Những tín đồ Tin lành tin rằng truyền giảng Tin lành là động cơ đến từ Đức Chúa Giêsu và đã được bắt đầu từ thời kì các sứ đồ - những người đã được Chúa chiêu mộ như Anhrê, Simôn Pie rơ, Giacơ, Giăng, Ma-thi-ơ, Phi lip, Gia cơ, Giu đê, … Hệ thống giáo phụ là những người tiếp tục công việc giúp lan tỏa Hội thánh sau thời kỳ các sứ đồ, điển hình là Clement (ở La Mã), Ignatius, Papias, Polycarp, Justin Martyr, Irenaeus, Clement (ở Alexandria), Tetullian, Cprian, Origen (thời kì các giáo phụ). Tuy nhiên, Cơ đốc giáo vẫn là một tôn giáo bất hợp pháp cho đến năm 323 Constantine nắm trọn quyền trên đế quốc La Mã và chính thức trở thành tôn giáo duy nhất hợp pháp của đế quốc La Mã vào năm 392 khi hoàng đế Theodosius I cấm mọi việc cúng bái, tuyên bố mọi hình thức tôn giáo trái với Hội thánh là bất hợp pháp (thời kì phong trào Cơ đốc giáo). Sau đó, Hội thánh bắt đầu thu hút được nhiều người đàn ông và phụ nữ dâng đời sống của mình cho Đức Chúa trời qua lối sống khổ hạnh và đầy lòng tin kính nơi những tu viện (thời kì phong trào tu viện). Vào thế kỷ thứ XI, trước sự tấn công của Hồi giáo và sự sụp đổ của đế quốc La Mã, Đông và Tây Giáo hội bị chia rẽ, quyền lực Công giáo tập trung vào tay các giáo hoàng, Hội thánh gần như “bị tê liệt trên mặt trận thuộc linh” (thời kì Hội thánh phương Tây truyền giáo). “Những cuộc thám hiểm dũng cảm đã thúc đẩy châu Âu rời khỏi khuôn mẫu cổ hủ” như cuộc thám hiểm của Vasco da Gama đến Ấn Độ vòng theo cực nam châu Phi năm 1397, Christopher Columbus về phía Tây và tìm ra châu Mỹ năm 1492 (thời kì phong trào cải chánh). Wycliffe được xem là “ngôi sao mai của thời kì cải chánh” cho tới khi Martin Luther “châm ngòi lửa đầu tiên cho công cuộc cải chánh” [theo 36, tr.88].
Cuối thời kỳ trung cổ ở châu Âu, việc buôn bán bùa xá tội của giới chức sắc trong giáo hội Công giáo đã trở nên khá phổ biến. Việc phải trả tiền cho lễ rửa tội
được thay thế cho những sự trừng phạt trước đây khi giáo dân mắc tội. Người ta cho rằng những đồng tiền được trả cho bùa xá tội được dùng vào mục đích xây dựng nhà thờ. Trên thực tế, chúng được dùng để chi trả cho những món nợ của cá nhân những thành viên phụ trách giáo hội.
Mùa xuân năm 1517, thầy tu Johamm Tesel thuộc dòng Dominic xứ Saxonia, Đức đã bắt đầu bán bùa xá tội cho giáo dân. Sự việc này khiến một thầy tu khác thuộc dòng Augustin cũng ở xứ Saxonia - Martin Luther (1483-1546) - hết sức tức giận. Ông cho rằng đây là “một sự bóc lột không giấu giếm” được dựa trên “những mưu toan của những người nghèo khổ định cầu xin một ân phước vĩnh hằng” [142, tr.120]. Ngày 31 tháng 10 năm 1517, Martin Luther đã treo lên cửa nhà thờ Wittenberg một danh mục gồm 95 luận đề bày tỏ sự phản ứng với giáo hội, Giáo hoàng cũng như việc buôn bán bùa xá tội, mở đầu cho cuộc khẩu chiến kéo dài, chống lại các thế lực lãnh đạo trong nhà thờ Công giáo. Ông tuyên bố: “Sự tức giận của tôi chính là cơn tức giận của Thượng Đế. Chính ngài đã sử dụng những kẻ thù của tôi để buộc tôi phải cao giọng hơn nữa. Tôi cần phải nói, phải gào thét, hét vang và viết cho đến khi nào họ chán ghét tôi mới thôi” [142, tr.119].
Nhờ sự xuất hiện của công cụ máy in sắp chữ, những luận đề rúng động dư luận bằng tiếng Latinh của Luther đã được dịch sang tiếng Đức và dần phổ biến toàn châu Âu. Trong bối cảnh nền nông nghiệp Đức đang gặp khủng hoảng, sụt giảm giá nghiêm trọng, sự bất mãn của nông dân, chủ đất nhỏ với giới chức sắc giàu có nhà thờ ngày càng gia tăng, sự xuất hiện những tư tưởng tôn giáo của Luther và sau này là thần học của John Calvin (1509-1564), Ulrich Zwingli (1484-1531) được ví von giống như những hạt mầm gieo xuống đất, khởi đầu cho sự hình thành nên đạo Tinh lành. Hàng thập kỷ sau đó, cả châu Âu liên tục sôi sục những cuộc đấu tranh tôn giáo giữa một bên là Công giáo và một bên là Tin lành. Đạo Tin lành có ý nghĩa giống như một cuộc cải cách tôn giáo đã cắt chia châu Âu là vì vậy.
Sau những cuộc tranh biện về thần học, thậm chí dẫn đến xung đột vũ trang, đổ máu, Hòa ước Tôn giáo Augsburg năm 1555 được ký kết đã giảm nhẹ ảnh hưởng của Đức Giáo hoàng, chấp nhận sự phân hóa Tin lành khỏi Công giáo. Đến lượt
mình, Tin lành lại tiếp tục phân hóa thành nhiều hệ phái. Có thể kể trong số đó một số hệ phái lớn, thu hút đông tín đồ trên thế giới cho đến tận hiện nay như: hệ phái Luther (hệ phái được đặt tên theo Martin Luther và dựa vào những giáo lý được ông giao rảng), hệ phái Giám lý (hệ phái được đặc trưng bởi phương pháp tăng trưởng thuộc linh), hệ phái Báp tít (lúc đầu gọi là AnaBáp tít, là hệ phái nhấn mạnh tầm quan trọng của phép Bắp - têm và cho rằng phải rửa tội lại cho người lớn, ngay cả khi đã được làm lễ Bắp - têm lúc sơ sinh), hệ phái Trưởng lão (hay còn gọi là Cải cách, hệ phái này được đặc trưng bởi thần học Calvin, đề cao vai trò của những người cao tuổi, lãnh đạo giáo hội),… Từ những dòng hệ phái này, các tổ chức, hệ phái khác tiếp tục được tạo ra, làm nên tính đa dạng, phong phú, sống động cho đời sống đạo Tin lành.
Các tổ chức, hệ phái ít nhiều có sự khác biệt khi nhấn mạnh mặt này hay mặt khác của tín lý (tức là đi theo các xu hướng thần học khác nhau), cho nên cũng có sự khác nhau về cách thức thờ phượng để phù hợp với từng quan tâm và ưu tiên của mỗi tín đồ. Đây được xem là lí do tạo nên sự đa dạng tổ chức, hệ phái của Tin lành, trái ngược căn bản với Công giáo. Tuy nhiên, theo cách diễn đạt của những người Tin lành, cần lưu ý rằng sự khác biệt không làm mất đi sự hiệp một tối thượng trong Chúa Giêsu mà ngược lại, sự khác biệt vẫn phải giữ được sự tinh khiết của tín lý theo đúng lương tâm và sự hiểu biết lời Chúa của mỗi tín đồ. Điều đó được thể hiện theo đúng tinh thần của Kinh thánh, rằng: “ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha, lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến. Con đã ban cho họ sự vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để hiệp làm một cũng như chúng ta vẫn là một” (Giăng 17: 21-22) [79, Tân ước, tr.132].