Công giáo tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 102 - 105)

Từ nhận thức việc bảo vệ môi trường đã tác động đến hành động bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân Công giáo ở Tây Nguyên. Ban Bác ái xã hội của từng giáo phận giúp các giám mục xây dựng kế hoạch, triển khai, tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu ở từng địa bàn với 5 bước cơ bản: chưa quan tâm, đến quan tâm, đến quyết định, đến hoạt động, đến duy trì mà điểm xuất phát là làm thay đổi nhận thức.

Các giáo phận, giáo xứ tổ chức hoạt động đầu tiên là làm sạch môi trường tại các cơ sở tôn giáo, cơ sở bác ái xã hội, cơ sở giáo dục do Công giáo quản lý bằng việc: trồng cây xanh, cắt tỉa cẩn thận vừa mang lại không gian sống sạch, mát, vừa là không gian nghệ thuật "là một người con của núi rừng Tây Nguyên, chúng tôi yêu thiên nhiên, yêu núi rừng, muốn xây dựng một vùng đất xanh tươi lành mạnh, chúng tôi vẫn đã và đang có những hoạt động góp phần bảo vệ môi trường qua những công việc nhỏ hàng ngày" (chia sẻ của nữ tu Y Nguyện Dòng Ảnh phép lạ Kon Tum khi tác giả phỏng vấn). Theo kết quả điều tra của luận án có 70,45% tín đồ có tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ở địa phương (thường xuyên và không thường xuyên) [Bảng 3.7]. Các linh mục, tu sĩ hướng dẫn tín đồ vệ sinh môi trường sống, trồng rau sạch, biết sử dụng và bảo vệ nguồn nước, phân loại rác thải và bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi ni lon, trồng và bảo vệ rừng. Trong giờ học giáo lý tại các giáo xứ, các em được dạy về bảo vệ môi trường, quý trọng động thực vật và thiên nhiên, không xả rác bừa bãi.

Trong sản xuất, chức sắc, tu sĩ chỉ dạy bà con biết ủ phân xanh bón cho cây, hạn chế dùng thuốc kích thích, trừ sâu ảnh hưởng đến sức khỏe và tàn phá môi

trường về lâu dài. Một số linh mục đầu tư máy lọc nước sạch để người dân sử dụng, đảm bảo sức khỏe. Các hộ dân được giáo hội hướng dẫn xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng hình thức hầm Biogas vừa tận dụng được chất đốt, lại góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Trang trí ngôi nhà bằng việc trồng cây, hoa phù hợp với thời tiết, khí hậu. Thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thực hành tiết kiệm, các hội phụ nữ Công giáo ở Tây Nguyên đã tích cực hưởng ứng. Điển hình là Hội phụ nữ phường 7, Đà Lạt (có 2 chi hội 100% hội viên người Công giáo, 01 chi hội người dân tộc thiểu số) đã thực hiện rất hiệu quả mô hình "tiết kiệm xanh", cứ 45 ngày chi hội thu gom rác của 534 hộ/2 tổ dân phố bán lấy tiền làm từ thiện [11, tr.51]. Hội đoàn Hiền Mẫu các giáo xứ: Vinh Hoa, Kim Phát, Kim Châu, Vinh Đức… giáo phận Ban Mê Thuột thành lập các điểm thu gom rác thải, đào hố chôn lấp chất thải rắn; giáo xứ Vinh Quang, thị xã Buôn Hồ cải tạo nghĩa trang thành một hoa viên Xanh - Sạch - Đẹp, vận động các gia đình Công giáo hỏa táng để đảm bảo vệ sinh môi trường. Như vậy, hành động bảo vệ môi trường của tín đồ không chỉ bó hẹp trong môi trường đạo, mà còn lan tỏa trách nhiệm đó trong gia đình và cộng đồng, đưa hoạt động bảo vệ môi trường trở thành một thói quen.

Việc ổn định địa bàn cư trú mà nhà thờ là trung tâm, đã gắn kết các tín đồ trong nhu cầu đi lễ, cầu nguyện tạo hiệu ứng tốt trong khắc phục tình trạng du canh, du cư đốt rừng làm rẫy để định cư phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Giáo hội sử dụng chính tín đồ để vừa tuyên truyền, vận động vừa làm gương, vừa giám sát kiểm tra đánh giá nên hiệu quả cao cả trong nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường. Hoạt động bảo vệ môi trường của Công giáo trở nên thiết thực và hiệu quả khi giáo hội gắn trách nhiệm với đức tin, đề cao những tấm gương thân thiện với môi trường trong giáo hội, đồng thời biểu dương các nhóm, hội đoàn, cá nhân có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, tạo động lực cho tín đồ nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động bảo vệ môi trường.

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, những đóng góp rất đáng trân trọng thì Công giáo cũng có những ảnh hưởng tiêu cực làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên thể hiện trong việc nhận thức của tín đồ về trách nhiệm bảo vệ môi trường, cụ thể là:

Một là, khuyếch trương chủ trương bảo vệ môi trường của Giáo hội làm lu mờ vai trò của hệ thống chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội khác

Với chủ trương mang tính "chiến lược" bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn thế giới của Tòa thánh Vatican và khả năng tuyên truyền của Giáo hội thì vấn đề môi trường đã đọng lại trong nhận thức và hành vi của tín đồ Công giáo ở Tây Nguyên. Rõ ràng chủ trương bảo vệ môi trường của Công giáo rất tốt, nhưng với cách quảng bá đã có một sự lấn át thay thế trong nhận thức của tín đồ giữa chủ trương của Đảng, Nhà nước và Giáo hội. Chức sắc, tu sĩ, tín đồ thấy chỉ Giáo hội mới đề cao việc bảo vệ môi trường, trong khi quy trách nhiệm cho chính quyền trong việc để các vụ việc: phá rừng, đầu tư thủy điện tràn lan, săn bắt động vật dẫn đến biến đổi khí hậu; phát triển Tây Nguyên không tính đến việc bảo vệ môi trường đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, nên một số nơi tín đồ ít tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường do chính quyền phát động.

Hai là, chưa đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước về một số dự án phát triển kinh tế liên quan đến bảo vệ môi trường ở Tây Nguyên

Trước năm 1975 Tây Nguyên là khu vực có diện tích rừng lớn nhất cả nước, sau năm 1975 nhiều diện tích rừng được quốc hữu hóa để hình thành các đơn vị kinh tế. Giai đoạn 2001 - 2015 diện tích rừng toàn vùng giảm 16,49%, tương đương gần 500 nghìn ha [10, tr.16]. Tình trạnh phá rừng, mất rừng ở Tây Nguyên do khai thác gỗ, phá rừng lấy đất sản xuất, chuyển mục đích sử dụng đã và đang trở thành vấn đề nghiêm trọng. Tác động của môi trường tự nhiên không những làm ảnh hưởng đến môi trường sống, mà còn làm biến đổi niềm tin tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo, làm cho mối liên hệ giữa rừng và con người bị hạn chế, người dân tộc mất đi không gian riêng, không gian tâm linh của mình "Rừng là cội nguồn văn hóa, là không gian văn hóa của Tây Nguyên, khi cội nguồn này biến đổi thì cộng đồng văn hóa cũng biến đổi theo và khi ấy niềm tin tôn giáo trước đây không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại nữa" [163, tr.17].

Từ nhận thức chưa khách quan của người Công giáo về chủ trương quy hoạch, phát triển Tây Nguyên đã và đang bị các phần tử cực đoan lợi dụng, kích động người dân, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong các vấn đề xã hội ở Tây Nguyên, nhất là vấn đề liên quan đến rừng. Kích động người dân không đồng thuận, chống đối các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong thực hiện các đề án, dự án để phát triển Tây Nguyên. Theo kết quả điều tra của luận án có 35,22% cán bộ địa phương cho rằng tín đồ Công giáo chưa thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường [Bảng 3.4]. Như vậy, vẫn còn bộ phận tín đồ chưa thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, nhất là hoạt động đó do chính quyền phát động. Đây cũng là cản trở trong việc kêu gọi sự chung tay của các thành phần xã hội thực hiện phát triển bền vững về môi trường ở Tây Nguyên.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 102 - 105)