Công giáo tổ chức và thực hiện công tác an sinh xã hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 88 - 90)

lĩnh vực giáo dục, y tế

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặt nhiệm vụ phát triển dân sinh trong mối tương quan hài hòa và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Quan tâm đầu tư cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã bãi ngang ven biển, hải đảo. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, từng bước mở rộng diện bao phủ, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo và người dân.

Đối với người Công giáo, tham gia vào công tác an sinh xã hội vừa là đạo lý, vừa là chức năng xã hội quan trọng gắn với quá trình truyền giáo, phát triển đạo. Công tác an sinh xã hội được thực hiện đa dạng ở nhiều lĩnh vực với nhiều tổ chức và cá nhân tham gia, trong đó quy lại hai tổ chức chính: dòng tu và Ủy ban bác ái (Caritas). Caritas Việt Nam là tổ chức trực thuộc Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, được nhà nước công nhận như một hội đoàn Công giáo (từ 2/7/2008). Caritas đã thiết lập chân rết ở 26 giáo phận và các giáo xứ nhằm thu hút nguồn lực, nguồn vốn trong và ngoài nước vào một tổ chức chung, từ đó sẽ thực hiện các hoạt động an sinh xã hội ở tầm vĩ mô; nhưng cũng để quảng bá hình ảnh bác ái của Công giáo, thu hút nguồn vốn và người theo đạo. Trong 5 năm từ 2010 - 2015, hoạt động an sinh xã hội của Công giáo trên địa bàn 3 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng là hơn 100 tỷ đồng, chiếm 54,6% tổng số kinh phí của các tôn giáo (Phật giáo là trên 53 tỷ, Tin lành là hơn 300 triệu) [Bảng 3.16]. Trong 3 tỉnh thì hoạt động an sinh xã hội ở Lâm Đồng là sôi động nhất với 57 tỷ đồng [Bảng 3.14], Đắk Lắk gần 32 tỷ đồng [Bảng 3.15], Đắk Nông hơn 11 tỷ đồng [Bảng 3.13]. Công tác an sinh xã hội thể hiện ở các lĩnh vực sau:

Trong lĩnh vực giáo dục, được thực hiện rất sớm với 3 mô hình:

-Thành lập trường, lớp mẫu giáo tư thục, nhóm trẻ: do các dòng tu nữ đảm nhận. Đối tượng là tất cả trẻ em, ưu tiên gia đình nghèo, con em đồng bào dân

tộc thiểu số. Các trường, lớp mở tại các thành phố, thị xã được tổ chức với quy mô chất lượng cao như Trường mầm non Họa My của Dòng Nữ Vương Hòa Bình là trường điểm của tỉnh Đắk Lắk; trường của dòng Phaolô, lớp trẻ của dòng Ảnh phép lạ tỉnh Kon Tum; dòng Mến Thánh giá tại Đà Lạt... Nhóm, lớp được mở ở những nơi xa trung tâm, để các em tiện đi lại.

-Thành lập các trung tâm dạy nghề: do giáo phận, dòng tu đảm nhận. Giáo phận Đà Lạt có 4 cơ sở dạy nghề hoạt động rất hiệu quả do 2 dòng Don Bosco, Vinh Sơn tổ chức, điều hành với đủ các loại nghề; Kon Tum thành lập nhà bác ái xã hội tại xứ Kon Rơbang (Kon Tum) và tại giáo xứ Hiếu Đức (Gia Lai) đào tạo nghề, kỹ năng trong nội trợ, cách tổ chức cuộc sống gia đình cho các em nữ người dân tộc từ 15 - 25 tuổi, mỗi khóa 6 tháng; 2 cơ sở dạy may tại Pleichuêt, Pleiku và tại nhà thờ chính tòa. Trong các cơ sở dạy nghề, các em được học văn hóa, học ngoại ngữ.

-Thành lập lưu xá học sinh: tại giáo phận Ban Mê Thuột, Dòng Nữ Vương Hòa Bình thành lập trung tâm Lưu trú Hòa Bình, chăm sóc khoảng 500 em nữ người dân tộc thiểu số theo học từ tiểu học đến trung học phổ thông. Dòng La San chăm sóc các em trai. Lưu xá Mẫu Tâm do linh mục Nguyễn Minh Hảo phụ trách, có khoảng 80 em người dân tộc thiểu số từ cấp III, cao đẳng, đại học, trong đó có 10 em theo đạo Tin lành. Ngoài việc đi học, các em được dạy các kỹ năng sống, biết chia sẻ, sống có trách nhiệm.

Bên cạnh các mô hình mang tính chuyên nghiệp, các giáo phận đều có chương trình khuyến học, những em có hoàn cảnh khó khăn, linh mục, tu sĩ đến tận nhà vận động, như tài trợ học phí. Có thể nói, hoạt động an sinh trong lĩnh vực giáo dục đã góp phần cùng với chính quyền địa phương giúp đỡ được nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp nhiều em có cơ hội được đến trường và học cao hơn.

Trong lĩnh vực y tế và từ thiện nhân đạo:

Hoạt động y tế và từ thiện nhân đạo của Công giáo chủ yếu hướng đến người nghèo, người bệnh và được triển khai đa dạng ở nhiều lĩnh vực với cấp độ và quy mô khác nhau. Giáo phận Đà Lạt thành lập 12 cơ sở; giáo phận Kon Tum thành lập các trung tâm, nhà mồ côi chăm sóc: 1.722 bệnh nhân phong, 7 nhà mồ

côi nuôi 600 trẻ, 80 trẻ khuyết tật [105, tr.111]. Theo báo cáo của Ban Bác ái xã hội năm 2016, giáo phận Kon Tum đã chi hàng chục tỷ đồng cho người mắc bệnh phong. Giáo phận Đà Lạt lập Làng Cùi Di Linh từ năm 1929, gắn với tên tuổi của nhiều tu sĩ, trong đó có nữ tu Mai Thị Mậu đã dành cả cuộc đời với người bệnh và được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng III. Bên cạnh đó, việc các giáo phận thường xuyên phối hợp với địa phương tổ chức các đoàn bác sĩ trong và ngoài tỉnh khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, chương trình phẫu thuật dị tật bẩm sinh, chương trình mổ mắt thay thủy tinh thể cho gần 100 người, cấp phát 15 xe lăn, xe lắc, 13 người khuyết tật được lắp tay giả; hỗ trợ 265 cụ già neo đơn, 426 người khuyết tật, làm 16 căn nhà tình thương, 900 phụ nữ người dân tộc thiểu số được hưởng chương trình tiết kiệm [80, tr.75]. Quán cơm cho người nghèo, phát cơm miễn phí tại các bệnh viện tỉnh, huyện Dakmil, huyện Tuy Đức (Đắk Lắk) đã giúp đỡ nhiều người trong lúc khó khăn. Một số buôn, làng sống xa sông, suối thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, các linh mục đã xây hệ thống ống dẫn mang nước từ khe suối về nhà, xây dựng nhà máy nước sạch giúp bà con có nước sinh hoạt, tìm nguồn tài trợ xây dựng cầu treo dân sinh. Các giáo phận phát triển chương trình tự dân (PLD - People - Led Development) theo mô hình: dân bàn, dân lên kế hoạch, dân thực hiện, dân giám sát và dân quản lý.

Hoạt động an sinh xã hội của Công giáo, không chỉ mang lại hiệu quả trong hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, mà cao hơn là về mặt tinh thần. Sự chăm sóc tận tình, thái độ tôn trọng và cảm thông không ranh giới với người bệnh, người nghèo của các tu sĩ chính là nguồn động viên, khích lệ người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, góp phần làm giảm tải gánh nặng ngân sách nhà nước, đóng góp vào phát triển bền vững xã hội ở Tây Nguyên.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN LÊ THỊ LIÊN (Trang 88 - 90)