Một là: Tín đồ được tự do đọc và giải thích Kinh thánh theo cách hiểu của cá nhân đã khiến Tin lành trở nên đa dạng.
Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc Lưu Bành, sự đa dạng của các tổ chức, hệ phái Tin lành đưa đến những tính chân lý khác nhau cho lời giải đáp câu hỏi “con người sống vì cái gì” [23, tr.309]. Ông cho rằng vấn đề hạt nhân trong sự ly khai lập ra các hệ phái mới của Tin lành là do xét về góc độ khoa học xã hội, tồn tại những nhu cầu tôn giáo khác nhau, xuất phát từ sự khác biệt về văn hóa, hoàn cảnh sống, tâm lí, nghề nghiệp,... nhưng lí do chính là xuất phát từ việc tự do giải thích Kinh thánh theo những cách khác nhau.
Từ buổi ban đầu của phong trào cải cách, ngay cả việc phiên dịch Kinh thánh
cũng có sự đổi mới. Calvin thậm chí từ chối chấp nhận giải thích Kinh thánh theo kiểu Luther và muốn bám sát hơn nữa, đổi mới hơn nữa [theo 78, tr.14]. Mọi tín đồ đều có quyền làm như vậy. Không phân biệt phẩm trật trong đời sống đạo, vai trò vị trí trong đời sống xã hội, họ có quyền cùng được đọc Kinh thánh, hiểu lẽ Thánh theo cách riêng của mình và được tự tìm đến, tự trực tiếp bày tỏ với Chúa. Tín lí Tin lành khẳng định Chúa tạo nên con người, chỉ có Chúa sẽ ân xá để cứu chuộc con người bằng việc con người bày tỏ đức tin với Chúa. Sự bày tỏ này là tự do, không cần thông qua trung gian giáo hội như Công giáo. Hai chức sắc chính trong Tin lành là mục sư và truyền đạo không có vai trò đại diện thay mặt Chúa ban phúc, xá tội. Họ chỉ là người tư vấn và hướng dẫn cho tín đồ trên con đường tìm đến với Chúa. Chúa sẽ cứu chuộc tín đồ thông qua sự tự do bày tỏ đức tin của chính họ. Chính việc tự do đọc, hiểu, giải thích Kinh thánh và bày tỏ niềm tin kính của tín đồ đã tác động mạnh mẽ đến tổ chức, hệ phái của Tin lành, khiến các tổ chức, hệ phái trở nên đa dạng.
Hai là: Việc sinh hoạt và nghi lễ đơn giản của Tin lành đã tác động đến sự đa dạng về tổ chức, hệ phái Tin lành.
Việc không phục sức rườm rà và chỉ tham gia những nghi lễ đơn giản là một đặc trưng nổi bật trong sinh hoạt tôn giáo Tin lành do từ khi mới tách ra từ Cơ đốc giáo, Tin lành đã muốn phủ nhận quyền năng của những tranh tượng, vật thờ cầu kì từ đó khẳng định tính duy nhất của Chúa trời và Kinh thánh. Đến nay, những sinh hoạt và nghi lễ thờ cúng của Tin lành vẫn hết sức đơn giản, phù hợp với xã hội hiện đại và những tư tưởng dân chủ, phóng khoáng, cởi mở. Chính điều này cũng đã tác
động góp phần khiến Tin lành thu hút tín đồ, từ đó gia tăng về tổ chức, hệ phái, ở cả vùng đô thị lẫn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là: Phương thức truyền đạo phong phú, hiện đại, hợp thời của Tin lành đã tác động đến sự đa dạng về tổ chức, hệ phái Tin lành.
Đề cao lí trí trong đức tin, nghi lễ đơn giản và phương thức truyền đạo phong phú, hiện đại, hợp thời đã thực sự tạo thành một chuỗi liên kết khiến Tin lành thu hút được nhiều tín đồ. Ngoài sử dụng phương pháp truyền thống là trực tiếp rao giảng
Kinh thánh qua chứng đạo cá nhân, Tin lành còn sử dụng đa dạng các phương thức nhằm đạt mục tiêu truyền giáo như thông qua các loại hình hoạt động từ thiện xã hội ở tất cả các lĩnh vực (y tế, văn hóa, giáo dục,…), tài trợ kinh phí cho người nghèo,... Những phương thức này đặc biệt lôi cuốn các đối tượng trí thức trẻ ở những vùng đô thị, những người có vốn tri thức phong phú, có khát vọng tự do, lại được tiếp thu nhiều luồng văn hóa mới hay những đối tượng thuộc đồng bào dân tộc thiểu số đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn, khiến cho thành phần tín đồ của các tổ chức, hệ phái ngày càng đa dạng.
Bốn là: Nỗ lực truyền giáo và tự đổi mới của Tin lành đã tác động đến sự đa dạng về tổ chức, hệ phái Tin lành.
Quan điểm của Hội thánh Tin lành nói chung là không tham gia bất cứ tổ chức chính trị nào nhưng lại tích cực trong việc cứu tha nhân bằng đẩy mạnh những nỗ lực truyền giáo. “Thánh linh của Chúa ngự trên ta. Vì Ngài ta đã xức dầu cho ta để truyền giảng Tin lành cho người nghèo. Ngài đã sai ta để công bố những người bị giam cầm bị phóng thích, người mù lòa được sáng mắt, người bị áp bức được tự do và công bố năm thi ân của Chúa” (Luca 4:18-19) [79, Tân ước, tr.71]. Một số tín đồ Tin lành cho rằng việc xuất hiện thêm nhiều các tổ chức, hệ phái Tin lành là một biểu hiện của việc Tin lành ngày càng tự đổi mới để đến gần Chúa hơn, giống Chúa hơn. Mục sư Trương Văn Hoàng nhận định trong Hội thảo “Đạo Tin lành với quá trình hội nhập văn hóa dân tộc từ sau năm 1975 đến nay” rằng: Đạo Tin lành luôn có khuynh hướng đổi mới để mỗi ngày mỗi giống Chúa hơn, Kinh thánh dạy: “Đừng khuôn rập theo đời này, nhưng phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời”.
Ngoài ra, sự đa dạng về tổ chức, hệ phái Tin lành còn tính đến các yếu tố như những nỗ lực làm mới giáo lý, đề cao sự độc lập, tự chủ, mỗi một tín đồ là một chiến sĩ truyền đạo, tạo ra những phương thức thờ phụng khác, tạo nên những hấp lực mới, phù hợp nhu cầu, sở thích của tín đồ,... Bên cạnh đó, một số hệ phái sau ra đời muộn hơn, khắc phục được những hạn chế trong giáo lý và phương thức truyền giáo, nghi thức thờ phượng,... hay những cách thức chú giải Kinh thánh và những tư tưởng thần học khác nhau cũng tác động đến sự đa dạng của các tổ chức, hệ phái Tin lành.