Đa dạng trong cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 46 - 48)

Tư tưởng dân chủ của giai cấp tư sản mới, cấp tiến từ các cuộc cách mạng tư sản ở thế kỷ XVI tiếp lửa cho cải cách tôn giáo bùng nổ, hình thành nên đạo Tin lành. Tin lành đã lan rộng toàn thế giới, từ nguồn cội của nó là châu Âu sang châu Mỹ, châu Phi và châu Á. Tin lành theo chân những nhà truyền giáo, những thương nhân và cả những đoàn quân đi chinh phạt, xâm lược vùng đất mới. Đề cao sự độc tôn của Chúa trời nhưng lại không vâng phục Giáo hoàng và Giáo hội, Tin lành quay lưng lại với Giáo hội Công giáo, va chạm với các nền văn hóa bản địa đã tồn tại lâu đời, các tín ngưỡng đa thần truyền thống nơi mà nó đi qua. Bởi thế, đã có những quan niệm cho rằng đây là tôn giáo của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa bá quyền nước lớn.

Từ đó, đã nảy sinh những dè dặt, hoài nghi thậm chí bài xích tôn giáo này ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhất là khi trong thực tế lịch sử từ khi truyền giáo vào Việt Nam đến nay, đã có không ít lần một số tổ chức, hệ phái có diễn biến phức tạp. Điều này đã khiến cho có những giai đoạn lịch sử, Tin lành buộc phải tản mạn ra thành các không gian tổ chức nhỏ để sinh hoạt và tồn tại. Theo đó, Tin lành cũng buộc phải có những phương thức hoạt động đa dạng hơn để phù hợp hơn với môi trường xã hội mới mà tôn giáo này du nhập vào. Đặc biệt trong bối cảnh xã hội đã có những thay đổi khác so với các thời kì lịch sử trước đó, cạnh tranh tri thức, chất xám, nhân lực chất lượng cao,… dần thay thế cho cạnh tranh vũ trang, sử dụng bạo lực cách mạng, các tổ chức, hệ phái Tin lành truyền thống, mới xuất hiện hoặc được tách ra từ Tin lành truyền thống hoặc đã tan rã nay phục hồi lại,

bằng phương thức này hay phương thức khác, đều phải tìm cách thích ứng để tồn tại. Điều này khiến cho Tin lành trở nên đa dạng về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động.

Nhìn từ phương diện thực thể tôn giáo, Tin lành không có giáo hội quốc tế thống nhất. “Đạo Tin lành không phải là một giáo hội đơn nhất, mà là vô số những giáo phái độc lập có đặc điểm Tin lành hoặc là tên gọi chung của giáo hội” [23, tr.13]. Tin lành trong quá trình phát triển đã hình thành các tổ chức, hệ phái đa dạng, phong phú thậm chí phân tán và hoạt động độc lập riêng rẽ mà những nhà nghiên cứu Tin lành Trung Quốc gọi là “sự ly khai lập ra các hệ phái mới”. Nhà nghiên cứu Jean Bauberot nói rõ thêm “Những khuynh hướng tách biệt về mặt thần học, sự chênh lệch về lãnh thổ tạo nên một sự đa dạng. Những sự khác nhau nói trên không làm đổ vỡ một tình cảm thống nhất (…) Đạo Tin lành vừa là một khối chung đồng thời có nhiều dị biệt: đó là các Giáo hội của Cải cách tôn giáo” [78, tr.59].

Sự đa dạng về tổ chức, hệ phái Tin lành được biểu hiện ở nhiều mặt như loại hình tổ chức, số hệ phái; thành phần, đặc điểm tín đồ; phạm vi, phương thức hoạt động, cơ cấu tổ chức,... Ngoài ra, sự đa dạng về tổ chức, hệ phái Tin lành còn biểu hiện ở sự đa dạng về nguồn gốc của các tổ chức, hệ phái. Có những tổ chức, hệ phái hoạt động theo đúng nguyên tắc hoạt động và tổ chức của Tin lành thế giới; có những tổ chức, hệ phái điều chỉnh hoặc xa truyền thống Tin lành.

Về cơ chế hoạt động, Tin lành hoạt động theo cơ chế hội đồng hoặc cơ chế bầu cử trực tiếp. Phương thức hoạt động của Tin lành đa dạng, có thể là dấn thân để truyền giáo hoặc làm từ thiện, liên kết làm từ thiện,... Có những tổ chức, hệ phái coi trọng niềm tin và sự đi đạo của cá nhân, chứng đạo bằng cách dìm mình dưới nước (phái Rửa tội người lớn). Có những tổ chức, hệ phái nhấn mạnh sự giao tiếp kì bí với Chúa (phái Ngũ Tuần). Có những tổ chức, hệ phái đặc biệt quan tâm tới hoạt động truyền giáo và các hình thức mới như truyền giáo ở không gian nhà tù, không gian ngoài trời, không gian làm việc,… (phái Giám lý giáo). Có những tổ chức, hệ phái tập trung vào mục vụ cải cách giáo hội, vào Phúc âm, vào việc phục hồi một số yếu tố của nghi lễ và học thuyết Cơ đốc giáo (Anh giáo),… Các phương pháp truyền giáo được áp dụng uyển chuyển, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng được

truyền giáo. Ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nhà truyền giáo còn dựa vào cả những người có uy tín như già làng, trưởng bản,… hay nói cách khác là sử dụng lực lượng tại chỗ để phục vụ cho công tác truyền giáo một cách hiệu quả.

Cơ chế quan hệ giữa các tổ chức, hệ phái có thể là độc lập, liên hiệp hoặc thậm chí là cạnh tranh, bài xích lẫn nhau. Sự đa dạng về tổ chức, hệ phái Tin lành cũng có sự khác nhau tương đối ở các quốc gia, các không gian lãnh thổ, các thời điểm và hoàn cảnh lịch sử tác động.

Ở Việt Nam, các tổ chức, hệ phái cũng tồn tại ở cơ chế đa dạng giống như hình thái của Tin lành thế giới và sẽ được luận giải về hiện trạng, ý nghĩa trong chương 3 của luận án.

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 46 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(195 trang)
w