng như sự hạn chế của hệ thống chính trị cơ sở để hoạt động chống phá, cản trở sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên.
Như vậy, ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên là một quá trình lâu dài, thẩm thấu trong các lĩnhh vực kinh tế, xã hội,
văn hóa, môi trường và an ninh - quốc phòng theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Ở mỗi lĩnh vực Công giáo có thế mạnh và điểm yếu khác nhau, nên sức ảnh hưởng cũng có những cấp độ dày, mỏng khác nhau và yếu tố tích cực là cơ bản. So với vùng Tây Bắc thì rõ ràng nguồn nhân lực của Tây Nguyên đông hơn (gấp 5 lần), đồng nghĩa với việc nguồn vốn sẽ tốt hơn; lực lượng truyền giáo chuyên nghiệp đông hơn, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ là những tác nhân gây ảnh hưởng đến phát triển bền vững ở Tây Nguyên nhiều hơn. Mặc dù vậy, bao trùm lên toàn bộ ảnh hưởng của Công giáo ở Tây Nguyên chính là niềm tin, những giá trị đạo đức tôn giáo đã tác động đến nhận thức và hành động của tín đồ khi tham gia các hoạt động liên quan đến các yếu tố của phát triển bền vững.