Trước những năm 1975, phạm vi hoạt động của các tổ chức, hệ phái Tin lành chủ yếu ở miền Nam và một số ít tỉnh phía Bắc. Đến sau năm 1975, phạm vi này đã mở rộng ra toàn quốc, tất cả các tỉnh thành phố trên cả nước đều có sự hiện diện, hoạt động của các tổ chức, hệ phái Tin lành với những mức độ đậm, nhạt khác nhau.
Luận án lấy năm 2005 - thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg Về một số công tác đối với đạo Tin lành tạo ra sự chuyển biến cơ bản đối với đạo Tin lành - để phân kỳ liên quan đến sự phát triển đa dạng về tổ chức, hệ phái của đạo Tin lành ở Việt Nam - mặc dù đổi mới ở Việt Nam từ 1986, đổi mới chính sách đối với tôn giáo từ năm 1990.
Từ năm 1975 đến năm 2005: Thời kì các tổ chức, hệ phái Tin lành mở rộng truyền giáo, các tổ chức, hệ phái Tin lành Tư gia phát triển mạnh mẽ
“Trước năm 1975, đạo Tin lành chỉ phát triển ở vùng đô thị và xung quanh khu vực đồn trú của quân đội Mỹ và quân đối Sài Gòn. Tín đồ chủ yếu là dân thành thị, công chức, binh lính và gia đình của họ. Hiện nay đạo Tin lành đã lan đến các vùng căn cứ địa cách mạng, vùng sâu vùng xa, các dân tộc thiểu số, có cả cán bộ, đảng viên, giáo viên và bộ đội là tín đồ của đạo Tin lành”, ngoài ra còn có sự trở lại đạo của không ít tín đồ từ trước năm 1975 [90, tr.53].
Ở miền Nam, thời điểm sau năm 1975, các tổ chức Tin lành không hoạt động về tổ chức vì không được công nhận, các cơ sở đào tạo chức sắc, từ thiện xã hội được chính quyền trưng dụng, các cơ sở, chi hội mới hình thành tan rã (chỉ có những cơ sở cũ, có nhà thờ, sinh hoạt tôn giáo tại chỗ được duy trì), trường thần học và đa số nhà thờ đóng cửa, nhiều mục sư ra nước ngoài. Việc sinh hoạt đạo của các tín đồ tập trung phần lớn ở một số địa điểm thuộc thành phố Hồ Chí Minh như Hội
thánh Tuy Lý Vương, Hội thánh Trương Minh Giảng, Hội thánh Gia Định,… Vai trò của các Ban hiệp nguyện (thường mang tính tự phát) ở địa phương trở nên chiếm ưu thế, thay cho vai trò chính trước kia của Ban trị sự Tổng liên hội và Ban trị sự địa hạt (giáo hạt). Những tín đồ có trách nhiệm theo từng nhóm nhỏ ở từng địa phương, thực hiện vai trò cá nhân trong hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo; một trong số đó sau này trở thành những người đứng đầu các điểm nhóm tư gia. Sự phân quyền và tự lập của các Hội thánh địa phương trở thành nền tảng cho sự ra đời của các Hội thánh tư gia sau này.
Ở miền Bắc, sau năm 1975, chỉ còn một nhà thờ của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) và một vài nhà thờ cho tín đồ người dân tộc Kinh. Tuy nhiên, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Tin lành lại có sự gia tăng tín đồ mạnh mẽ, đặc biệt ở dân tộc Mông (bằng tên gọi là đạo Vàng Chứ), Dao (bằng tên gọi là đạo Thìn Hùng), … vào những thập niên 80, với phương thức chứng đạo chủ yếu là nghe bằng tiếng dân tộc mình, qua đài phát thanh hoặc sách kinh, băng đĩa được chuyển đến từ Philippines, Trung Quốc, Thái Lan,... hoặc truyền miệng. Tính riêng trong vùng đồng bào dân tộc Mông ở khu vực miền núi phía Bắc, năm năm (từ năm 1993 đến 1998), số lượng tín đồ đã tăng 75% (từ 23.849 người lên 41.828 người) [theo 33, tr.33].
Vào những năm 90, dù chưa được chính quyền cấp phép, song do nhu cầu của các Hội thánh tư gia, các tổ chức đạo Tin lành đã mở nhiều trung tâm đào tạo mục vụ thần học như trung tâm đào tạo người lãnh đạo của Hội thánh Ngũ tuần, Phúc âm toàn vẹn, Liên đoàn truyền giáo Phúc âm,… Một số được đào tạo từ chương trình thần học của Viện thần học Việt Nam tại Mỹ UUC,… Ngoài ra, ở miền Bắc, nhiều tín đồ được theo đạo Tin lành từ nước ngoài trong quá trình đi xuất khẩu lao động ở Đông Âu, Đài Loan, Đức,… trở về, khiến phong trào Hội thánh tư gia tiếp tục phát triển.
Sự xuất hiện thêm của một số tổ chức, hệ phái Tin lành từ nước ngoài, một số trường hợp có biểu hiện của Tin lành nhưng xa với truyền thống Tin lành đã khiến nhiều tín đồ cảm thấy “bối rối”. Một số người không phải là tín đồ Tin lành, trong đó có cán bộ trong hệ thống chính trị còn có những cách nhận thức khác nhau về tôn giáo này, thậm chí nghi ngờ, đánh đồng tất cả các tổ chức Tin lành là phản
động. Có thể nói, ở giai đoạn này tồn tại nhiều nhận thức và quan điểm khác nhau nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là, Tin lành bắt đầu phục hưng và hoạt động truyền giáo mạnh mẽ trở lại, đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số.
Từ năm 2005 đến nay: Thời kỳ nhiều tổ chức, hệ phái Tin lành phát triển hợp pháp trên cả nước
Tháng 3/2001, sau Quyết định số 15/QĐ-TCCP của Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) được công nhận tư cách pháp nhân đã đánh dấu việc được bình thường hóa hoạt động của Hội thánh về tổ chức, giúp công tác quản lý của Nhà nước đối với Hội thánh đi vào nề nếp. Năm 2003, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) có Viện Thánh Kinh thần học để thu nhận người học, đào tạo chức sắc.
Tháng 2/2005, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04/02/2005 của Thủ tướng chính phủ Về một số công tác với đạo Tin lành đã tạo bước ngoặt phát triển cho đạo Tin lành trong giai đoạn mới. Điều 7 của Chỉ thị quy định cho phép đăng kí điểm nhóm đối với những tổ chức, hệ phái chưa được công nhận tư cách pháp nhân, là điều kiện pháp lí cho các Hội thánh tư gia phát triển hợp pháp trên phạm vi cả nước, nhiều người đứng đầu các tổ chức, hệ phái được sinh hoạt bồi linh tự do. Tinh thần phân quyền, tự lập của các Hội thánh địa phương cũng được nâng cao, trở thành nguyên nhân chính khiến các Hội thánh tư gia ngày càng có môi trường phát triển hơn so với thời gian trước đó. Một số mục sư Tin lành thậm chí còn nhận định Chỉ thị này giống như một “cứu cánh” cho sự phát triển ổn định của Tin lành. Sau thời gian Chính phủ đưa Chỉ thị vào thực hiện trong thực tiễn, các Hội thánh đã có nhiều thay đổi, 8 hệ phái Tin lành tư gia được Nhà nước cấp đăng ký sinh hoạt và công nhận tư cách pháp nhân. Đến nay, nhờ sự tạo điều kiện từ Chính phủ, nhiều hoạt động, sự kiện quy mô được tổ chức, điển hình như sự kiện kỷ niệm 500 năm Tin lành cải chánh vào năm 2017, được xem là điều mà nhiều quốc gia trong khu vực chưa làm được.
Theo kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo, trong vòng 10 năm (2005-2015), khi tốc độ gia tăng tín đồ của tôn giáo cả nước chỉ khoảng 5%/năm thì riêng
đạo Tin lành đã chiếm tới 6%/năm. So với trên dưới 15 nghìn tín đồ vào năm 1954, trên dưới 200 nghìn tín đồ vào năm 1975, hiện nay, tín đồ đạo Tin lành đã xấp xỉ một triệu người, chiếm 1% dân số cả nước. Mặc dù chỉ có số lượng tín đồ một triệu người, chiếm 4% tổng số tín đồ các tôn giáo cả nước, song số lượng Hội thánh của đạo Tin lành ở cả cấp cơ sở, địa phương, chi hội, hội nhánh, điểm nhóm đã có khoảng hơn 5 nghìn. Đồng thời, từ con số 20 tổ chức chủ yếu hoạt động ở phía Nam vào năm 1975, đến nay, đạo Tin lành đã có trên dưới 100 tổ chức ở tất cả các tỉnh thành phố của cả nước.
Bên cạnh đó, cùng với xu thế hội nhập toàn cầu, ngày càng nhiều giáo sĩ, nhiều tổ chức, hệ phái nước ngoài cũng bày tỏ sự quan tâm và muốn có chỗ đứng ở Việt Nam - vùng đất mà Tin lành du nhập muộn nhưng lại có tốc độ gia tăng tín đồ nhanh, sớm trở thành tôn giáo lớn của cả nước. Trong số đó phải kể tới Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước khác. Hiện nay, hoạt động sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam được pháp luật thừa nhận và hỗ trợ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm nhận hồ sơ đề nghị sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam và trả lời bằng văn bản trong vòng 30 ngày. Cũng theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, người nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tập trung nói chung, Tin lành nói riêng, cũng có thể sinh hoạt tại những địa điểm hợp pháp khác bên cạnh các cơ sở tôn giáo của Việt Nam. Điều này góp phần khiến đời sống Tin lành Việt Nam càng trở nên phong phú, nhiều màu sắc.
2.3. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ ĐA DẠNG TỔ CHỨC, HỆPHÁI CỦA ĐẠO TIN LÀNH Ở VIỆT NAM