Lực lượng dòng tu được sử dụng để truyền giáo vào vùng dân tộc thiểu số

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 65 - 67)

cố kết dòng tộc, cộng đồng buôn, làng cao. Khi họ đã tin Chúa thì niềm tin này ít bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, giữ đạo theo truyền thống gia đình, dòng họ, bố mẹ theo đạo hướng con cái theo đạo, già làng theo đạo hướng cả làng theo đạo. Do vậy, quá trình truyền giáo các giáo sĩ Công giáo đã tìm cách kết thân, truyền giáo cho già làng, người có uy tín để thu hút người theo đạo.

Cả nước hiện có gần 500.000 tín đồ Công giáo là người dân tộc thiểu số, thì Tây Nguyên là 405.632 người, chiếm 81%; chiếm 36% tổng số tín đồ Công giáo ở Tây Nguyên; gấp 2 lần số tín đồ Công giáo toàn vùng Tây Bắc (202.691 tín đồ) [2, tr.7]. Đông nhất là giáo phận Kon Tum, đến Đà Lạt và Ban Mê Thuột. Do vậy, nói đến Công giáo ở Tây Nguyên là nói đến "Công giáo - tộc người", mối quan hệ khăng khít này bắt nguồn từ lịch sử truyền giáo, từ nhu cầu truyền giáo và phát triển đạo của Giáo hội và cũng là nhu cầu tiếp cận những giá trị tinh thần mới của người dân. Nếu so với Tây Bắc thì Công giáo khu vực Tây Nguyên phát triển trong vùng dân tộc thiểu số nhanh hơn cả về số lượng người và dân tộc. Công giáo truyền vào vùng Tây Bắc năm 1876 (sau Tây Nguyên 28 năm), đầu tiên là Lạng Sơn, sau là Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang... nhưng chỉ tập trung chủ yếu vùng dân tộc Mông ở Sapa (nơi nghỉ mát của các quan chức, tư sản Pháp). Năm 1954 cả vùng chưa đầy 100 người, năm 2004 là 38.000 người rải rác ở 5 giáo phận: Hưng Hóa, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Phát Diệm, Thanh Hóa và hiện nay vấn đề truyền giáo vào vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc vẫn còn rất khó khăn với Công giáo.

2.2.1.2. Lực lượng dòng tu được sử dụng để truyền giáo vào vùng dân tộc thiểu số thiểu số

Nếu ở các giáo phận khác, giám mục thường sử dụng linh mục triều trong truyền đạo và quản đạo là chính, thì ở Tây Nguyên, bên cạnh linh mục triều, các giám mục đã tận dụng tối đa vai trò của dòng tu vào hoạt động truyền giáo trong vùng dân tộc thiểu số. Tây Nguyên có 216 linh mục dòng chiếm 35% tổng số linh mục và 2,511 tu sĩ của 75 dòng phục vụ cho hoạt động truyền giáo (Tây Bắc có 22 linh mục dòng từ miền Nam ra, chủ yếu làm linh mục phó ở các xứ người

Kinh, không có dòng tu hoạt động trong vùng dân tộc thiểu số). Lý do là việc truyền giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gian khổ, các linh mục triều vừa không đủ, vừa khó có khả năng thích ứng, vừa "không muốn đi", trong khi linh mục dòng được đào tạo theo tôn chỉ, mục đích, sống chung trong tu viện, tuân giữ 3 lời khấn phúc âm (khó nghèo, độc thân và vâng phục) nên tinh thần chịu khổ, nhẫn nại, chia sẻ và đồng cảm với người nghèo tốt hơn. Nhiều linh mục dòng gắn cả cuộc đời với người dân tộc như: linh mục Nguyễn Hưng Lợi (dòng Chúa Cứu thế), giáo xứ Phú Sơn, Đà Lạt hơn 40 năm truyền giáo trong vùng đồng bào Cờ Ho, Chu Ru. Linh mục Nguyễn Văn Ngọc (Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn) truyền giáo trong vùng dân tộc Chu Ru và Cờ Ho ở Đơn Dương, Đà Lạt; các linh mục dòng Don Bosco truyền giáo cho dân tộc Cờ Ho; Dòng Phanxicô phụ trách truyền giáo cho đồng bào Ê Đê, Xơ Đăng, Đắk Lắk. Đồng bào dân tộc Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai ở Kon Tum là khu vực truyền giáo của dòng Chúa Cứu thế.

Bên cạnh đó, Công giáo đã thành lập 01 dòng tu nữ người dân tộc thiểu số, đó là Dòng Ảnh phép lạ thuộc giáo phận Kon Tum. Các nữ tu dân tộc được Giáo hội đào tạo, hiểu rõ phong tục tập quán, tính cách của người dân tộc, nên đây là đội ngũ tham gia vào hoạt động truyền giáo rất hiệu quả thông qua việc thành lập các cơ sở nuôi dạy trẻ người dân tộc, hoạt động từ thiện nhân đạo, đưa giá trị văn hóa, đạo đức tiến bộ để cải biến một số hủ tục lạc hậu, giúp đồng bào biết tổ chức cuộc sống vệ sinh, hợp lý.

Bên cạnh việc truyền giáo, các dòng tu hoạt động rất hiệu quả trong công tác an sinh xã hội, nhiều tu sỹ được gửi đi học các chuyên ngành như hành chính, văn hóa, quản trị văn phòng, quản lý các dự án, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng... Hoạt động của các dòng tu đã làm cho bức tranh Công giáo ở Tây Nguyên sôi động và nhiều màu sắc. Trong khi khu vực Tây Bắc, các dòng tu đã nhiều lần xâm nhập, nhưng không mang lại hiệu quả. Hiện chỉ có 01 số tu sĩ nam đi giúp giáo xứ cho các giáo phận, chưa thành lập được cơ sở dòng; chưa thành lập được dòng tu cho người dân tộc thiểu số, các dòng tu nữ cũng không phát huy được vai trò truyền giáo thông qua các hoạt động xã hội ở vùng này.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 65 - 67)