Phật giáo
Trong so sánh với một tôn giáo khác là Phật giáo, có thể thấy, tính đa dạng về tổ chức, hệ phái của đạo Tin lành ở Việt Nam cũng có những tương đồng và khác biệt.
Một là, Tin lành đa dạng về tổ chức, hệ phái, trong khi Phật giáo đa dạng về pháp tu (được hiểu là nhấn mạnh về cách thức tu tập).
Trong Bài giảng tại trường hạ chùa Thanh Long, tỉnh Bình Phước, ngày 22-6- 2013, hòa thượng Thích Trí Quảng giảng: “Từ Phật giáo Nguyên thủy phát triển thành Phật giáo Bắc tông và đến thế kỷ XXI, Phật giáo truyền sang Âu Mỹ, chúng ta có thêm Phật giáo Âu Mỹ. Như vậy có thể nhận thấy rõ Phật giáo toàn cầu thì đa dạng mà tất yếu chúng ta phải chấp nhận sự đa dạng này. Đa dạng nghĩa là Phật giáo Âu Mỹ, Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông đều có cách tu khác nhau. Và Phật giáo Đại thừa theo phương cách của Nhật, hay Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam cũng khác nhau. Riêng Phật giáo Hàn Quốc thì Tăng Ni có gia đình và
không thuần ăn chay, lại có thể ăn nhiều lần trong ngày. Còn tu sĩ Phật giáo Thái Lan chỉ ăn một lần trong ngày, nhưng thức ăn gì cũng được” (theo phatsuonline.com truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2019).
Phật giáo đa dạng về pháp tu, tới tám vạn bốn nghìn, tức là 84 nghìn pháp môn tu tịnh. Phật giáo Trung Quốc hiện nay có vài chục hệ phái, trong khi Việt Nam chỉ có 3 hệ phái chính là Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. Theo thời gian, từ hai dòng chính là Nam tông và Bắc tông, Phật giáo lại chia thành các tông phái như Câu xá tông, Thành thực tông, Luật tông (từ Phật giáo Nam tông), Pháp tướng tông, Tam luận tông, Hoa nghiêm tông, Thiên thai tông, Chân ngôn tông (Mật tông), Tịnh độ tông, Thiền tông (từ Phật giáo Bắc tông). Các tông phái này sinh ra nhiều pháp tu khác nhau.
Ở Việt Nam, có tín đồ tu tập theo trường phái Mật tông, tức là kết hợp Phật giáo với các yếu tố bùa chú, pháp thuật thần linh,... và cậy nhờ các lực lượng siêu nhiên để giúp mình trong quá trình tu tập. Tín đồ tu tập theo trường phái Thiền tông tức là chú trọng tu thiền, tĩnh tâm, yên lặng và suy nghĩ. Có 2 cách tu theo Thiền tông là tu “niệm ngộ” (tu hành lần lượt qua 52 bậc) và tu “đốn ngộ” (giác ngộ nhanh). Các tín đồ tu tập theo trường phái Tịnh độ tông tức là chủ trương thờ Tam bảo, niệm Phật, dựa vào Phật lực để giải thoát là chủ yếu thì cũng có nhiều cách niệm Phật khác nhau như “tụng niệm” (niệm trước ban thờ Phật có chuông mõ và đèn nhang), “mật niệm” (không cần bàn thờ Phật, niệm theo thời gian), “chuyên niệm” (bất cứ lúc nào đi, đứng, nằm, ngồi cũng niệm Phật) [157, tr.66].
Hai là, trong quá trình du nhập và phát triển ở Việt Nam, đạo Tin lành và Phật giáo đều chia tách thành nhiều tổ chức nhưng chỉ có Phật giáo có tổ chức chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn Tin lành thì không.
Tháng 11/1981, 168 vị Giáo phẩm, Tăng Ni, Cư sĩ đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái đã tiến hành Đại hội thống nhất Phật giáo, thành lập một tổ chức chung của Phật giáo cả nước với tên gọi "Giáo hội Phật giáo Việt Nam", được tổ chức thành 3 cấp (trung ương, địa phương và tỉnh). Chín tổ chức, hệ phái bao gồm:
- Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam (ở miền Bắc); - Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (Ấn Quang);
- Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh; - Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam;
- Giáo hội Tăng già nguyên thuỷ Việt Nam;
- Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ (Phật giáo Khmer); - Giáo phái Khất sĩ Việt Nam;
- Giáo hội Thiên Thai giáo quán tông; - Hội Phật học Nam Việt.
Mỗi tổ chức, hệ phái có những đặc thù cũng như lịch sử phát triển riêng. Bên cạnh đó, hiện nay, do hội nhập quốc tế, nhiều pháp tu của Phật giáo thế giới được du nhập vào Việt Nam, đã làm phong phú thêm bức tranh Phật giáo Việt Nam. Sự biến đổi niềm tin Phật giáo được biểu đạt qua việc chuyển đổi của tín đồ từ pháp môn này sang pháp môn khác. Nhưng những năm gần đây, các nhà nghiên cứu cho rằng, có sự chuyển đạo từ Phật giáo sang một số tôn giáo khác như Công giáo, Tin lành, tập trung ở một bộ phận tín đồ Phật giáo Nam tông Khơ me, với mục đích sinh kế, việc làm là chính [theo 41, tr.179].
Mặc dù vậy, cộng đồng Phật giáo Việt Nam vẫn sinh hoạt chung trong một tổ chức giáo hội thống nhất về mục đích, đúng như tinh thần Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là điều hoà, hợp nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì hoằng dương Phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc cho thế giới” [theo Ban tôn giáo chính phủ, btgcp.gov.vn, truy cập ngày 7/8/2019].
Ba là, trong xu thế đa dạng tôn giáo hiện nay, đạo Tin lành và Phật giáo đều chú trọng hiện đại hóa các phương thức giảng đạo, truyền giáo và đẩy mạnh hoạt động cộng đồng xã hội, thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế.
Về phương thức giảng đạo, truyền đạo: Giảng đạo, truyền giáo là một trong những cơ sở quyết định cho việc đứng chân, tồn tại lâu dài của một tôn giáo, ở bất cứ thời kì lịch sử nào, ở bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào. Hình thức phổ biến của Phật giáo là chức sắc, tăng ni, giảng sư được Giáo hội đào tạo tiến hành giảng đạo, trong khi mọi giáo sĩ, tín đồ Tin lành đều có thể là một nhà truyền giáo với phương
thức linh hoạt như việc chứng đạo cá nhân (cá nhân truyền đạo cho cá nhân), thông qua ban chứng đạo (một số thành viên nhóm lại thành ban chứng đạo, sau đó đi tiếp xúc với những người khác để truyền đạo), thông qua ban lưu hành truyền đạo (sử dụng các phương tiện đi lại lại, di chuyển lưu động, dài ngày để truyền giáo) hoặc lớn hơn là tổ chức các chiến dịch truyền giáo với nhiều mức độ, quy mô khác nhau. Nhưng dẫu là hình thức nào thì hiện nay, cả Phật giáo và Tin lành đều chú trọng hiện đại hóa các phương thức giảng đạo, truyền giáo. Theo đó, tính đa dạng về phương thức truyền giáo trong bối cảnh phát triển vượt trội của công nghệ thông tin, không thể không nhắc tới sự tận dụng ưu thế của công nghệ kỹ thuật số.
Trên thực tế, Phật giáo Việt Nam đã có riêng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương, trực thuộc văn phòng Trung ương Giáo hội. Ngày 10/5/2019, Cổng thông tin điện tử Phật Sự Online, tức website phatsuonline.com, chuyên trang đưa tin về các hoạt động của Giáo hội, trực thuộc Ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động và ban hành con dấu riêng. Từ khi ra đời đến nay, website đã liên tục đưa các tin tức cập nhật về hoạt động Phật sự toàn quốc, từ cấp Trung ương đến các tỉnh, thành phố, các buổi giảng đạo, các lễ hội, các hoạt động cộng đồng, từ thiện, các khóa tu mùa hè,… và có liên kết với mạng lưới hơn 300 ngôi chùa Việt Nam trên thế giới. Nhiều video đạt hàng chục ngàn lượt xem và chia sẻ trên các trang mạng xã hội cá nhân.
Về hoạt động cộng đồng, xã hội: Công tác từ thiện và các hoạt động cộng đồng xã hội được nhìn nhận như là một phương thức nhập thế của Phật giáo, xuất phát từ triết lý nhập thế, cứu khổ cứu nạn của tôn giáo này. Đây cũng là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo báo cáo của Ban Từ thiện xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện có gần 200 Tuệ Tĩnh đường và phòng phát thuốc từ thiện; hàng trăm phòng thuốc Đông Tây y, phòng thuốc Nam; trên 1000 lớp học tình thương; nhiều trường nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, trẻ mồ côi, khuyết tật; nhà dưỡng lão, nhiều trường dạy nghề miễn phí, trung tâm tư vấn cho người phơi nhiễm HIV/AIDS,… và rất nhiều các hoạt động khác như ủng hộ xây nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, quần áo, gạo,... ủng hộ chiến sĩ biên phòng,
các tuyến đầu của Tổ quốc, ủng hộ, cứu trợ nhân dân thế giới bị ảnh hưởng bởi các cuộc thiên tai, bão lũ,…
Giai đoạn 2002 - 2007, tổng số tiền từ thiện xã hội các tỉnh, thành, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Phân ban Ni giới Trung ương là trên 400 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, con số này là trên 881 tỷ đồng, trong đó, thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ trên 245 tỷ đồng (theo Báo cáo sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cơ sở dữ liệu số vbgh.vn truy cập ngày 12/ 10/ 2019)
Về quan hệ quốc tế: Phật giáo Việt Nam cũng thiết lập mối quan hệ với Phật giáo quốc tế như tham gia Hội nghị Ni thế giới được tổ chức định kỳ 2 năm một lần (Hội nghị nhằm thiết thực nâng cao vị thế và những đóng góp của nữ giới Phật giáo đối với xã hội hiện đại), tham gia Đại lễ Vesak (Lễ hội về ngày tam hợp Đức Phật: ngày Phật sinh, ngày Phật thành đạo và ngày Ngài nhập cõi Niết bàn, nhằm tôn vinh các giá trị đạo đức, tinh thần đoàn kết của Phật giáo),... Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn là thành viên của tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình ABCP (Asian Buddhist Confrence for Peace, đấu tranh vì hòa bình, chống chiến tranh), Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới,… đồng thời đặt quan hệ thân hữu với Phật giáo nhiều quốc gia như Lào, Trung Quốc, Nhật Bản,…
Tiểu kết chương 3
Tổ chức, hệ phái Tin lành Việt Nam rất đa dạng về thời gian, nguồn gốc du nhập. Về thời gian, trước năm 1975, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) số lượng giáo sĩ, tín đồ chiếm khoảng 5%, phần đông tín hữu Tin lành tập trung ở Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) và Cơ đốc Phục lâm ở miền Nam. Ngoài ra, còn có gần 20 tổ chức, hệ phái khác nhau [theo 34, tr.22]. Từ sau năm 1975, ảnh hưởng của phong trào Ân tứ, Tin lành tư gia, do nhu cầu sinh kế, sự dịch chuyển lao động, du lịch,... đã khiến các Tin lành phát triển mạnh về tổ chức, hệ phái. Đặc biệt từ sau 2005 đến nay, 09 tổ chức, hệ phái đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, hoạt động ổn định. Đến nay, theo khai trình từ phía Tin lành, có gần 90 tổ chức, hệ phái ở Việt Nam. Về nguồn gốc du nhập, có tổ chức, hệ phái du nhập vào Việt Nam từ trước 1975, hoạt động ổn định đến hiện nay; có nhóm cùng thời gian
du nhập này, từng tan rã và nay phục hồi; có nhóm mới hình thành thời gian gần đây; có nhóm của người nước ngoài.
Tổ chức, hệ phái Tin lành Việt Nam cũng đa dạng về loại hình. Về loại hình xu hướng thần học, có tổ chức, hệ phái theo xu hướng thần học truyền thống của Luther và Calvin; có nhóm ảnh hưởng từ Ngũ tuần; có nhóm hỗn hợp giáo lý và mang tính chất phi hệ phái. Về loại hình tín đồ, Tin lành Việt Nam đa dạng về thành phần dân tộc, thành phần xã hội. Về phạm vi hoạt động, một số địa phương không có tín đồ, nhiều nơi có 01 đến 02 tổ chức, hệ phái, một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có trên 30. Về địa vị pháp lý, các tổ chức, hệ phái được công nhận tư cách pháp nhân và chưa được công nhận hoạt động xen kẽ nhau.
Tổ chức, hệ phái Tin lành Việt Nam còn đa dạng về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động: Về cơ cấu tổ chức, cơ bản các tổ chức, hệ phái gồm 2 cấp (Tổng hội và Chi hội), một số có 3 cấp (Tổng hội, Ban đại diện và Chi hội), nhiều tổ chức, hệ phái có cơ cấu tổ chức mang tính linh hoạt. Về truyền giáo, các tổ chức, hệ phái đa dạng trong sử dụng nhân lực và chiến lược, phương tiện, phương thức. Về từ thiện và hoạt động cộng đồng, Tin lành đa dạng về lĩnh vực, phương thức. Về các mối quan hệ với chính quyền, quan hệ trong nước, quốc tế, giữa chi hội và tổng hội; giữa các tổ chức, hệ phái với nhau; giữa các tổ chức, hệ phái trong nước và quốc tế cũng rất đa dạng.
Xét trong tương quan với một tôn giáo khác cũng có nhiều tổ chức là Phật giáo ở Việt Nam, chỉ Phật giáo mới có Giáo hội thống nhất, trong khi các Hội thánh Tin lành hoạt động theo cơ chế dân chủ, độc lập, không thể thống nhất trong một tổ chức chung như Phật giáo. Tuy nhiên cơ chế liên hiệp của các tổ chức, hệ phái đạo Tin lành cũng có thể được áp dụng trong những trường hợp thực tiễn cần thiết.
Chương 4