Giải quyết có hiệu quả những vụ việc phức tạp liên quan đến Công giáo và kiên quyết đấu tranh với các thế lực cực đoan, phản động lợ

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 142 - 145)

Công giáo và kiên quyết đấu tranh với các thế lực cực đoan, phản động lợi dụng Công giáo cản trở sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên

Trong các vụ việc phức tạp liên quan đến Công giáo ở Tây Nguyên, thường tập trung vào vấn đề truyền đạo ngoài cơ sở thờ tự; mua bán, chuyển nhượng, khiếu kiện, tranh chấp đất đai đi liền với xây dựng sửa chữa cơ sở trái pháp luật; một bộ phận Công giáo bị lợi dụng vào hoạt động cực đoan.

Tính đến năm 2014, toàn vùng có 1.239 cơ sở tôn giáo, trong đó: Phật giáo 649, Công giáo 444, Tin lành 113, Cao đài 32 và 01 cơ sở tôn giáo khác [2], trong đó có một số cơ sở nằm trong diện mua bán, chuyển nhượng, khiếu kiện đòi đất. Việc xây dựng, cơi nới cơ sở tôn giáo trái pháp luật diễn ra phổ biến ở các tỉnh và trong tất cả các tôn giáo trên địa bàn: Kon Tum có 116 trường hợp; Gia Lai 27 trường hợp; Đắk Lắk 56 trường hợp; Đắk Nông 96 trường hợp, Lâm Đồng 68 trường hợp, trong đó có nhiều trường hợp của Công giáo [15]. Có tình trạng này, một phần là do quỹ đất ở địa phương không còn nhiều, một phần là do các địa phương không có quy hoạch đất cho tôn giáo, nên việc giao đất cho tổ chức tôn giáo chủ yếu dựa trên cơ sở "thu hồi - giao lại" (thực tế là hiến tặng, chuyển nhượng). Để phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo nhằm đảm bảo an ninh - quốc phòng cần giải quyết kịp thời, thấu đáo và hiệu quả những bất ổn trong các lĩnh vực trên, củng cố niềm tin của chức sắc, tu sĩ, tín đồ với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; vừa làm mất cơ sở lợi dụng của các phần tử chống đối cực đoan, cụ thể:

- Xem xét, giải quyết thấu đáo các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thuần túy của người dân trên địa bàn, phân biệt sinh hoạt tôn giáo thuần túy và việc lợi dụng tôn giáo trong giải quyết các vụ việc phức tạp để loại bỏ yếu tố chính trị cực đoan ra khỏi hoạt động tôn giáo. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, các đoàn thể quần chúng trong vận động chức sắc, tu sĩ, tín đồ thực hiện đúng pháp luật và tham gia phong trào xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương.

- Giải quyết có hiệu quả vấn đề đất đai, cơ sở thờ tự của Công giáo. Khiếu kiện, đòi lại đất đai, cơ sở tôn giáo là nguyên nhân để các phần tử cực đoan trong và ngoài Công giáo lợi dụng, tạo điểm nóng, biểu tình chống nhà nước. Đối với nhà, đất liên quan đến tôn giáo mà nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng thì cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến tình cảm tôn giáo của quần chúng tín đồ. Trường hợp sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả thì thu hồi để bố trí sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; trường hợp cơ sở tôn giáo có nhu cầu chính đáng sử dụng nhà, đất đó vào mục đích tôn giáo thì tùy từng trường

hợp cụ thể, xem xét giao lại với diện tích phù hợp; hoặc bố trí, tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo có nơi sinh hoạt tôn giáo cho tín đồ.

Trong quy hoạch đất phát triển kinh tế, cần tính đến quy hoạch đất tôn giáo, hoặc tạo điều kiện cho Giáo hội được thuê, mượn địa điểm để đáp ứng nhu cầu chính đáng trong sinh hoạt tôn giáo của tín đồ trên địa bàn, hạn chế tình trạng để Giáo hội tự tìm nguồn đất trái quy định.

- Tiếp tục đấu tranh bóc gỡ, xóa bỏ việc phục hồi tổ chức, cơ sở ngầm Fulro, "tà đạo Hà Mòn", "Canh tân đặc sủng" và các loại tà đạo khác, không để chúng tiếp tục lôi kéo, kích động tín đồ Công giáo tin theo. Khi giải quyết các vấn đề có liên quan đến dân tộc, tôn giáo phải quán triệt phương châm kiên nhẫn, thận trọng kết hợp đấu tranh với khoan hồng và giáo dục cảm hóa đối tượng. Phối hợp với các chức sắc Công giáo trong việc đưa số tín đồ Công giáo theo "tà đạo Hà Mòn, Canh tân đặc sủng" về sinh hoạt trong Giáo hội, thông qua các chức sắc Công giáo nâng cao nhận thức của tín đồ về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực xấu kích động chia rẽ Công giáo, chia rẽ dân tộc, làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt tôn giáo của tín đồ. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất hoạt động của bọn Fulro lưu vong lựa chọn địa bàn Campuchia tạo lập căn cứ, tập hợp và phát triển lực lượng tác động vào địa bàn Tây Nguyên.

Công khai cho đồng bào và tín đồ Công giáo hiểu rõ về âm mưu ý đồ của các thế lực xấu, để đồng bào nâng cao sức tự đề kháng, không nghe, không tin và không theo sự lôi kéo của các thế lực xấu. Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở hỗ trợ giúp đỡ nhau giữa đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh, giữa người theo Công giáo và người không theo Công giáo. Củng cố và nâng cao hiệu quả phong trào "kết nghĩa" giữa các đơn vị vũ trang và các buôn, làng. Giải quyết những vấn đề thuộc về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào, để củng cố và nâng cao chất lượng "thế trận lòng dân", nâng cao ý thức trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tây Nguyên.

Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động Công giáo là phương tiện hữu hiệu để giảm những phát sinh mâu thuẫn trong quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội, là cơ sở cho việc giải quyết vấn đề phức tạp nảy sinh

trong Công giáo. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về Công giáo chính là hướng dẫn, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hoạt động tôn giáo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu về tôn giáo chính đáng của tín đồ. Hạn chế để các thế lực cực đoan lợi dụng niềm tin, sự thiếu hiểu biết của chức sắc, tu sĩ, tín đồ để lôi kéo, kích động họ hoạt động vi phạm pháp luật, biểu tình chống đối. Trong thực hiện nhiệm vụ các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác thu thập thông tin, nắm tình hình Công giáo, kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền đề ra kế hoạch, giải pháp thực hiện đúng chính sách, pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở. Chú trọng công tác vận động, giáo dục thuyết phục kết hợp với xử lý hành chính. Quá trình giải quyết các vụ việc các ngành, các cấp cần phối hợp đồng bộ, giải quyết kịp thời, dứt điểm không để kéo dài, lan rộng, tạo được sự đồng thuận của chức sắc, tín đồ.

Công tác tôn giáo là của cả hệ thống chính trị, mỗi ngành, mỗi cấp đều có chức năng, nhiệm vụ riêng. Để làm tốt công tác tôn giáo phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên cần củng cố, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan: dân vận, quản lý nhà nước, văn hóa, lực lượng an ninh, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành viên đảm bảo thực hiện công tác tôn giáo linh hoạt, đồng bộ đúng pháp luật. Xây dựng cơ chế phối hợp có sự phân công rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, phải đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan nhằm nâng cao tính chủ động và hiệu quả trong giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến Công giáo. Từ đó áp dụng những biện pháp xử lý, khắc phục những thiếu sót, đồng thời nâng cao tính chủ động và nghiêm túc trong việc thực hiện pháp luật của cán bộ, công chức và tín đồ, chức sắc các tôn giáo. Hạn chế sự tùy tiện trong tổ chức và thực thi pháp luật. Góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước ở Tây Nguyên.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 142 - 145)