Ở một khía cạnh khác khi bàn tới đặc điểm của đạo Tin lành xét trên khía cạnh thực hành tôn giáo, hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa đã hiện diện và có mầm mống từ trong lòng xã hội phong kiến châu Âu thế kỷ XVI, với sự xuất hiện của một lực lượng sản xuất mới, với yêu cầu cởi trói những quan hệ sản xuất cũ lỗi thời đã tác động mạnh mẽ tới Tin lành. Sự thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản góp phần thiết lập thể chế chính trị dân chủ tư sản, suy tôn bình đẳng, tự do; nền văn hóa Phục hưng với những tri thức mới mẻ, đề cao các giá trị nhân văn, tiến bộ trở thành tiền đề cho sự ra đời và những đặc trưng riêng biệt của Tin lành.
Ra đời trong những điều kiện đặc biệt ấy, Tin lành trở thành một tôn giáo có lối sống đạo nhẹ nhàng, luật lệ, lễ nghi đơn giản thậm chí đến mức giản lược triệt để như một sự tương phản với Công giáo đương thời. Tín hữu Tin lành không xây dựng những nhà thờ nguy nga, lộng lẫy; không tham gia đầy đủ những buổi lễ đạo với các thủ tục, trang phục cầu kì; không thực hiện tất cả 7 phép bí tích của Công giáo; không lạy thờ Maria, các Thánh tông đồ, các Thánh tử đạo. Kinh thánh được đề cao nhưng chọn lọc sử dụng và đối với những gì được cho là không phù hợp, Tin lành có thể gạt bỏ.
Các sách tuyên truyền về đạo được dịch bám sát Kinh thánh, chia nhỏ, in mỏng, ngôn từ bình dân, phù hợp mục tiêu dành cho nhiều đối tượng người đọc và không trở thành sản phẩm độc quyền của Giáo hội. Những nhà in, những người bị cho là có địa vị xã hội thấp kém, bán hàng rong hay giáo viên trường học, các mục sư,… đều có quyền phân phát các sách này. Trong các buổi cầu nguyện, tránh nặng nề, những bài hát thánh ca được sử dụng phổ biến, âm nhạc tươi vui đúng như tinh thần tên gọi Tin lành - sự loan báo tin vui của Chúa. Trong lối sống đạo, trái với
những chức sắc Công giáo được suy tôn là đại diện cho Chúa chăn chiên dưới trần gian, lời nói hành động được xem như lời nói hành động của Chúa, thực thi luật không được kết hôn; mục sư và truyền đạo Tin lành (là hai chức danh chính của chức sắc Tin lành) có thể tuyệt đối tuân giáo hoặc tự do ý chí, có chức năng truyền đạo, giảng Kinh thánh, chăn chiên nhưng không có quyền thay mặt Chúa và họ được phép kết hôn.
Khác với Công giáo, Tin lành không có quan niệm về luyện ngục, không thờ những biểu tượng trầm định (sự vật phàm tục được thiêng liêng hóa) như tranh tượng, thánh tích, đồ thờ,... Người ta có thể tìm kiếm được lời viện dẫn từ thực tế lịch sử về việc này. Vào những thập niên 50, 60 của thế kỷ XVI, ở Tây Âu, rõ nét nhất là ở Pháp, nền quân chủ trở nên bất ổn nhưng giới cầm quyền vẫn cố gắng duy trì thể chế ấy bằng cách chiến đấu giành giật lại chủ quyền cho Công giáo của họ thông qua các cuộc đàn áp Tin lành. Sự kiện thánh lễ Saint Barthelemy năm 1572 đã khiến cho hơn hai nghìn người Tin lành bị tàn sát. Những người Tin lành khác đã trở nên nổi giận và đập phá những biểu tượng trầm định [78, tr.50]. Họ gián tiếp chống lại nền quân chủ chuyên chế và hàng ngũ “những người thiêng liêng hóa các biểu tượng trầm định” (Giáo hoàng, Giáo hội Công giáo). Họ muốn chứng minh rằng những biểu tượng này không được Chúa chở che; Giáo hoàng, Giáo hội Công giáo không thay thế được quyền uy của Chúa đối với đức tin con người. Như vậy là, “chỉ có Chúa”, “chỉ có
Kinh thánh”, “chỉ có ân sủng” và duy chỉ có lí trí trong đức tin, chứ không cần đến các biểu tượng trầm định cầu kì khác.
Có thể nói, Tin lành không phải là một tôn giáo mới, lần đầu tiên xuất hiện với những tín lí mới mẻ hoàn toàn vào thế kỷ XVI ở châu Âu. Ở Tin lành, người ta đã thấy trong đó dáng dấp sự trở lại của Công giáo sơ kì, nguyên thủy, khi vai trò của Chúa trời được thượng tôn và đức tin vào Chúa trời trở nên tuyệt đối. Từ những nền tảng thần học đó, Tin lành đã có những cải cách, không còn chú trọng lễ nghi và lối sống đạo phức tạp mà đề cao lý trí trong đức tin. Tin lành đã “rút lại tính thiêng của các đồ vật thờ cúng”.
Đối với Tin lành, những thầy tu “không được khoác lên cho mình một sự linh thiêng nào”, “quyền lực đến từ chức năng chứ không đến từ sự sùng bái, tôn
kính tuyệt đối của tín đồ dành cho mình” [78, tr.19]. Họ ý thức được thái độ kiểm soát của tín đồ, thường xuyên phải giữ gìn phẩm hạnh, tích cực học tập nâng cao trình độ do cơ chế sinh hoạt dân chủ. Họ cũng thường nhắc nhở, giáo dục tín đồ thực hiện nếp sống lành mạnh, giản dị, tiết kiệm, không uống rượu, không hút thuốc. Điều này vừa được xem là đặc điểm vừa được xem là một giá trị xét dưới phương diện văn hóa của cộng đồng đạo Tin lành [30, tr.170]. Đây cũng là một trong những căn nguyên dẫn tới việc Tin lành thu hút nhiều tín đồ, thích hợp với xã hội hiện đại và trở nên đa dạng, phong phú về tổ chức, hệ phái.