Một số kiến nghị

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 143 - 149)

Nhóm kiến nghị đối với chính quyền

Thứ nhất: Những kiến nghị đối với Chính phủ. Nhận diện đầy đủ, phân biệt rõ và có ứng xử đúng đắn với các tổ chức, hệ phái Tin lành không phải việc dễ dàng đối với Chính phủ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, ranh giới giữa các tổ chức, hệ phái dường như ngày càng mờ nhạt đi, tình hình thực tiễn có những yêu cầu, đòi hỏi mới. Bởi vậy, xét trong tính đa dạng các tổ chức, hệ phái Tin lành ở Việt Nam hiện nay, luận án kiến nghị như sau:

Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản thuần túy lẫn nghiên cứu cơ bản định hướng nhằm gia tăng hiểu biết về các tổ chức, hệ phái, nhận diện, phân biệt các tổ chức, hệ phái sinh hoạt đạo thuần túy với tà đạo. Đối với những văn bản luật còn thời hạn thực thi, Chính phủ

cần vừa áp dụng vừa bổ sung kịp thời những yếu tố mới phát sinh, điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp hoặc phù hợp với địa phương này nhưng không khả thi với địa phương khác cùng có đạo Tin lành hoạt động.

Ngoài những văn bản luật đã có, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản mang tính pháp quy cập nhật tình hình thực tiễn tồn tại đa dạng của từng tổ chức, hệ phái Tin lành, ở từng thời điểm cụ thể, có những hướng dẫn chi tiết, văn phong minh bạch, tránh gây khó hiểu hoặc hiểu lầm cho việc sinh hoạt đạo của các tổ chức, hệ phái. Đồng thời, Chính phủ áp dụng luật và có kế hoạch tổng kết nhằm bổ sung, điều chỉnh cho sát hợp tình hình thực tiễn, đặc biệt trong quá trình công nhận tư cách pháp nhân, chú ý các tổ chức, hệ phái có phạm vi hoạt động rộng, ổn định và các nhóm phái mới hình thành, nhỏ lẻ. Có thể phân thành hai để giải quyết: (1) đăng ký và công nhận (hai bước) đối với các tổ chức Tin lành có đông tín đồ chức sắc và phạm vi hoạt động rộng, (2) chỉ cấp đăng ký hoạt động đối với các nhóm phái Tin lành nhỏ lẻ mới hình thành. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên chấp nhận cơ chế liên hiệp dưới hình thức “hiệp hội Tin lành” nếu như các tổ chức Tin lành có nhu cầu.

Chính phủ chỉ đạo việc cụ thể hóa chính sách hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo. Hiện nay chính sách đối với hoạt động từ thiện xã hội của tôn giáo, nhất là đối với Tin lành còn tương đối dè dặt nếu không muốn nói đôi khi còn định kiến. Điều này khiến cho hoạt động từ thiện xã hội của một số tổ chức, hệ phái chỉ với tư cách là cùng hỗ trợ, chứ chưa được đặt đúng vị trí trong sự phát triển của xã hội hiện nay. Bởi vậy, các tổ chức, hệ phái chưa phát huy hết vai trò và tiềm lực trong các hoạt động từ thiện xã hội. Sự đa dạng về các tổ chức, hệ phái Tin lành chưa thực sự phát huy hiệu quả trong công tác từ thiện xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội Việt Nam, đặc biệt ở những lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục,…

Chính phủ chỉ đạo công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học được tu nghiệp trong và ngoài nước để làm công tác tôn giáo; lắng nghe, tiếp thu ý kiến chuyên gia, nghiên cứu, tổng kết lý luận, thực tiễn nhằm bám sát và cập nhật tình hình phát triển đa dạng của các tổ chức, hệ phái, kịp thời phát hiện những vấn

đề mới nảy sinh để có hướng giải quyết thỏa đáng. Để công tác cán bộ đi vào chiều sâu, Chính phủ cũng cần quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ, cán bộ địa phương hoặc cán bộ chuyên trách một vài tổ chức, hệ phái (nhất là đối với những địa phương có nhiều tổ chức, hệ phái) nhằm nắm chắc tình hình, quản lý có hiệu quả và làm tốt công tác dân vận đối với đạo Tin lành.

Chính phủ chỉ đạo đồng bộ ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý, số hóa, lưu trữ thông tin về các tổ chức, hệ phái Tin lành theo từng năm nhằm tạo cơ sở dữ liệu đánh giá đúng, toàn diện về diện mạo, tốc độ phát triển của các tổ chức, hệ phái cũng như quy mô tổng thể của đạo; thiết lập thư viện dữ liệu số, tạo điều kiện cho các nhà khoa học tiếp cận các nguồn số liệu, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đẩy mạnh truyền thông chính sách tôn giáo nhằm khẳng định lập trường bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, tôn trọng nhiều hình thức tồn tại tổ chức, hệ phái Tin lành nói riêng, thể hiện thiện chí luôn sẵn sàng tạo dựng một môi trường an toàn cho các tín đồ sinh hoạt đạo lành mạnh.

Thứ hai: Những kiến nghị đối với các địa phương có sinh hoạt của Tin lành. Xét dưới góc độ nguồn nhân lực, các tín đồ của đạo Tin lành - một bộ phận không nhỏ thuộc về tầng lớp trí thức trẻ - là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thu hút tín đồ chủ động, tích cực tham gia xây dựng địa phương, đặc biệt ở những vùng địa bàn có đông tín đồ là người dân tộc thiểu số, có nhiều tổ chức, hệ phái hoạt động xen kẽ nhau đã và đang đặt ra vô số thách thức cho chính quyền địa phương, nơi có tín đồ Tin lành sinh hoạt đạo.

Trước hết, mỗi địa phương cần tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định 162 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Thực hiện các quy định pháp luật hiện hành là việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung (đối với Tin lành là đăng ký điểm nhóm), đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận tổ chức đối với các tổ chức Tin lành đủ điều kiện,... đồng thời chú ý thận trọng bổ sung, kiểm nghiệm các nhận thức mới, tiếp tục đổi mới các phương thức quản lý

đáp ứng tình hình thực tế sinh động ở mỗi địa phương cũng như tính đa dạng, phong phú, diễn biến mới của các tổ chức, hệ phái.

Địa phương cần tôn trọng tính đặc thù cũng như không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi tổ chức, hệ phái; mặt khác vẫn quan tâm đúng mức, ứng xử công bằng và là cầu nối gây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các tổ chức, hệ phái Tin lành với nhau cũng như giữa Tin lành với các tôn giáo khác trên địa bàn. Cần những phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong một địa phương hoặc liên kết giữa các địa phương nhằm tạo mọi điều kiện cho hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức, hệ phái Tin lành nhưng cũng cần có những chế tài quản lý đối với những hoạt động mang tính hình thức, không đúng bản chất của từ thiện xã hội.

Từng địa phương cần căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể của các tổ chức, hệ phái để lên kế hoạch sắp xếp, hoàn thiện bộ máy làm công tác tôn giáo ở địa phương mình một cách hiệu quả; chủ động mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ này. Địa phương tạo điều kiện vật chất, tinh thần và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, đặc biệt là nguồn cán bộ người địa phương, gắn bó với giáo dân, am hiểu địa bàn; khen thưởng kịp thời, lắng nghe các sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ đồng thời kiên quyết cho ra khỏi hệ thống những cán bộ có quan niệm thiên kiến, cực đoan.

Nhóm kiến nghị đối với các tổ chức, hệ phái Tin lành

Lối sống văn minh, lành mạnh của các tín đồ đạo Tin lành đã đem lại nhiều biến đổi tích cực cho đời sống xã hội của nhiều địa phương có sinh hoạt đạo Tin lành, đặc biệt ở những vùng có đông tín đồ là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, Tin lành vẫn xung đột với văn hóa truyền thống Việt Nam, gây nên những hiểu lầm không ít từ dư luận xã hội những người không theo đạo, thậm chí trong nội bộ các tổ chức, hệ phái vẫn còn nhiều khác biệt, tranh luận, phân rẽ. Mặc dù đây là những vấn đề thuộc về nội bộ các tổ chức, hệ phái, song từ góc độ quản lý của Nhà nước, luận án cũng đề xuất một số kiến nghị sau:

Các tổ chức, hệ phái tăng cường những hoạt động tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và đẩy mạnh hoạt động từ thiện xã hội, thiết thực đóng góp cho cộng đồng. Các mối quan hệ liên hệ phái trong nước, quốc tế được tiếp tục thực hiện nhưng trên

cơ sở tôn trọng pháp luật của Nhà nước Việt Nam cũng như những giá trị tốt đẹp, chân chính của tín lí Kitô. Việc sáp nhập/ chia tách các tổ chức, hệ phái nếu có, nên căn cứ trên cơ sở nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thuần túy, đúng với tinh thần Hiến chương của tổ chức thay vì mục đích thỏa mãn những nhu cầu lợi ích thực dụng, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ. Các tổ chức, hệ phái Tin lành nhất là những tổ chức, hệ phái mới còn ít tín đồ nên duy trì cơ chế liên hiệp (Fellowship) để hỗ trợ nhau trong hoạt động tôn giáo và xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo.

Đội ngũ chức sắc, chức việc vừa thực hiện chức vụ “hầu việc Chúa” vừa làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục tín đồ thực hiện đúng theo lời dạy trong Kinh thánh; đó là vâng phục chính quyền, tuân thủ chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước, hăng say lao động sản xuất, thực hiện tiết kiệm, từ bỏ những thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc, cờ bạc,... tích cực tham gia hoạt động từ thiện xã hội để trở thành công dân gương mẫu, giáo dân tích cực. Các tổ chức, hệ phái Tin lành hoạt động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần hỗ trợ chính quyền trong các chương trình kinh tế xã hội nhằm xóa đói giảm nghèo, phát triển đời sống vật chất, không để tái nghèo, mù chữ.

Các tổ chức, hệ phái Tin lành tránh tư tưởng cực đoan, so sánh, bài xích, tranh giành tín đồ bên cạnh chú trọng việc củng cố tổ chức, tránh phân liệt trong nội bộ tạo thành những tổ chức Tin lành mới. Đồng thời, các tổ chức, hệ phái Tin lành cần lên án, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có hành vi dùng vật chất hoặc ảnh hưởng để lôi kéo tín đồ gây xung đột giữa các tổ chức, hệ phái, gây rối trật tự xã hội, cản trở người thi hành công vụ. Đặc biệt các tổ chức, hệ phái Tin lành nhất là những tổ chức, hệ phái mới không để các lực lượng thù địch lợi dụng những vấn đề trong Tin lành gây ảnh hưởng tiêu cực đến mặt đạo và đời.

Tiểu kết chương 4

Đa dạng tổ chức, hệ phái là một đặc trưng, song còn là một thực tế đặt ra nhiều vấn đề đối với chính các tổ chức, hệ phái Tin lành hiện nay. Đó là việc cạnh tranh trong cùng tồn tại, phát triển; sự biến động về nghi lễ, xu hướng thần học và cách thức hoạt động; sự liên kết theo chiều dọc hoặc chiều ngang, trong nước hoặc

quốc tế giữa các tổ chức, hệ phái. Đối với công tác quản lý của Nhà nước, đa dạng tổ chức, hệ phái Tin lành đưa lại những thách thức trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nhằm dự báo đúng các xu hướng, đạt hiệu quả cao trong thực hiện chính sách. Việc tách, nhập, tan rã hay xuất hiện thêm mới của một số tổ chức, hệ phái, có cả các trường hợp có yếu tố nước ngoài hoặc vi phạm pháp luật cũng đặt Nhà nước đứng trước những vấn đề về việc công nhận tư cách pháp nhân cho tổ chức và nguyên tắc, thái độ, cách ứng xử.

Căn cứ vào chính sách, những vấn đề có tính phương pháp luận và từ thực tiễn, dự báo trong thời gian tới, Tin lành sẽ tiếp tục có sự biến đổi, tái cấu trúc từ bên trong. Bên cạnh đó, những tác động từ bên ngoài cũng khiến các tổ chức, hệ phái có thêm những mối liên hệ mới, ở những mức độ đậm, nhạt khác nhau. Nghiên cứu thần học với những triết thuyết phức tạp sẽ dần thay thế bằng những vấn đề mang tính thực dụng, gắn với thực tế đời sống nhiều hơn. Các tổ chức vi phạm pháp luật sẽ còn tồn tại nhưng xu hướng của tương lai là chỗ đứng chân lâu dài sẽ thuộc về các tổ chức tôn trọng pháp luật, đẩy mạnh từ thiện và hoạt động cộng đồng, có mối quan hệ tốt với chính quyền.

Để tránh đa dạng chỉ là gia tăng cơ học về số lượng tổ chức, thần học Tin lành cần lưu ý nhiều hơn đến triết lý trọng tình hơn lý, tính cộng đồng của tín đồ là người Việt Nam thay vì thường chỉ chú trọng phương thức, ý nghĩa chia sẻ niềm tin, chứng đạo. Để quản lý tốt, phát huy nguồn lực từ phía cộng đồng tín hữu Tin lành, Đảng và Nhà nước cần có các giải pháp toàn diện, đồng bộ, căn cứ trên những quan điểm lịch sử, cụ thể và các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, trước hết là nâng cao đời sống vật chất cho tín đồ, tuyên truyền, vận động tín đồ tham gia xây dựng đất nước, đấu tranh chống các lực lượng thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo gây kích động, thù hằn dân tộc.

KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 143 - 149)