Khẳng định vai trò của cá nhân và đề cao lí trí trong đức tin

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 41 - 44)

Giữa thế kỷ XVI, cuộc đấu tranh không khoan nhượng của Martin Luther và John Calvin - những người khởi xướng Tin lành - để bảo vệ quyền lực tuyệt đối của

Kinh thánh đã mở đầu phong trào cải cách tôn giáo, chống lại Giáo quyền Rôma. Cuộc đọ sức quyết liệt trên dưới 100 năm giữa những nhà cải cách với giáo hội Công giáo và giai cấp phong kiến đã trở thành nền móng cho đạo Tin lành thiết lập.

Từ châu Âu, những người Tin lành bị giáo hội Công giáo và giai cấp phong kiến đàn áp đã vượt trùng dương chạy sang vùng Bắc Mỹ. Ngay sau khi trở thành một tôn giáo, các đoàn truyền giáo đã đi nhiều nơi “rao giảng lời của Chúa”, đưa Tin lành lan tỏa rộng ra thế giới.

Những người Tin lành tâm niệm các giáo lí của tôn giáo mình đã thức tỉnh con người khỏi quyền uy của Giáo hội. Họ tin tưởng bằng lí trí rằng Tin lành là quyền phép của Thượng đế, Kinh Phúc Âm được coi là chuẩn mực của đức tin, của mọi nền văn hóa, mọi hành vi xã hội của loài người.

Những yếu tố thần học nền tảng của cải cách tôn giáo đã khẳng định lương tâm tôi con của Chúa chỉ do Chúa thu giữ, không do một ai khác ngoài Chúa có quyền năng này. Đây cũng chính là những nhân tố thuyết giáo căn bản trong suốt chiều dài lịch sử của đạo Tin lành. Tín đồ Tin lành không đặt niềm tin vào Giáo hoàng và Giáo hội. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những người Tin lành sống với niềm trung tín tuyệt đối vào ba trụ cột chân lí “duy nhất có Chúa trời”, “thượng tôn Kinh thánh”, “tin tưởng bằng lí trí vào ân sủng”.

Thứ nhất: “duy nhất chỉ có Chúa trời”

Thế kỷ XIII, XIV được xem là thời kì hoàng kim đỉnh cao đối với nền thần học Kinh viện của Công giáo. Giáo hoàng và Giáo hội Công giáo đã có một quyền lực tối thượng đặc biệt. Họ can thiệp sâu vào thế quyền, chi phối xã hội châu Âu với vai trò được suy tôn như một thế lực siêu nhiên trung gian kết nối Chúa Trời và loài người. Từ cuối thế kỷ XV trở đi, nền thần học này bắt đầu rơi vào khủng hoảng, bế tắc. Việc phần lớn giáo phẩm sa sút về đạo đức bởi những tham vọng quyền lực trần thế đã bắt đầu gây “hoài nghi luận” trong một số mục sư từng thuộc chính hàng giáo phẩm đó, điển hình là Luther. Dần dần, từ chỗ còn hoài nghi về việc Giáo hội là ý Chúa, Giáo hội không thể mắc sai lầm, Luther và những tín hữu của mình đã đoạn tuyệt với niềm tin đó, chuyển hóa sang đức tin rằng “duy nhất chỉ có Chúa trời”. Tín điều “duy nhất chỉ có Chúa trời” của Tin lành đã bày tỏ sự bác bỏ hoàn toàn quyền uy của Giáo hội, phủ nhận triệt để quan niệm Giáo hội là gạch nối trung gian giữa Chúa Trời với loài người; bày tỏ thái độ phản ứng mạnh mẽ vào thần học Công giáo đương thời.

Thứ hai: “thượng tôn Kinh thánh”

Công giáo truyền thống quan niệm Giáo hội có khả năng thấu hiểu được cuộc đối thoại trực tiếp của con người với Chúa Trời, tín đồ phải xưng tội với họ, thông qua họ. Vì vậy, tín đồ phải phục tùng họ. Giáo hội cho rằng phủ nhận điều này tức là chống lại mục sư, chống lại nhà thờ, chống lại đức vua và khiến cho xã hội quyền uy phong kiến tan rã. Những người luận chiến bảo vệ Giáo hội nói thêm, vốn dĩ Kinh thánh chỉ có thể được đọc, hiểu và thuyết pháp bởi những chức sắc uy tín, có trình độ. Kinh thánh không thể được đọc bởi cả những người nghèo khổ, không có học thức, vì những người đó càng đọc càng không thể hiểu tường tận giáo lí và thực hành đúng giáo luật.

Trong khi đó, Tin lành lại cho rằng “Lương tâm bị lời của Chúa giam cầm”; không một ai có thể thay thế, đứng giữa, phán xét con người cho cuộc đối thoại giữa lương tâm của chính họ với Chúa. Cho nên, chỉ cần tín đồ có đức tin thì đọc Kinh thánh

sẽ khiến họ được tự do. Mọi tín đồ đều có quyền đọc Kinh thánh và hiểu lời Chúa theo cách riêng của mình. Nguyên tắc “thượng tôn Kinh thánh” của Tin lành là hệ quả trực tiếp của tín điều “duy nhất chỉ có Chúa trời”. Nguyên tắc này đã phủ nhận vai trò thuyết pháp của Giáo hội, phá tận gốc sự phục tùng của con người vào Giáo hội.

Thứ ba: “tin tưởng bằng lí trí vào ân sủng”

Trong Công giáo, tín đồ khi xưng tội, bày tỏ sám hối sẽ được linh mục - người được mệnh danh là đại diện cho sự công bằng của Chúa - giải tội. Tín điều “tin tưởng bằng lí trí vào ân sủng” của Tin lành đã phủ nhận điều này. Bằng tín điều “tin tưởng bằng lí trí vào ân sủng”, những tín đồ Tin lành đã tiếp tục kiên định “chỉ biện giải cho một niềm tin vào Chúa Giêsu”, “nhấn mạnh sự cải biến riêng tư của con người, sự cao cả của nó, sự sám hối, sự quy đạo”. Tín đồ Tin lành chỉ sám hối trước Chúa và chỉ hi vọng được xá tội khi đủ đức tin kính vào ân sủng của Chúa. “Chỉ nhờ ân sủng và niềm tin thì con người mới có được tự do nội tâm và hy vọng giải quyết được mọi vấn đề không giải quyết được dưới ánh sáng của lý tính tự nhiên nhờ sự hóa thân hoàn toàn của Chúa” [42, tr.403].

Như vậy, cùng xem Kinh thánh là nền tảng giáo lí, cùng hệ thống tín điều căn bản giống Công giáo nhưng những người Tin lành sử dụng một cách có chọn

lọc Kinh thánh và tuyệt đối đề cao lí trí trong đức tin của con người cũng như vai trò cá nhân của con người. Tin vào Chúa, tin vào Kinh thánh, tin vào ân sủng, Tin lành cho rằng duy chỉ có đức tin lí trí ấy mới dẫn con người đạt tới sự cứu chuộc. Đặc điểm quan trọng này của Tin lành vừa khiến Tin lành trở nên khác biệt so với Công giáo, vừa là một trong những căn nguyên khiến Tin lành đa dạng về tổ chức, hệ phái.

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(195 trang)
w