Các tổ chức, hệ phái Tin lành đa dạng những mối quan hệ trong nước

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 115 - 119)

Quan hệ giữa những chi hội thuộc cùng Tổng hội trong từng tổ chức, hệ phái Các chi hội địa phương, các điểm nhóm thuộc một tổ chức, hệ phái có sự thông công, liên hiệp thường xuyên và gắn bó hơn. Trong khi sự thông công của các điểm nhóm ở phạm vi địa bàn một tỉnh không cần phải thông qua Tổng hội ở trung ương thì sự thông công theo phạm vi lớn hơn như giữa các tỉnh trong một khu vực lại cần có sự chấp thuận của Tổng hội. Những hoạt động thông công thường diễn ra theo thời gian từ ba đến sáu tháng và được ghi lại biên bản cẩn thận. Ngoài mục tiêu như hỗ trợ truyền giáo, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, trao đổi tin tức,… việc thông công hay liên hiệp một cách tương đối có tác dụng tích cực trong việc gắn kết tín đồ trong ngôi nhà chung Tin lành.

Ghi nhận của tác giả trong trao đổi với mục sư Tin lành ở Cao Bằng như sau: “- Hỏi: Mục sư có nắm được sinh hoạt các điểm nhóm các huyện khác không? - Trả lời: Có. Nó phải như nhau hết. Ba tháng là phải thông công một lần lại với nhau xét xem điểm nhóm nào như nào rồi hoặc là điểm nhóm này sinh hoạt như thế này thế kia có cái gì khó khăn không, có cái gì phải giúp đỡ không. Huyện này với huyện khác thì phải đi thông công với nhau ở bên tỉnh, sáu tháng hoặc ba tháng chẳng hạn. Tỉnh này với tỉnh khác thì thông công với Tổng hội thôi. Huyện với huyện có thể thông công với nhau nhưng tỉnh với tỉnh thì phải qua Tổng hội.

- Hỏi: Có khi nào bỏ thông công không?

- Đáp: Nhiều lúc mình đi đâu không về kịp thì phải bảo người khác đi. Cử đi chứ không bỏ” (trích trao đổi với mục sư Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) ở Cao Bằng ngày 30/09/2018).

Quan hệ giữa những tổ chức, hệ phái khác nhau

Liên hiệp giữa những tổ chức, hệ phái khác nhau là một xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Ở Hà Nội, việc thành lập Hiệp hội Thông công Cơ đốc Hà Nội (HCF) với các tín đồ vừa thể hiện “đại mạng lệnh” của Chúa trời, căn tính của Phúc Âm, vừa thể hiện sự liên hệ qua lại giữa các tổ chức, hệ phái khác nhau, ngay cả có đôi chút khác biệt về tín lí. Vào đầu năm mới, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) thường có cuộc gặp mặt với các tổ chức, hệ phái khác hoặc nhiệt tình giúp đỡ, tham gia các hoạt động chung của HCF.

Chủ trương thông công, hiệp một, thiết lập quan hệ xã hội được quy định rõ trong những tổ chức, hệ phái có đường hướng hoạt động rõ ràng. Điều 14, chương III Hiến chương Hội thánh Liên hữu cơ đốc Việt Nam nêu: “Hội thánh Liên hữu cơ đốc Việt Nam có quyền thông công trên căn bản bình đẳng với các Hội Truyền Giáo bạn đồng tín lí. Hợp tác với các tổ chức văn hóa, xã hội mang tính Cơ Đốc chân chính” [59, tr.19].

Điều 25, chương VI Hiến chương Hội thánh Tin lành trưởng lão Việt Nam nêu: “-Hội thánh Tin lành trưởng lão Việt Nam hiệp thông với các hệ phái Tin lành khác cùng tín lí trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

- Hội thánh Tin lành trưởng lão Việt Nam tôn trọng các tổ chức xã hội và tôn giáo khác.

- Hội thánh Tin lành trưởng lão Việt Nam kết hợp với các Giáo hội Trưởng lão các nước trên thế giới để hầu việc Chúa trong các lãnh vực: Giáo dục, y tế, cứu trợ nhân đạo,…” [57, tr.27]. Tuy nhiên cũng có thể thấy rằng mặc dù Hiến chương thể hiện thái độ tán thành việc hiệp thông nhưng vẫn chưa có những quy định rõ ràng. Bên cạnh xu thế liên hiệp còn là xu thế bài xích, bất hợp tác. Có nhiều tín đồ Tin lành mang tư tưởng cải cách, tích cực thực hiện nếp sống văn minh, tôn trọng pháp luật nhưng cũng có những người “lợi dụng phong trào này để thỏa mãn cái tôi”, tự thành lập ra các tổ chức, hệ phái mới nói như mục sư Trương Văn Hoàng tại Hội thảo “Đạo Tin lành với quá trình hội nhập văn hóa dân tộc từ sau năm 1975 đến nay”. Cho nên, không loại trừ khả năng có sự bài xích lẫn nhau nhằm mở rộng uy

tín và phạm vi ảnh hưởng của tổ chức, hệ phái mình, từ đó thu hút tín đồ từ tổ chức, hệ phái khác sang.

Năm 2004, trước thực trạng có những kẽ hở trong hệ thống tín lí khiến cho một lượng tín hữu chuyển sang tổ chức, hệ phái khác, ở cả nhóm được coi là “tà giáo”, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) đã phải thông báo một cách cứng rắn, khiến một thời gian dài Hội thánh không có mối quan hệ tốt với các tổ chức, hệ phái khác: “các tín hữu trong Hội thánh có thể có sự giao thông với các tín hữu thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), tín hữu của các giáo phái khác (chính giáo) nhưng không được hoạt động cho các tổ chức và giáo phái đó trong khi đang là tín hữu thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc)” [126, tr.216].

Cuộc trao đổi với hai mục sư đứng đầu hai tổ chức, hệ phái (Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) và Liên hữu Cơ đốc) ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng của tác giả luận án vào 30/09/2018 đặt vấn đề có quan tâm đến Hội thánh còn lại không, đều nhận được đáp án tương tự nhau là: “không biết rõ lắm”, “không quan tâm lắm”, “không tìm hiểu đâu” nhưng có mời bên kia tham dự lễ một lần trong năm. Khi được hỏi việc thực hiện các nghi lễ so với Hội thánh còn lại thế nào thì cũng có có câu trả lời gần nhau là: “bên mình đúng đấy”, “cứng hơn đấy” cho thấy ở một vài địa bàn, một số tổ chức, hệ phái gây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn theo hệ thống dọc và cũng có liên hệ nhất định với các tổ chức, hệ phái khác theo chiều ngang cùng khu vực sinh sống. Trên thực tế, các tổ chức, hệ phái chưa được công nhận ít có mối quan hệ với các tổ chức, hệ phái đã được nhà nước công nhận do tình trạng li khai, tách ra trước đó hoặc do những mâu thuẫn khác nhau.

Điểm khác biệt so với những thời gian trước là hiện nay, đã không còn tình trạng đối đầu trực tiếp, đả kích, phê phán trực diện tổ chức, hệ phái khác như trước mà thay bằng các phương thức khác mềm mỏng hơn như gần gũi, tiếp cận, tuyên truyền, thể hiện uy tín, tiềm lực tài chính, săn đón tín đồ từ tổ chức, hệ phái khác sang tổ chức, hệ phái mình. Chính điều này đã khiến cho có những giai đoạn diễn ra sự cải đạo mạnh mẽ của tín đồ Tin lành từ Hội thánh này sang Hội thánh khác hoặc thậm chí từ tôn giáo khác sang Tin lành.

Quan hệ giữa tổ chức, hệ phái với chính quyền

Ngoài quan hệ tôn giáo với các tổ chức, hệ phái, Tin lành còn thiết lập quan hệ xã hội với chính quyền trên cơ sở thực hiện trách nhiệm công dân trước pháp luật. Hội thánh Tin lành Trưởng lão Việt Nam quy định rõ trách nhiệm của Hội thánh đối với xã hội như sau:

“- Hội thánh Tin lành Trưởng lão Việt Nam hoạt động theo hiến pháp và luật pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; chấp hành các quy định của các cơ quan Nhà nước.

- Hội thánh giáo dục tín hữu về lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng pháp luật, đoàn kết cùng toàn dân xây dựng Tổ quốc, bảo vệ hòa bình” [58, tr.27]. Tương tự, Hội thánh Liên hữu Cơ đốc nhấn mạnh: “Hội Thánh vâng lời Chúa dạy, lấy lòng yêu thương, thường xuyên cầu nguyện cho các bậc cầm quyền và “lấy điều nhân đức và thành thật mà ở đời cho bình tịnh yên ổn” (I Ti mô thê 2:1-2; Rô ma 13: 1-7). Chấp hành pháp luật và làm tròn nghĩa vụ công dân” [59, tr.23].

Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) ở Hà Nội có giúp đỡ hỗ trợ, hợp tác với các tổ chức, hệ phái khác và một số tổ chức xã hội thành phố như Trung tâm cai nghiện ma túy để làm công tác xã hội. Hội thánh còn tổ chức giao lưu văn nghệ với Công an thành phố tại Hội trường Công an thành phố vào tháng 12 năm 2014,… Hội thánh quản lý tốt và xác định ranh giới, gây dựng quan hệ hài hòa với chính quyền.

Nữ cán bộ phụ trách công tác tôn giáo, đại diện cho chính quyền Ban tôn giáo cấp tỉnh ở Thái Nguyên, trong trao đổi với tác giả luận án vào 15h ngày 02/10/2018 nhận định, trên địa bàn tỉnh có 06 tổ chức, hệ phái Tin lành hoạt động, cơ bản các tổ chức, hệ phái hiện nay có mối quan hệ tốt với chính quyền, chấp hành tốt pháp luật, nhất là Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc). Ngược lại, chính quyền cũng quan tâm, sẵn sàng đối thoại, gần gũi, chia sẻ với các tổ chức, hệ phái; đối xử công bằng với Hội thánh đã được và chưa được công nhận.

Mặt khác, mặc dù quan hệ giữa các tổ chức, hệ phái và chính quyền được thiết lập, củng cố trước hết trên cơ sở luật định và thực tế ngày càng được cải thiện song còn phụ thuộc vào từng chính quyền cơ sở, từng hội thánh địa phương. Bởi vậy, không tránh khỏi những nghi kị, hiểu lầm hoặc bất hợp tác giữa đôi bên. Bên

cạnh xu thế chủ đạo là hợp tác với chính quyền, một số người đứng đầu và một bộ phận tín đồ Tin lành vẫn còn có thái độ bất hợp tác, thậm chí chống đối, phản ứng tiêu cực. Tình hình này đặt ra suy ngẫm về phương hướng, giải pháp xử lý cho cả hai bên tôn giáo và chính quyền. Không chính quyền của nhà nước pháp quyền nào có thể kì thị tôn giáo và buông lỏng quản lý công dân theo luật pháp, cũng không tôn giáo nào được hoạt động trái hiến pháp và pháp luật.

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 115 - 119)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(195 trang)
w