Về phương thức truyền giáo của các tổ chức, hệ phái Tin lành

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 108 - 113)

Truyền giáo được xem là tôn chỉ và mục đích chính của các tổ chức, hệ phái Tin lành. Vì vậy, các tổ chức, hệ phái Tin lành ở những mức độ, hình thức khác nhau luôn cố gắng đẩy mạnh mục vụ này.

Một là: Các tổ chức, hệ phái đa dạng trong sử dụng nhân lực truyền giáo và chiến lược truyền giáo.

Về nhân lực phục vụ mục vụ truyền giáo, Tổng hội của các tổ chức, hệ phái đặc biệt chú trọng. Các giáo hội thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện cho

mục sư và truyền đạo như khóa học thần học, khóa soạn bài giảng, cách thờ phượng,... Mục sư và truyền đạo được đào tạo ở trường Kinh thánh, có bổn phận chịu ơn Chúa và giao giảng lời Chúa ở các Tổng hội, chi hội và cho mọi đối tượng mà Tin lành gọi là những “môn đồ” của Chúa Giê su.

Về nguyên tắc, chỉ lực lượng được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp như mục sư, truyền đạo mới có đủ tư cách và thẩm quyền truyền giáo. Nhưng trên thực tế, đối với Tin lành, ngoài nhân lực chính tham gia truyền giáo là những nhân sự này, mỗi người đều có thể truyền giáo, mỗi tín đồ đều có thể là một nhà truyền giáo. Bởi lẽ mỗi tín đồ đều phải có trách nhiệm tham gia vào mục vụ truyền giáo, thực hiện mục tiêu chung là mở thêm nhiều Hội thánh mới, môn đồ hóa muôn dân theo lời răn của Chúa.

Về chiến lược, truyền giáo được thực hiện bài bản, lâu dài, bắt đầu bằng việc các giáo sĩ đi thăm dò vùng đất mới, sau đó bàn bạc và tiến hành từng bước các hoạt động. Thực tiễn đã cho thấy, Tin lành luôn chủ động tìm mọi cơ hội để truyền bá Phúc Âm, ở mọi đối tượng, mọi không gian, thời gian, bằng mọi khả năng tài chính dù lớn mạnh hay eo hẹp.

Hai là: Các tổ chức, hệ phái đa dạng trong sử dụng các phương tiện truyền giáo. Ngay từ buổi đầu Tin lành du nhập vào Việt Nam, các nhà truyền giáo đã

không quản ngại bán rong hoặc phân phát kinh sách, ấn bản phẩm Tin lành, tuyên truyền, làm chứng đạo song song với nỗ lực mở cửa nhà giảng, nhà thờ, các phòng đọc sách để giảng và cầu nguyện. Nhiều phòng đọc sách ngày nào cũng mở cửa để tín hữu hoặc cả người dân có thể vào xem, đọc, tìm hiểu về đạo. Một số tín đồ đã tin nhận Chúa ở ngay tại phòng đọc sách. Những thời điểm phát triển, Tin lành thu hút hàng trăm người tham dự mỗi tuần. Ngay cả những giai đoạn khó khăn như chiến tranh hay hoạt động cầm chừng, những người đứng đầu vẫn cố gắng duy trì nhóm, cầu nguyện và truyền giáo.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Tin lành tiếp cận truyền giáo đầu tiên thông qua phương tiện đài phát thanh. Việc truyền giáo qua đài phát thanh FEBC từ Manila, Philippin của Tin lành trở nên thực sự hiệu quả với nhóm đối tượng ở địa bàn hiểm trở, sống phân tán, khó khăn trong truyền đạo trực tiếp. Phương thức đạo

đài này cũng phát huy tác dụng với hơn 20 ngôn ngữ dân tộc, cách phát âm chuẩn xác, nội dung sát hợp tâm lý, nhận thức của cộng đồng các dân tộc này. Năm 1990, ở Lai Châu đã có tín đồ ở 6/7 huyện tin theo chủ yếu từ con đường này. Ở Điện Biên, con số này là 7/8 vào năm 2008,… Các nhà truyền giáo còn in sao và phân phát miễn phí các băng ghi âm bài giảng đạo, thậm chí tặng hoặc hỗ trợ kinh phí mua đài, đầu đĩa bên cạnh phân phát thuốc men, các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống và tiền để vận động người dân tham gia đạo.

Hiện nay, nhờ áp dụng các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại và internet,… những người đứng đầu các tổ chức, hệ phái có thể trao đổi thông tin, thông báo tổ chức thông công trực tuyến,… qua các phần mềm từ điện thoại thông minh, máy tính nối mạng. Các buổi truyền giáo có thể được phát trực tiếp theo hình thức livestream qua mạng xã hội cá nhân hoặc các trang mạng nội bộ, các website của các tổ chức, hệ phái khác nhau,… hoặc qua hệ thống các máy chiếu hiện đại. Tín đồ có thể thao tác để nghe lại bài giảng một cách dễ dàng bằng các công cụ tìm kiếm sẵn có trên internet, rút ngắn và tận dụng thời gian cá nhân. Nội dung truyền giáo cũng được xen kẽ cả ở các chương trình khác. Điển hình như lễ cung hiến nhà thờ đã được truyền hình trực tuyến chương trình trên wesite của Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (http://httlvn.org/live lúc 08 giờ 30 thứ 4 ngày 10/10/ 2018 tại Nhà thờ Tin lành Đông Phú, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Hoặc trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp như cuối năm 2019, đầu năm 2020, nhiều nhóm đã tiến hành thờ phượng Chúa online qua hình thức Zoom trực tuyến, bánh và nước nho được chuẩn bị, dán tem gửi tới các gia đình dùng trong lễ tiệc thánh, đề phòng trường hợp chưa thể nhóm lễ tập thể trực tiếp như ở Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) chi hội Sở Thượng, Hà Nội,...

Minh chứng rõ hơn góc độ này, tác giả luận án trích trao đổi với mục sư của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) ở xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng ngày 30/09/2018 sau khi được biết mục sư có người chú ruột là mục sư.

“-Hỏi: Mục sư theo hệ phái này chủ yếu do chú truyền lại phải không?

-Đáp: Không phải do chú. Lúc ấy nghe bố mẹ nói thì bảo là thờ cúng ma thì nó khó lắm bởi vì ví dụ như một em bé sinh ra chẳng hạn bị bệnh bị khóc gì thì phải

mời thầy cúng thầy mo. Trước đó thì thầy cúng thầy mo không phải giống mấy ông mục sư bây giờ đâu. Mà họ mời thì rất tốn kém. Ví dụ họ mời thì phải có con gà, con lợn họ mới làm cho được. Không chỉ thế mà còn tiền đi lại, các thứ nữa thì tốn kém. Nghe bố mẹ bảo là làm thế thì tốn kém lắm nên mình tìm đường mới thôi. Thì mình không theo ma và không thờ cúng nữa. Thế thì lúc đầu có người bảo là nghe nói có cái đạo gì ấy thì tin theo không phải thờ cúng mà làm này làm nọ, không phải ma chay làm này làm nọ đâu. Thế thì mới tin. Lúc đấy tin thì chả biết là Tổng hội ở đâu và có ai dẫn dắt. Có một người bảo là nghe theo đài phát sóng ấy. Có nghe Đài FEBC. Bây giờ thì không dùng Đài rồi, có thể bây giờ liên hệ qua Youtube hoặc facebook thôi. Bây giờ khác rồi nhưng trước kia nghe qua cái Đài ấy phát sóng thì bảo là Tin chúa thì làm như thế này thế kia thì đời sống của con người mới được cải thiện mới được đổi mới. Thế thì không cần thờ cúng, không phải cúng tổ tiên gì đâu.

Nguồn chủ yếu từ Đài FEBC. Bây giờ Đài ấy vẫn hoạt động nhưng mà nói chung là ít người nghe. Có mấy ông mục sư ở bên Mỹ hoặc Thái Lan chẳng hạn thì người ta giảng dạy trực tiếp qua facebook luôn. Buổi sáng buổi tối thì người ta trực tiếp luôn thì mình có thể xem. Kiểu như Livestream luôn. Bây giờ nó phổ biến hơn rồi. Trên này bắt 3G, sóng hơi yếu nhưng vẫn xem thường xuyên được. Nếu mình có thời gian thì đêm nào mình cũng có thể xem được. Một đêm em xem từ khoảng 35 đến 40 phút”.

Không thể phủ nhận hiệu quả truyền giáo từ các phương tiện hiện đại, song cho đến nay, những phương tiện truyền thống vẫn có sức mạnh nhất định và tiếp tục được các chức sắc Tin lành sử dụng để thực hiện công cuộc truyền giáo. Có thể kể tới các tờ rơi in màu sắc đẹp mắt, dễ gấp gọn mang theo bên mình; các ấn phẩm Cơ đốc, Thánh ca, chứng đạo đơn, sách Phúc Âm, bài học ở trường Chúa Nhật,… in kích cỡ trung bình hoặc nhỏ, mỏng, nội dung đơn giản, dễ đọc, hình minh họa sinh động, dễ hình dung và được soạn thảo phù hợp với nhiều đối tượng tín đồ. Những xuất bản này góp phần làm đa dạng thêm phương tiện phục vụ công cuộc truyền giáo của các tổ chức, hệ phái Tin lành hiện nay.

Ba là: các tổ chức, hệ phái đa dạng trong sử dụng các phương thức truyền giáo. Có thể nói, lực lượng truyền giáo của đạo Tin lành được đào tạo bài bản, luôn năng động và tích cực trong công cuộc truyền giáo. Họ thường nghiên cứu các

đối tượng một cách tỉ mỉ, cẩn trọng và nhanh chóng tiếp cận để truyền giáo với nhiều hình thức và biện pháp khác nhau, kết hợp lợi ích vật chất và tinh thần, thay đổi phù hợp với từng nhóm tín đồ đặc thù (đặc biệt là người dân tộc thiểu số).

Đối với những đối tượng là người dân tộc thiểu số chứng đạo qua đài, đạo Tin lành chủ trương sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, thuyết phục, giảng đạo với những diễn đạt lôi cuốn, đánh trúng tâm lý, phù hợp khung thời gian, thậm chí khiến cho nhiều người mộ đạo tới mức bật khóc. Đạo Tin lành đi từ chứng đạo cá nhân đến truyền giáo thông qua các nhóm nhỏ, tác động, thu hút và lôi kéo dần dần người từ tin theo đến chịu lễ Bắp - têm để trở thành tín đồ thực thụ. Nhiều người nhận định những nhà truyền giáo Tin lành đã và đang làm tốt sứ mệnh của mình, công cuộc truyền giáo Tin lành giống như một “vệt dầu” loang dần, lan tỏa, thẩm thấu bền chắc vào đời sống cộng đồng.

Các tổ chức, hệ phái cũng khéo léo dùng lợi ích vật chất để tiếp cận; ban đầu là thăm hỏi, gây dựng niềm tin, dần dần tặng kinh sách, mời dự nghe giảng, thuyết phục, thu hút đối tượng trở thành tín đồ. Nhà truyền giáo đan xen thuyết giáo các giáo lí với việc vạch ra hạn chế của các vị thần linh, biểu tượng thờ cúng, sinh hoạt trong tín ngưỡng hiện tại của đối tượng và cả những hạn chế của chính quyền, nhằm neo chốt niềm tin của đối tượng vào đạo Tin lành. Bên cạnh đó, nhà truyền giáo còn tranh thủ trình độ nhận thức hạn hẹp của một bộ phận tín đồ, một mặt vẽ nên viễn cảnh tươi sáng của con người khi trở thành tôi con của Chúa, những phép lạ Chúa ban ân sủng cho con người mà khoa học không chữa nổi, một mặt hù dọa người dân khi họ dám đối lập với ý Chúa hoặc từ bỏ Chúa.

Hầu hết các tổ chức, hệ phái sử dụng những người có trình độ học vấn nhất định, hỗ trợ và đưa họ đi đào tạo, huấn luyện, sau đó quay trở về địa phương gây dựng, mở rộng các điểm nhóm.

Ở nhiều nơi, các tổ chức, hệ phái Tin lành tích cực phát sách chứng đạo, tuyên truyền về đạo, vẽ nên viễn cảnh tương lai cho những người khó khăn, hạn hẹp nhận thức. Trong thời kì quá độ, xã hội tồn tại nhiều vấn nạn như sự băng hoại các giá trị đạo đức, lối sống, tình trạng nghiện ma túy, trộm cắp,… Tin lành cũng nhanh chóng tìm cách tiếp cận các nhóm đối tượng này, thuyết phục họ trở thành tín đồ và sử dụng câu chuyện của họ như một minh chứng sống để chứng đạo, truyền giáo.

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 108 - 113)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(195 trang)
w