Công giáo tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế và liên kết tôn giáo

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 126 - 127)

Một là, Công giáo sẽ tiếp tục thúc đẩy và mở rộng các hoạt động quốc tế

Công giáo Việt Nam trực thuộc Toà thánh Vatican, do đó, hoạt động của Công giáo ở Tây Nguyên đã, đang và sẽ tiếp tục phụ thuộc vào sự chỉ đạo của Vatican, vị thế của Vatican với thế giới và Việt Nam luôn tác động thuận chiều tới Công giáo ở Tây Nguyên. Công giáo vốn dĩ là tôn giáo quốc tế, trước đây cũng như hiện nay phạm vi hoạt động của Công giáo luôn vượt ra ngoài ranh giới một vùng, quốc gia và vượt ra ngoài lĩnh vực tôn giáo, ảnh hưởng gián tiếp, trực tiếp đến các vấn đề của đời sống xã hội. Quan hệ quốc tế của Công giáo không chỉ trên phương diện tôn giáo mà cả phương diện xã hội, nhất là vấn đề nghèo đói, môi trường, di dân, viện trợ và hàng loạt các vấn đề từ thiện nhân đạo mà giáo hội quan tâm. Vì vậy, Công giáo ở Tây Nguyên sẽ tận dụng và phát huy tối đa tính quốc tế trong hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội.

Xu hướng này sẽ làm cho Công giáo không chỉ là tôn giáo đơn thuần, mà còn là tôn giáo quan tâm đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tác động trực tiếp đến các phương diện: kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh quốc phòng theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực, Công giáo sẽ không chỉ huy động nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển Tây Nguyên, nhất là chăm lo đời sống tín đồ, là một kênh trong tuyên truyền đối ngoại về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đưa hình ảnh đất nước Việt Nam ra với thế giới; mà còn là kênh phản biện và giám sát việc ban hành và thực thi chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với Tây Nguyên. Với vai trò phản biện, kiểm tra, giám sát Công giáo góp phần thúc đẩy việc ban hành và thực thi chính sách của Nhà nước và chính quyền các cấp hiệu quả hơn, hạn chế tham nhũng, lãng phí và thực chất đi vào mục tiêu phục vụ người dân. Mặt tiêu cực, Công giáo sẽ áp đặt quan điểm của Giáo hội để đánh giá, phản biện các vấn đề kinh tế, chính trị - xã

hội ở Tây Nguyên, dẫn đến tính đồng thuận xã hội chưa cao, tiềm ẩn các yếu tố bất ổn xã hội nếu không được giải quyết thỏa đáng.

Hai là, Công giáo thúc đẩy việc liên kết các tôn giáo trong và ngoài nước Trong bối cảnh hiện nay, đối thoại, liên kết các tôn giáo (liên tôn) đang là chìa

khoá của mọi mối tương giao trong bình diện quốc tế, quốc gia và khu vực. Tương giao giữa giáo hội với xã hội, giữa Công giáo với các tôn giáo khác và ảnh hưởng trực tiếp không chỉ đến phát triển kinh tế, xã hội mà còn đến an ninh quốc gia. Riêng trong tương giao với các tôn giáo khác ở Tây nguyên như: Tin lành, Phật giáo, Cao đài..., Công giáo đã và đang chọn đối thoại làm con đường gặp gỡ, cảm thông và hoà giải. Đối thoại liên tôn không những trong hoạt động tôn giáo mà còn trong các hoạt động xã hội, nhằm tạo sức mạnh riêng trong sức mạnh tổng thể. Tây Nguyên là địa bàn đa tộc người, đa tôn giáo thì vấn đề liên tôn sẽ có ảnh hưởng tích cực, là giải pháp tốt trong vấn đề đoàn kết tôn giáo, tạo sức mạnh đoàn kết dân tộc của những con người có đức tin và cùng với các thành phần khác làm nên nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, vấn đề liên tôn nếu bị lợi dụng vào mục đích chính trị, cộng với vấn đề dân tộc sẽ tác động ngược, là "hiểm họa" đối với phát triển bền vững của cả khu vực và đất nước.

Có thể nói, trong xu hướng giao lưu, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực của đất nước và thế giới, Công giáo sẽ luôn tận dụng những yếu tố mới và tìm cho mình hướng đi mang tính thích nghi và hội nhập. Công giáo sẽ đẩy mạnh các hoạt động tôn giáo theo hướng đa dạng nhưng bền vững, đồng thời sẽ gây ảnh hưởng đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua các hoạt động an sinh cũng như các giá trị, niềm tin tôn giáo.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 126 - 127)