Theo “Thần đạo học” của Olsen, hệ thống thần học Tin lành luận giải 10 vấn đề: 1) Kinh thánh, 2) Đức Chúa Trời, 3) Loài người, 4) Tội lỗi, 5) Đấng Christ, 6) Sự cứu rỗi, 7) Thánh Linh, 8) Thiên sứ, 9) Giáo hội, 10) Lai thế. Trong đó, Kinh thánh
được những người Tin lành xem là “cầm quyền tuyệt đối” vì “Kinh thánh có thần quyền để giải quyết và đoán định mọi sự thuộc về đạo giáo, tín ngưỡng và hành vi” (mục III, Chương 7, quyển 2 Thần đạo học), trái với Công giáo “không lấy Kinh thánh làm tiêu chuẩn của sự tín ngưỡng, dám cả gan tự xưng Giáo hội là nguồn và Giáo hoàng là tiêu chuẩn của thần đạo” (2a, mục IV, Chương 2, quyển 1 Thần đạo học). Lịch sử thần học bao gồm lịch sử Giáo hội (kết quả của đạo đức Chúa Trời trong Giáo hội, xã hội, đời sống cá nhân tín đồ) và lịch sử lẽ đạo (sự mở mang lẽ đạo, sự chia ra từng mục trong các bài tín điều). Lịch sử thần học được thể hiện qua các “thực dụng thần học”, tức là cách thức ứng dụng lẽ đạo của mỗi Hội thánh nhằm đạt tới hạnh phúc thật sự. Trên thực tế, Việt Nam từ sau những năm 1975 đến nay, xét trên bình diện thần học, các tổ chức, hệ phái không có thay đổi quan trọng, chỉ khác nhau về một vài phương diện của thực dụng thần học. Đúng
như mục sư Đoàn Trung Tín (Tổng quản nhiệm Hội thánh Truyền giảng Phúc âm) trong Hội thảo Tin lành ở Việt Nam sau năm 1975 và quá trình hội nhập (tháng 7 năm 2018), nhận định: “Về thần học thì không có sự thay đổi quan trọng, chỉ khác nhau trong cách hiểu và thực hành một vài sự dạy dỗ của Kinh thánh trong đời sống Cơ đốc thực hành và cách thức thờ phượng”. Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của hàng loạt những tổ chức, hệ phái mới, sự khác nhau về ứng dụng thần học cũng đã góp phần tạo nên tính đa dạng cho các tổ chức, hệ phái Tin lành Việt Nam.
Ở Việt Nam, mặc dù con số trên dưới một triệu tín đồ - so với những tôn giáo khác trong nước - không phải nhiều, song tốc độ gia tăng tín đồ của Tin lành lại nhanh so với những tôn giáo khác. Tin lành đa dạng không chỉ về tổ chức, hệ phái, tín đồ mà còn đa dạng ngay cả về xu hướng thần học, trên cơ sở những tín lí, lễ nghi, tổ chức cơ bản. Xét dưới góc độ xu hướng thần học, có thể thấy nổi trội 3 nhóm với 3 xu hướng khác nhau: nhiều tổ chức, hệ phái ở Việt Nam theo xu hướng thần học của Tin lành truyền thống; một số theo xu hướng mới đầu thế kỷ XX; số khác theo xu hướng hỗn hợp các giáo lí.
Nhóm thứ nhất: Một số tổ chức, hệ phái Tin lành theo xu hướng thần học truyền thống.
Các tín đồ hoạt động ổn định ở những tổ chức, hệ phái theo xu hướng thần học Martin Luther, Jean Calvin (mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là Tin lành Chính giáo) thường là nhóm Tin lành truyền thống, bảo vệ thần học truyền thống. Loại hình này đã du nhập, hình thành từ lâu ở Việt Nam và đến nay vẫn còn tiếp tục hoạt động ổn định với đường hướng rõ ràng. Xu hướng thần học này không hướng tới việc nhận thức bản chất, những đặc tính của Chúa như Công giáo mà nhấn mạnh việc lí giải cho niềm tin vào Chúa, sự cứu rỗi và ban ân sủng của Chúa. Nói cách khác, nhóm này kiên định và tập trung vào niềm tin cá nhân, sự cải biến từ cá nhân. Tín đồ chú trọng nhu cầu của từng cá nhân trong đối thoại với Chúa, tầm quan trọng của thập tự giá và
Kinh thánh. Họ tích cực tham gia vào mục vụ truyền giáo và mục vụ xã hội.
Có thể kể tới trong nhóm này những tổ chức, hệ phái có nguồn gốc từ Hội Truyền giáo CMA, Báp tít, Mennonite, Trưởng lão như Hội thánh Tin lành Việt
Nam (miền Bắc), Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Giáo hội Báp tít Việt Nam, Hội thánh Mennonite Việt Nam,... Đây phần lớn đều là các tổ chức, hệ phái đã được Nhà nước công nhận, có thực lực và có quan hệ tốt đẹp với chính quyền. Tín đồ cơ bản có lối sống đạo nhẹ nhàng, văn minh, quan tâm phát triển gia đình, thực hiện đúng chức năng đạo, đời.
Nhóm thứ hai: Một số tổ chức, hệ phái Tin lành theo xu hướng thần học đầu thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ phong trào Ngũ tuần trên thế giới.
Thế kỷ XX chứng kiến sự xuất hiện của nhiều trào lưu thần học Tin lành như thần học tự do chủ nghĩa (đại diện là P. Slaymaker, P. Bauer, A. Ritch,...), thần học biện chứng (đại diện là K.Bart) đầu thế kỷ XX, thần học phi thần thoại hóa Công giáo (đại diện là R.Buntman), thần học thế tục (đại diện là D.Bolnof) giữa thế kỷ XX, thần học tiến trình (đại diện là G.Cobb, S.Ogden) nửa sau thế kỷ XX,...
Ngũ tuần được khởi phát sau buổi nhóm lễ ở một thành phố thuộc tiểu bang Kansa của Hoa Kỳ vào năm 1901 và chính thức được khai sinh vào năm 1906 ở Mỹ bởi mục sư người da đen W.J.Seymour thuộc hệ phái Methodiste sau khi ông cho rằng mình được Chúa ban ơn nói “tiếng lạ”. Bởi thế, niềm tin vào sự chữa lành và việc thực hành ân huệ nói “tiếng lạ” là đặc điểm quan trọng trong học thuyết của Ngũ tuần. Ngũ tuần được dịch từ phong trào Pentecostalism Pentecostal Movement, nghĩa là Lễ Chúa thánh thần hiện xuống, diễn ra 50 ngày sau Lễ phục sinh. Về sau, phong trào này được tách ra thành nhiều hệ phái với những tên gọi khác nhau nhưng vẫn giữ những đặc điểm quan trọng nêu trên.
Ở Việt Nam, những tổ chức, hệ phái theo xu hướng Ngũ tuần hoặc chỉ chịu ảnh hưởng của Ngũ tuần mà không theo đều là các tổ chức, hệ phái chưa được công nhận và rất đa dạng. Tên gọi của các tổ chức, hệ phái này không có quy định cụ thể, có thể được sử dụng theo tên các Thánh trong Kinh thánh như Hội thánh Timothê, Hội thánh Ôliver,... có thể theo địa danh như Hội thánh Độc lập Tân Bình ở thành phố Hồ Chí Minh, có thể lấy tên gọi tùy thuộc vào cách đặt của người đứng đầu như Hội thánh Tin lành Thanh Khiết Việt Nam, Hội thánh Vườn Nho,... Các tổ chức, hệ phái này cơ bản chưa hình thành về bộ máy tổ chức, có đường hướng hoạt động chưa thực rõ ràng, đề cao cảm xúc của cá nhân và thường tổ chức sinh hoạt tại tư
gia. Như đã nói ở trên, những nhà quản lý gọi các nhóm này là Tin lành tư gia. Gần đây, xuất hiện những mối liên hệ thông công, liên hiệp giữa các nhóm Tin lành này, đặt ra một số vấn đề với công tác quản lý của chính quyền cũng như cộng đồng đạo Tin lành nói chung.
Nhóm thứ ba: Một số tổ chức, hệ phái có xu hướng hỗn hợp các giáo lý và mang tính chất phi hệ phái.
Thiên hướng hỗn hợp các giáo lý và mang tính phi hệ phái của một bộ phận tổ chức, hệ phái đã làm phong phú thêm đời sống Tin lành Việt Nam. Thuộc loại này đều là các tổ chức, hệ phái chưa được nhà nước công nhận, có thể kể tới Hội thánh Liên hiệp Truyền giáo, Liên đoàn Truyền giáo Phúc âm, Liên đoàn Truyền giáo Phúc âm Việt Nam, Hội truyền giảng Phúc âm,... Loại hình Tin lành này thường được dẫn dắt bởi những mục sư có tầm ảnh hưởng nên hoạt động rất tích cực, phương thức truyền giáo phong phú vừa mềm dẻo vừa cương quyết, vừa tuyên truyền vừa lôi kéo, dụ dỗ các tín đồ từ những tổ chức, hệ phái khác sang.
Ở khía cạnh khác, ngay trong chính một hệ phái cũng có thể có những cách hiểu khác nhau về thần học, điển hình là hệ phái Cơ đốc Phục lâm (Adventist). W.Miller - người sáng lập - đã có tới 2 lần đưa ra lời tiên tri thất bại dù ông rất say sưa nghiên cứu Kinh thánh và chú trọng các lời tiên tri trong sách Đa ni ên và Khải huyền thư. Dẫu vậy, phong trào Cơ đốc Phục lâm theo các giáo thuyết của ông vẫn rất phát triển. Trong quá trình phát triển, đã có những xu hướng nhận thức khác nhau về ngày lễ Sabath, ngày thứ nhất hay ngày thứ bảy, ngày chủ nghật hay ngày thứ bảy?... Xuất phát từ các cách hiểu khác nhau, Cơ đốc Phục lâm cũng chia tách thành 3 tổ chức giáo hội khác nhau: Tổ chức Giáo hội Cơ đốc Phục lâm không tán thành thuyết thần túy của Platon về sự bất tử của linh hồn, cho rằng kẻ ác sẽ biến mất hoàn toàn vì họ đối lập với người đau khổ, tất cả những người chết sẽ trở nên vô thức cho tới khi phục sinh. Giáo hội thực hiện lễ Rửa tội dìm mình xuống nước và Tiệc thánh. Sabath được tổ chức thực hiện vào ngày thứ nhất của tuần. Tổ chức Đại hội đồng Giáo hội của Chúa nhấn mạnh thuyết Chúa Kitô tái lâm, sự phục sinh là phần thưởng của Chúa cho những người tốt và công chính trên thế gian. Tổ chức Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Ngày thứ Bảy (Cơ đốc Phục lâm An thất Nhật) được
xem là tổ chức lớn mạnh nhất. Tổ chức này khác hai tổ chức còn lại căn bản ở chỗ xem Lễ Sabath là đặc biệt quan trọng và được tổ chức vào ngày thứ bảy, theo đúng lời răn thứ tư của Thiên chúa. Tổ chức này thực hiện nghi lễ Rửa tội dìm mình xuống nước và nghi lễ Rửa chân thay vì Tiệc thánh và coi đây là những nghi thức chuẩn bị để có thể thông công.
Hiện nay, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam có hơn 16.000 tín đồ, 07 mục sư, Trưởng lão, giám mục, 102 Chấp sự, (không có chức danh truyền đạo) ở 10 chi hội, hơn 100 điểm nhóm, 7 nhà thờ và một trụ sở văn phòng làm việc giáo hội. Giáo hội hoạt động ở 25 địa bàn chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, trong đó tập trung ở Lâm Đồng, Đăk Lăk, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Tiền Giang, Phú Yên, Quảng Trị. Giáo hội có 2 cấp xét về mặt tổ chức là Cơ quan trung ương, tức Ban Quản trị Giáo hội (224 Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, so mục sư Trần Công Tấn đứng đầu) và cấp chi hội (cấp cơ sở) [theo btgcp.gov.vn, truy cập ngày 7/7/2019]. Năm 2008, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam chính thức được nhà nước công nhận tư cách pháp nhân.
Tiếp cận từ góc độ chuẩn mực Kinh thánh, nhiều mục sư Tin lành tán thành nhận định chia thần học Tin lành hiện nay thành hai nhóm. Một nhóm được gọi bằng tên “Nhóm tin Kinh thánh là lời của Chúa”, tức là tin và trung thành tuyệt đối, không thêm bớt lời của Kinh thánh. Tuy nhiên, các tổ chức, hệ phái có những cách thức thờ phượng khác nhau: thực hiện các giáo nghi truyền thống một cách cung kính và trang nghiêm (Hội thánh Coptic,…), thờ phượng cách tân (Hội thánh Trưởng lão, Hội thánh Mennonite, Hội thánh Báp tít,…), thờ phượng tự do (Hội thánh Ngũ tuần, Hội thánh Vườn Nho,…). Nhóm thứ hai là “Nhóm tin Kinh thánh có lời của Chúa”, tức là tin Kinh thánh có lời Đức Chúa Trời nhưng cũng có cả lời của con người, ma quỷ, thiên sứ. Vì vậy, tín đồ của các tổ chức, hệ phái này thay đổi hoặc sửa lại, thêm vào
Kinh thánh lời của những người đứng đầu hoặc những người mà họ coi là các nhà tiên tri. Theo cách phân loại này thì hầu hết các tổ chức, hệ phái của đạo Tin lành ở Việt Nam đều thuộc nhóm thứ nhất. Ở cách tiếp cận ảnh hưởng của khuynh hướng thần học chính, nhà nghiên cứu Đỗ Quang Hưng nhận
định, mặc dù có nhiều tổ chức, hệ phái chịu ảnh hưởng của Tin lành Phúc Âm và Tin lành Ngũ Tuần hoặc thuộc về một trong hai khuynh hướng lớn này, song ở Việt Nam, cơ bản các tổ chức, hệ phái “ảnh hưởng sâu đậm” bởi thần học của Tin lành Phúc Âm mà “di sản xa” của nó là Tin lành Phúc Âm Pháp và “di sản gần” là Hội CMA. Tiếp cận từ góc độ xu hướng thần học, luận án lựa chọn cách phân thành ba nhóm nêu trên.