NHỮNG KHÁI NIỆM LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 34 - 39)

Tổ chức tôn giáo:

Theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo, trong Chương 1, Những quy định chung, tổ chức tôn giáo được hiểu là “tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo” [theo Luật tín ngưỡng tôn giáo]. Ví dụ tổ chức Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) của đạo Tin lành, tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam,...

Giáo hội: Thuật ngữ “giáo hội” trong Luận án là từ viết tắt của “Tổ chức giáo hội”. Tổ chức giáo hội được hiểu theo hai nghĩa, hoặc là tổ chức tôn giáo, hoặc là cơ cấu tổ chức bộ máy của tổ chức tôn giáo. Cũng theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo, trong Chương 1, Những quy định chung, tổ chức tôn giáo trực thuộc được hiểu là “tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo” [theo Luật tín ngưỡng tôn giáo]. Khi đặt trong tương quan với thuật ngữ “hệ phái”, “tổ chức” được tiếp cận với tư cách là tổ chức tôn giáo, tổ chức giáo hội. Tổ chức này được đặc trưng bởi tính độc lập, được cụ thể hóa xu hướng thần học bằng các phương thức hoạt động riêng, độc lập.

Giáo hội và giáo phái không được hiểu giống nhau. Theo cách tiếp cận lịch sử và nguồn gốc xuất xứ, những thành viên trước kia cùng một giáo hội sau đó tách ra, thành lập tổ chức mới, được gọi là “giáo phái”. Theo cách tiếp cận xã hội học, giáo hội có luật định, có hàng ngũ chức sắc, hệ tư tưởng, quản lí bằng giáo luật, trong khi giáo phái thường mang tính thỏa thuận giữa một nhóm người, cố kết nhau bằng những cam kết và không tuyệt đối về hệ tư tưởng [xem 134, tr.81].

Hệ phái: Hệ phái được đặc trưng bởi xu hướng thần học, sinh hoạt tôn giáo thể hiện niềm tin. Do tồn tại nhiều xu hướng thần học khác nhau, phương thức sinh hoạt tôn giáo khác nhau, Tin lành bao gồm rất nhiều hệ phái. Một hệ phái Tin lành có thể gồm nhiều tổ chức giáo hội nhưng cũng có thể chỉ có một tổ chức giáo hội. Trên thế giới, Tin lành có một số hệ phái lớn như Lutheran, Báp tít, Trưởng lão, Giám lý, Ngũ tuần,... “Giới chức đạo Tin lành người Việt ngoài giáo phái còn dùng từ hệ phái

trong các văn bản của họ để chỉ các giáo phái Tin lành (…) Ngoài ra, còn một tên gọi vốn rất Việt được giới chức Tin lành sáng tạo ra là Hội thánh (…) mang

ý đề cao cộng đồng của mình, để phân biệt với các hội thế tục khác” [134, tr.79]. Trong Luận án, tác giả sử dụng thuật ngữ hệ phái.

Tổ chức, hệ phái: Xét theo quy mô và tính chất, phải gọi là “hệ phái, tổ chức”. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trong nhiều trường hợp, thành thói quen, cụm từ này được gọi là “tổ chức, hệ phái”. Đây là một cụm từ ghép để nói đến sự đa dạng về tổ chức, hệ phái Tin lành, cũng có khi để chỉ một tổ chức Tin lành nào đó. Thuật ngữ này cũng được dùng với trường hợp một số tôn giáo khác như Phật giáo, Cao đài.

Chi hội: Chi hội hay còn gọi là Hội thánh cơ sở. Chi hội chính là tổ chức giáo hội trực thuộc. Thông thường, mỗi hệ phái có 2 cấp là Tổng hội (cấp Trung ương) và Chi hội (cấp cơ sở). Cấp chi hội ít thông công với các chi hội khác trong khi Tổng hội

có thể mời đại diện để thông công. Chi hội có hai loại là chi hội tự lập (tự lập về tài chính) và chi hội tự dưỡng (chưa tự lập về tài chính). Ngoài ra còn có Hội nhánh (chưa đủ điều kiện để thành lập chi hội). Ở những địa phương có đông tín đồ, nhiều chi hội có thể thành lập Ban đại diện (không phải là một cấp hành chính) thay mặt Tổng liên hội hướng dẫn hoạt động của chi hội và quan hệ với chính quyền.

Điểm nhóm: Điểm nhóm là nơi tập hợp tín đồ Tin lành nhóm lễ, sinh hoạt tại một địa điểm nào đó (nhà riêng, nhà thuê mượn,...) khi chưa đủ điều kiện thành lập chi hội. Điểm nhóm thường ở quy mô nhỏ, trực thuộc một hệ phái. Theo quản lý nhà nước, điểm nhóm không giới hạn số lượng tín đồ cụ thể. Ở một số địa phương, điển hình như tỉnh Hải Dương, điểm nhóm còn được gọi là “cụm tín hữu”, “cụm tín hữu miền quê”,“chi hội tín hữu miền quê” và nằm rải rác ở các huyện trong tỉnh.

Đa dạng tổ chức, hệ phái: “Đa dạng” (diversity) không phải là “đa nguyên” (pluralism). “Đa nguyên” là thái độ, sự phản ứng của con người với tính đa dạng, trong khi “đa dạng” được hiểu là tính từ chỉ nhiều dạng biểu hiện khác nhau. Từ đó có thể hiểu đa dạng tổ chức, hệ phái là có nhiều dạng biểu hiện tổ chức, hệ phái khác nhau, nhiều loại hình tổ chức, hệ phái khác nhau.

Tin lành: Thuật ngữ “Tin lành” trong Luận án là từ gọi tắt của “đạo Tin lành”. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ một tôn giáo ra đời trong phong trào cải cách tôn giáo ở châu Âu thế kỷ XVI - một tôn giáo được tách ra từ Công giáo. Đạo Tin lành có nhiều hệ phái, trong mỗi hệ phái lại có rất nhiều tổ chức. Với những tín đồ Tin lành, Tin lành là “tin tức tốt lành”, chứ “không phải tin theo để làm lành” (theo sổ cầm tay “Tin lành cho người Việt Nam”). Ban đầu, khi du nhập vào Việt Nam, Tin lành được gọi là đạo Thệ phản, theo cách dịch từ mẫu tự La tinh của đạo này là Protestantism.

Về sau, đạo này mới được gọi là Tin lành, theo cách dịch từ chữ Evangelical, nghĩa là

Kinh thánh Phúc âm (để phân biệt với cách dịch Kinh thánh Phúc âm thành “Tin mừng” của những người theo Công giáo). Ngoài ra, trong thực

tiễn, Tin lành còn được gọi là Tin lành/hoặc tôn giáo của xã hội thời thượng, xã hội văn minh, theo cách dịch từ chữ Reformation (cải cách) mà thế giới hiện đại ngày nay hay dùng.

Tin lành tư gia: Là tổ chức của những người “đi tìm kiếm tôn giáo nhưng chẳng theo đạo nào đã thiết lập” [78, tr.69]. Ở Việt Nam, Tin lành tư gia được hình thành vào giữa những năm 1980. Theo những nhà quản lý, thuật ngữ Tin lành tư gia

hay Hội thánh tư gia được hiểu theo 2 nghĩa, là điểm nhóm của những người sinh hoạt tôn giáo tại gia đình hoặc tổ chức của những cộng đồng Tin lành chưa được Nhà nước công nhận về mặt tổ chức.

Tin lành không hệ phái (phi hệ phái): Trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam xuất hiện một số tổ chức Tin lành không hệ phái. Tin lành không hệ phái được hiểu là tổ chức thực hiện chức năng kết nối các tổ chức, hệ phái Tin lành trong cùng một mục vụ chuyên biệt như dịch Thánh kinh, in Thánh kinh, tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội,... nhưng lại không có điều kiện hoạt động mục vụ trong chính giáo hội của họ. Tin lành không hệ phái còn được hiểu là cộng đồng tín đồ cùng sinh hoạt tôn giáo nhưng không thuộc tổ chức Tin lành nào. Có thể kể đến các tổ chức như UBS (United Bible Societies) tức Thánh Kinh hội, SIL (Summer Institute of Linguistics) tức Hội ngôn ngữ học mùa hè, CCC (Campus Central City) tức Hội truyền giảng chúa Cơ đốc,... Hiện nay, một số quốc gia, nhất là ở Mỹ, sự đa dạng về tổ chức, hệ phái đã dẫn đến việc hình thành các cộng đồng Tin lành độc lập, sống đạo, giữ đạo theo tin thần Tin lành nhưng không thuộc tổ chức, hệ phái nào.

Thuộc linh: “Thuộc linh“ thường đi liền với chữ “đời sống” để chỉ đời sống đức tin của các tín đồ Tin lành (ở Việt Nam gọi là “tín hữu Tin lành”, còn những người Tin lành thường nhận mình là “Cơ Đốc nhân”) vào Chúa Giê su. Đối với những người tin theo Tin lành, sự tăng trưởng thuộc linh rất có ý nghĩa cho cuộc sống, góp phần ảnh hưởng, làm thay đổi bên trong đời sống của họ, gắn bó họ ngày càng nhiều hơn và chặt chẽ hơn với Chúa trời. Bất cứ tín đồ Tin lành nào cũng có đời sống thuộc linh, họ coi đây là quyền năng được Chúa trời ban ơn, đúng như tinh thần của Kinh thánh: “Bất cứ ai tiếp nhận Ngài, tức là tin danh Ngài, thì Ngài ban

cho họ quyền trở nên con của Đức Chúa Trời” và “Hãy tin Đức Chúa Giê su, thì ngươi và cả nhà đều được cứu rỗi” (Công vụ các sứ đồ 16:31) [79, Tân ước, tr.162].

Thông công: “Thông công” hay còn gọi là “Hiệp thông” là một thuật ngữ chỉ mối quan hệ giữa các tín hữu trong cùng một tổ chức, hệ phái hoặc giữa tín đồ của các tổ chức, hệ phái khác nhau. Thuật ngữ này cũng là để nói mối quan hệ giữa tín đồ với đấng tối cao. Tín đồ Tin lành cho rằng: “Thông công nghĩa là kết tình bầu bạn từ anh chị em khắp nơi trên Thế Giới qua địa vị làm con cái Đức Chúa Trời,...

Thông công là bí quyết phá vỡ tất cả những hàng rào ngăn cách, xóa tan những mâu thuẫn hiểu lầm. Sự thông công trong Đức Chúa Jesus Christ sẽ khiến cho người Truyền Giảng Tin Lành đem đến sự chữa lành những tổn thương, hàn gắn những sự đổ vỡ từ trong Hội Thánh địa phương đến cộng đồng xã hội. Bởi huyết vô tội của Đức Chúa Jesus Christ mà chúng ta được giao thông cùng nhau” [36, tr.27].

Hiệp một: “Hiệp một” được hiểu là tinh thần đoàn kết, hợp tác, là thái độ nhất trí, đồng lòng giữa các tín đồ. Nếu có tinh thần hiệp một, việc thông công sẽ trở nên hiệu quả hơn. Sứ đồ Phao lô trong thư gửi người Phi-líp có đoạn nhắc nhở về sự nhân từ, khiêm nhượng và tinh thần hiệp một như sau: “Vậy nếu trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót, thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn. Chớ làm sự chi vì lòng cạnh tranh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:1-4) [79, Tân ước, tr.244].

Chương 2

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 34 - 39)