Lý thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 31 - 34)

- Lý thuyết: Cấu trúc - chức năng

Lý thuyết cấu trúc chức năng hay còn được gọi là “thuyết chức năng”. Đây là một trong những lý thuyết điển hình gắn liền với tên tuổi của những nhà xã hội học như Durkheim, E.Tylor, B.Malinowski, Robert K. Merton,… Lý thuyết này nhấn mạnh đến tính liên kết chặt chẽ của các bộ phận cấu thành nên một chỉnh thể mà mỗi bộ phận đều có chức năng nhất định góp phần đảm bảo sự tồn tại của chính

chỉnh thể đó với tư cách là một cấu trúc tương đối ổn định, bền vững. Áp dụng trong nghiên cứu tôn giáo, khung lý thuyết giúp các nhà nghiên cứu nhìn nhận tôn giáo như một hệ thống phức tạp, mỗi bộ phận cấu thành nên hệ thống tôn giáo đều có những chức năng nhất định, tương tác lẫn nhau nhằm thúc đẩy tính liên kết và ổn định.

Mặt khác, lý thuyết cũng chỉ ra rằng bên cạnh những hạt nhân mang chức năng tốt, có tác dụng đối với cấu trúc, còn có những bộ phận “phản chức năng”, gây cản trở ở các mức độ khác nhau đến sự vận động, phát triển của các bộ phận khác cũng như toàn thể hệ thống, đưa đến những hành động “lệch chuẩn xã hội”. Việc xác định hành động “lệch chuẩn xã hội” được dựa trên cơ sở những mục tiêu và phương tiện được xã hội đồng thuận, ủng hộ, chấp nhận hay phản đối. Điều này được thể hiện rất rõ nét qua quan điểm của Robert K. Merton. Áp dụng trong nghiên cứu tôn giáo, nội dung này giúp nhà nghiên cứu có đánh giá đa chiều trong tiếp cận những hạn chế, còn tồn tại ở những tổ chức, hệ phái truyền đạo trái pháp luật, những biểu hiện tiêu cực đối với đời sống xã hội, văn hóa của một bộ phận mục sư, tín đồ.

Lý thuyết này được luận án sử dụng ở tất cả các chương 2, 3, và 4. Luận án sử dụng lý thuyết này ở chương 2 và 3 để phân tích các tổ chức, hệ phái Tin lành mặc dù nhiều, đa dạng, song không vì thế mà nằm ngoài hệ thống, ngược lại, luôn là những bộ phận trong một cấu trúc tôn giáo Tin lành bền vững. Mỗi tổ chức, hệ phái Tin lành có một quá trình vận động, phát triển riêng. Bản thân mỗi tổ chức, hệ phái cũng là một tiểu cấu trúc, với những chức năng riêng, góp phần tạo nên chỉnh thể Tin lành đa dạng nhưng vẫn mang những đặc trưng chung. Bên cạnh những tổ chức, hệ phái Tin lành tích cực tham gia xây dựng đời sống xã hội địa phương, đảm bảo đời sống tôn giáo ổn định, vẫn còn một bộ phận mục sư hoặc tín đồ có hành vi “lệch chuẩn xã hội”, truyền đạo trái pháp luật, gây mất trật tự trị an, mất đoàn kết nội bộ,… Từ đó, lý thuyết giúp luận án xác định những giải pháp cần thực hiện trong chương 4 để đảm bảo các tổ chức, hệ phái hoạt động đúng pháp luật, đảm bảo thỏa mãn nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân.

- Lý thuyết: Thực thể tôn giáo

Khái niệm “thực thể tôn giáo” được sử dụng rộng rãi trong giới khoa học, bắt đầu từ các nước phương Tây sau những năm 2000 gắn với tên tuổi của các nhà

nghiên cứu tôn giáo trung lập như Dominique Borne, Jean Paul Willaim, René Rémond. Lý thuyết “thực thể tôn giáo” coi tôn giáo như một hiện tượng đặc thù của xã hội loài người, một tất yếu khách quan của mọi kết cấu xã hội bao gồm yếu tố niềm tin, thực hành nghi lễ trong cộng đồng và bao trùm là các giá trị chung, các cảm thức tôn giáo, các mối quan hệ tác động qua lại. Cũng theo lý thuyết này, các hiện tượng tôn giáo có mối quan hệ tương tác, chịu sự tác động và tác động trở lại đối với các hiện tượng xã hội khác.

Lý thuyết “thực thể tôn giáo” xuất hiện đã bổ sung, hoàn chỉnh cho hướng tiếp cận chính trị - xã hội của Mác - vốn đã rất phổ biến ở Việt Nam - khi coi tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, thuộc về kiến trúc thượng tầng của xã hội, là sản phẩm của con người, phản ánh chính những sợ hãi, bất an của con người đối với tự nhiên và xã hội. Ngoài ra, lý thuyết này cũng giúp làm rõ hơn bản chất hiện thực phong phú, sống động và tính khách quan của đời sống tôn giáo trước những quan điểm thuần túy, đơn giản chia tôn giáo thành một cấu trúc gồm giáo lý, giáo luật, lễ nghi, cơ sở thờ tự, chức sắc và tín đồ.

“Thực thể tôn giáo” trở thành căn cứ lý luận cho luận án trong việc tiếp cận tính đa dạng các tổ chức, hệ phái như là một thuộc tính khách quan của thực thể Tin lành. Lý thuyết giúp tác giả có cơ sở đưa ra và đánh giá các nhân tố tác động đến sự đa dạng của tổ chức, hệ phái Tin lành ở phần 3, chương 2. Đặc biệt, áp dụng khung lý thuyết này giúp tác giả luận án có cơ sở để nhóm, phân loại hiện trạng sự đa dạng của các tổ chức, hệ phái Tin lành trong chương 3 trên cơ sở 3 tiêu chí niềm tin (xu hướng thần học), thực hành (phương thức hoạt động, cơ cấu tổ chức) và cộng đồng (tín đồ, phạm vi hoạt động) cũng như ảnh hưởng, tác động đến đời sống xã hội (địa vị pháp lý, mối quan hệ trong nước, quốc tế).

- Lý thuyết: Sử học tôn giáo và tôn giáo học so sánh

Lý thuyết sử học tôn giáo nhận thức về bản thân tôn giáo xuất phát từ lịch sử phát triển mà tôn giáo đã trải qua, hay nói cách khác là phân tích tôn giáo từ điểm nhìn lịch sử.

Luận án sử dụng lý thuyết sử học tôn giáo để soi chiếu những sự kiện lịch sử diễn ra tác động đến sự hình thành, phát triển và quá trình hoạt động của các tổ

chức, hệ phái Tin lành. Lý thuyết trở thành cơ sở lý luận cho tác giả tổng quan tư liệu nghiên cứu, khái quát lịch sử nghiên cứu trong chương 1, phân tích lược sử quá trình du nhập, phát triển của các tổ chức, hệ phái Tin lành trong phần 2, chương 2. Lý thuyết với việc xem xét Tin lành trong nhiều chiều cạnh lịch sử, nhiều bối cảnh không gian, thời gian cũng là một căn cứ giúp tác giả chia nhóm phân loại và phân tích hiện trạng sự đa dạng tổ chức, hệ phái Tin lành theo thời gian hình thành, nguồn gốc trong phần 1, chương 3. Cuối cùng, áp dụng lý thuyết sử học tôn giáo, từ điểm nhìn lịch sử, sau năm 1975, nhất là sau năm 2005 đến nay, luận án nhìn nhận, đánh giá những vấn đề đặt ra hiện nay trước tình hình phát triển đa dạng các tổ chức, hệ phái Tin lành và dự báo xu hướng biểu hiện đa dạng trong tương lai ở chương 4.

Lý thuyết tôn giáo học so sánh nhấn mạnh, so sánh theo chiều ngang giữa các tôn giáo trên cơ sở lấy lịch sử tôn giáo làm xuất phát điểm. Lý thuyết giúp người nghiên cứu đi tìm hiểu các giá trị thông qua các hiện tượng tôn giáo, các sự thật lịch sử, so sánh, đối chiếu sự tương đồng/ khác biệt, giao thoa thậm chí là đối lập giữa các tôn giáo.

Luận án sử dụng lý thuyết tôn giáo học so sánh để so sánh sự đa dạng của các tổ chức, hệ phái Tin lành từ khi mới xuất hiện đến nay và so sánh trường hợp Việt Nam với Mỹ trong cùng giai đoạn hiện nay. Đồng thời, luận án cũng so sánh sự đa dạng tổ chức, hệ phái của đạo Tin lành với trường hợp Phật giáo ở Việt Nam.

Ở phạm vi hẹp, luận án cũng sử dụng lý thuyết tôn giáo học để so sánh, đối chiếu các tổ chức, hệ phái với nhau.

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(195 trang)
w