Hiện nay Công giáo vẫn là đối tượng lợi dụng của các thế lực cực đoan trong âm mưu chống phá Tây Nguyên

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 118 - 122)

đoan trong âm mưu chống phá Tây Nguyên

Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, 4 tỉnh (trừ Lâm Đồng) có đường biên giới chung với Campuchia, 28 xã thuộc 11 huyện có đường biên giới giáp tỉnh Mundulkiri, Ratanakiri Campuchia, hội đủ các yếu tố dân tộc và tôn giáo: Công giáo, Tin Lành, Phật giáo có trên 15.650 tín đồ, trong đó Công giáo chiếm 30,9% tập trung chủ yếu ở địa bàn các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum và Đắk Lắk [11]. Vùng biên giới hai nước không chỉ có quan hệ dân tộc (tộc người), không chỉ về kinh tế, xã hội mà còn là niềm tin tôn giáo. Mối quan hệ này tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp nếu bị lợi dụng thì quan hệ chính trị - tôn giáo sẽ phủ bóng lên quan hệ dân tộc - tôn giáo. Các tổ chức cực đoan, phản động tại Tây Nguyên luôn khai thác tối đa nhân tố bất ổn bên trong để kích động đồng bào dân tộc thiểu số thành lập "Nhà nước Đề ga", kích động tín đồ, chức sắc, tu sĩ Công giáo đòi đất, mua bán, hiến nhượng đất đai trái pháp luật; khoét sâu sự kỳ thị sự chênh lệch xã hội giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số.

Ở Tây Nguyên Công giáo rất nhạy cảm với các vấn đề chính trị, xã hội, nhất là khi Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách mới. Một số đối tượng cực đoan trong Công giáo thường khai thác những điểm bất cập, thiếu sót trong ban

hành và thực thi chính sách, hạn chế trong quản lý điều hành của chính quyền cơ sở để tạo phản ứng trái chiều, châm ngòi cho những bất ổn xã hội như: trong vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981; phản đối việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và nhận định thiếu khách quan về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sau khi ban hành; xuyên tạc vấn đề giáo dục... làm cho quan hệ giữa chính quyền và Công giáo ở một số địa phương như Kon Tum, Gia Lai "luôn nóng". Công giáo lấy chủ trương bảo vệ môi trường, học thuyết xã hội của Giáo hội để áp đặt nhận thức cho tín đồ vào các vấn đề tương tự ở Tây Nguyên. Lợi dụng việc thực hiện giáo huấn đi ra "vùng ven" và quan tâm nâng đỡ những người đau khổ của Giáo hội để lấn lướt chính quyền trong một số hoạt động tôn giáo và hoạt động từ thiện nhân đạo nhằm thu hút người dân tin theo, "âm thầm lôi kéo", tín đồ các tôn giáo khác "đổi đạo" làm cho tình hình tôn giáo ở Tây Nguyên tiềm ẩn các yếu tố thiếu ổn định.

Dưới sự chỉ đạo, giúp đỡ của Vatican, Công giáo ở một số nước có quan hệ với các giáo phận ở Tây Nguyên, để nhận hỗ trợ về vật chất và tinh thần nhằm phát huy ảnh hưởng trong phát triển ở Tây Nguyên. Các nguồn tài trợ, viện trợ từ ngoài giáo phận để thực hiện công tác an sinh xã hội chính là nguồn vốn rất cần thiết cho sự phát triển, nhưng nếu không kiểm soát được và không tạo ra một lộ trình pháp luật cho vấn đề này để tận dụng nguồn lực thì rất dễ bị các thế lực xấu lợi dụng vào mục đích chống phá.

Ở những vùng đông tín đồ, thiết chế Công giáo lấn át phủ bóng thiết chế xã hội, Công giáo hóa các giá trị văn hóa truyền thống. Không gian sinh tồn của đồng bào dân tộc thiểu số không còn như xưa nên quyền uy, tiếng nói của già làng đối với cộng đồng buôn, làng cũng bị suy giảm. Chức sắc Công giáo đã dần thay vai trò điều hành cộng đồng theo thiết chế Công giáo, già làng từ vai trò chủ làng sang vai trò người giúp việc cho chức sắc. Thiết chế Công giáo dần thay thiết chế buôn, làng truyền thống và các thế hệ sinh ra trong thiết chế này dần bị Công giáo hóa. Một số nơi thiết chế Công giáo hoạt động mạnh lấn át thiết chế xã hội, làm suy yếu hệ thống chính trị cơ sở. Nơi nào hệ thống chính trị cơ sở yếu, tổ chức cơ sở đảng chưa phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, thì chưa vận động được chức sắc, tín đồ tham gia hệ thống chính trị và phát huy mặt tích cực của thiết chế Công giáo để xây dựng thiết chế tự quản buôn làng.

Một số tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể đánh giá chất lượng đảng viên, hội viên, đoàn viên còn chạy theo thành tích, trong khi các hội đoàn Công giáo hoạt động thiết thực đã thu hút hội viên từ các hội quần chúng. Ở một số nơi nhận thức và một số hoạt động của Công giáo vẫn tìm cách thoát khỏi sự quản lý của Nhà nước, chưa đồng thuận cùng chính quyền trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Chính điều này đã tạo cớ cho các đối tượng xấu lợi dụng làm phức tạp vấn đề gây bất ổn về an ninh - quốc phòng ở Tây Nguyên.

Đối với công tác đấu tranh, giải quyết vấn đề Fulro, giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị trên địa bàn Tây Nguyên là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Vấn đề đặt ra là cần tập trung chỉ đạo ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động chống phá và xóa bỏ tổ chức phản động Fulro, làm thất bại âm mưu lợi dụng Công giáo thực hiện kế hoạch gây bất ổn ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp phù hợp để tạo được sự đồng thuận của Công giáo trong thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bảo đảm sự ổn định chính trị ở Tây Nguyên để phát triển bền vững và hạn chế những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Cần phân biệt việc lợi dụng tôn giáo với nhu cầu tôn giáo chính đáng của người dân. Những hành động lợi dụng Công giáo vào mục đích chính trị, chống phá nhà nước phải kiên quyết ngăn chặn và đấu tranh loại bỏ. Nhu cầu tôn giáo cần được tôn trọng để Công giáo đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển bền vững ở Tây Nguyên từ bên trong.

Kết luận chương 3

1. Ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên là một hành trình dài, gắn với quá trình truyền giáo và rất khó có thể định lượng bằng một đơn vị đo cụ thể. Ở mỗi một giai đoạn lịch sử, cộng với những yếu tố tác động trong từng hoàn cảnh cụ thể thì ảnh hưởng của Công giáo cũng thể hiện khác nhau. Điều này cho thấy có một sự bắt nhịp, thích ứng khá nhanh của Công giáo trong mọi hoàn cảnh. Ban đầu là cộng đồng khép kín, là thay thế và đồng hóa văn hóa trong cộng đồng đó, giá trị Công giáo là chuẩn mực; về sau là cộng đồng mở cho sự giao lưu, tiếp biến xã hội, tìm và lưu giữ, hội nhập bản sắc dân tộc, liên kết tôn giáo, tôn giáo - dân tộc, đóng góp nhân lực, tiềm lực cho phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

2. Trên phương diện đạo đức, ở hoàn cảnh nào thì những điều răn, giới cấm, bản chất hướng thiện, bác ái của Công giáo là những đóng góp đáng trân trọng, góp phần cải biến lối sống của tín đồ, nhất là tín đồ người dân tộc. Trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập, khi các yếu tố phát triển bền vững được định hình thì niềm tin, giá trị đạo đức của Công giáo góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách, hành vi con người trong hoạt động kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, kìm hãm sự suy thoái đạo đức xã hội trước sự tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, ngăn chặn và khắc phục các tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng và tác động tiêu cực vào đời sống người dân ở Tây Nguyên.

3. Là một tổ chức tôn giáo có ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội, có tính liên đới quốc tế, có tổ chức chặt chẽ, khoa học đức tin vững chắc và có cả hệ thống học thuyết về các vấn đề xã hội, nên Công giáo vẫn có những quan điểm, cách nhìn nhận còn khác về vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường của Nhà nước. Điều đó đã tác động đến thái độ thiếu đồng thuận của chức sắc, tu sỹ, tín đồ đối với phát triển bền vững ở Tây Nguyên, thậm chí vẫn còn những nghi ngờ, mặc cảm. Đấy cũng là lý do mà Công giáo thường là tiêu điểm để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, gây bất ổn định xã hội, ảnh hưởng đến phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

Tuy nhiên, thực tế phát triển bền vững ở Tây Nguyên đang đặt ra một số vấn đề đòi hỏi Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu, tìm ra giải pháp thực hiện để phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

Chương 4

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 118 - 122)