MỘT SỐ GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ VỀ CÔNG TÁC ĐỐI VỚI TIN LÀNH 1 Một số giải pháp

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 139 - 143)

4.3.1. Một số giải pháp

Nhóm giải pháp đối với chính quyền

Thứ nhất: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức, hệ phái Tin lành.

Về nhận diện, phân biệt các tổ chức, hệ phái: Sự đa dạng về tổ chức, hệ phái Tin lành ở Việt Nam biểu hiện qua các tổ chức, hệ phái Tin lành du nhập vào từ lâu hoạt động ổn định, các tổ chức, hệ phái mới truyền vào hoặc mới tách ra từ những tổ chức đã có từ trước, thậm chí có những nhóm Tin lành nhỏ lẻ, hoạt động phân tán. Trước tình hình này, Nhà nước cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu thực tiễn, phối hợp liên ngành nhằm nhận diện đúng, đầy đủ, cập nhật kịp thời tình hình của từng tổ chức, hệ phái. Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những nội dung quản lý Nhà nước đối với các tổ chức, hệ phái đã được công nhận và chưa được công nhận đồng thời ban hành những hướng dẫn cụ thể nhằm có những biện pháp giải quyết phù hợp với từng loại hình tổ chức, tránh gây so sánh, hiểu lầm, mất đoàn kết hoặc phản ứng tiêu cực giữa các tổ chức, hệ phái với nhau.

Về công nhận tư cách pháp nhân: Nhà nước cần gắn việc công nhận tư cách pháp nhân cho các tổ chức, hệ phái với công tác dân vận. Việc công nhận tư cách pháp nhân phải diễn ra đúng pháp luật, đúng quy trình, tránh tư tưởng hoặc cực đoan hoặc nóng vội, thiếu thận trọng trong xét công nhận tư cách pháp nhân về tổ chức cho các tổ chức, hệ phái đủ điều kiện. Đồng thời, Việt Nam cũng cần xem xét đến việc học tập kinh nghiệm từ quốc tế cùng với dựa vào căn cứ thực tiễn trong nước để cùng nghiên cứu, thảo luận xem có nên có những cấp độ khác nhau trong công nhận tư cách pháp nhân hay không.

Về thái độ đối với các tổ chức, hệ phái vi phạm pháp luật: Chính quyền cần tuyên truyền, vận động tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đồng thời cần kịp thời có nhiều hình thức biểu dương các chức sắc, tín đồ có những đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước, phát triển đời sống văn hóa - xã hội. Tận dụng hiệu ứng của các mạng xã hội, chú trọng thiết lập các kênh truyền thông chính sách tôn giáo có sức lan tỏa bằng việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, truyền tải kịp thời các văn bản pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; hướng dẫn chức sắc, tín đồ các tổ chức, hệ phái hoạt động theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần có những giải pháp kịp thời, mềm mỏng nhưng dứt khoát, nghiêm minh, đúng thẩm quyền và pháp luật trong xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật, chống đối nhà nước.

Về ứng xử với chức sắc các tổ chức, hệ phái: Đối với những người đứng đầu các tổ chức, hệ phái trước kia bị xem là hoạt động bất hợp pháp, nay được chính quyền xem xét cấp đăng kí sinh hoạt, chắc chắn không tránh khỏi có những trạng thái tâm lý khác nhau. Bởi vậy, chính quyền cần có thái độ quan tâm đúng mức, từ tăng cường tiếp xúc đối thoại đến tuyên truyền, thẳng thắn góp ý, đấu tranh chống các tư tưởng hoặc hành vi trái pháp luật, nhằm từng bước hướng các tổ chức, hệ phái hoạt động theo đúng quy định của luật pháp. Đây được xem là giải pháp hữu ích, thiết thực trong công tác dân vận của chính quyền đối với các tổ chức, hệ phái, đặc biệt là đối với những nhóm chưa được cấp phép hoạt động.

Về công tác dân vận, đoàn kết tín đồ các tổ chức, hệ phái: Nhà nước phải dựa vào những chức sắc Tin lành uy tín, có mối quan hệ thân tình với chính quyền, gây

dựng niềm tin nơi các chức sắc bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động họ sống tốt đời, đẹp đạo, định hướng cho tín đồ thực hiện tốt vai trò công dân của mình. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các văn bản mang tính pháp quy, tạo điều kiện cho các tổ chức, hệ phái được công nhận theo đúng quy định và lộ trình. Đảng và Nhà nước cần xác định rõ dân vận trong lĩnh vực tôn giáo là một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài. Bởi thế, toàn hệ thống chính trị cần phải quán triệt nguyên tắc ứng xử tôn trọng, công tâm, khách quan căn cứ vào đặc điểm tương đồng cũng như khác biệt trong tính đa dạng của các tổ chức, hệ phái Tin lành.

Về hệ thống cán bộ nhà nước làm công tác tôn giáo: Đội ngũ cán bộ cần nhận thức đầy đủ, quan tâm hơn nữa đến công tác dân vận tôn giáo. Bản thân mỗi cán bộ cần nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, uy tín xã hội, gắn bó với chức sắc, tín đồ nhằm am hiểu tình hình thực tiễn, tích cực vận động tín đồ các tổ chức, hệ phái thực hiện đúng pháp luật, đúng tư cách công dân, đoàn kết, tránh mâu thuẫn, xích mích.

Về công tác định hướng giá trị, giáo dục kỹ năng sống: Nhà nước cần làm tốt công tác định hướng giá trị cho quần chúng nhân dân, đặc biệt và trước nhất là định hướng và giáo dục kỹ năng sống cho thế hệ trẻ nhằm bồi dưỡng đời sống tinh thần phong phú, trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó, quan tâm, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật nhằm cải thiện cuộc sống nhân dân, nâng cao trình độ dân trí, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế,…

Thứ hai: Phát triển đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương có sinh hoạt của các tổ chức, hệ phái Tin lành.

Về việc vận động chức sắc, tín đồ tích cực tham gia vào phát triển địa phương: Tồn tại xã hội quyết định đến đời sống tinh thần. Bởi vậy, phát triển đời sống kinh tế - xã hội vẫn cần được xem là ưu tiên hàng đầu đối với tín đồ các tổ chức, hệ phái Tin lành. Các cấp, các ngành ở tất cả các địa phương có đạo Tin lành cần chủ động triển khai các chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất cho tín đồ, tạo mọi điều kiện để tín đồ các tổ chức, hệ phái gắn bó với cộng đồng, tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Về hệ thống chính trị cơ sở và sự phối hợp hành động giữa Chính phủ với các Bộ, ban, ngành, địa phương: Hệ thống chính trị cấp cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết kịp thời vấn đề của các tổ chức, hệ phái Tin lành nói riêng, tôn giáo nói chung với tư cách là một thiết chế gần gũi, bám sát tình hình thực tiễn đời sống giáo dân. Hệ thống chính trị cơ sở cần quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng đội ngũ làm công tác tôn giáo tại địa phương, thường xuyên có liên hệ với các chức sắc, các tổ chức, hệ phái, kịp thời giải quyết các vụ việc nóng, mới và nhạy cảm liên quan đến tình hình tôn giáo tại địa phương nói chung, đạo Tin lành nói riêng.

Hệ thống chính trị cơ sở cần là cầu nối giữa các tổ chức, hệ phái, thu xếp ổn thỏa các mâu thuẫn giữa họ trên cơ sở pháp luật có tính đến lịch sử vấn đề và căn cứ vào tình hình thực tế; tránh làm căng thẳng thêm những bất đồng, khác biệt. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị cơ sở đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc các cấp, các sở, ban, ngành cần có sự phối hợp, đẩy mạnh các cuộc vận động thi đua yêu nước, nhằm phát huy tinh thần tương thân tương ái, nhân ái, hòa mục của toàn dân tộc, trong đó có đồng bào theo đạo Tin lành.

Về việc gắn công tác tôn giáo với công tác dân tộc, đoàn kết tín đồ: Mỗi địa phương cần vận động tín đồ chủ động tham gia vào cải biến, phát triển cuộc sống cá nhân, xây dựng đời sống gia đình, nhận thức, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lẽ đạo và lẽ đời, thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Song song với đó là nhiệm vụ đẩy mạnh vận động, tuyên truyền tín đồ ở tất cả các tổ chức, hệ phái Tin lành thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thậm chí tạo điều kiện để những giáo dân ưu tú có thể tham gia vào các cơ quan dân cử, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhóm giải pháp đối với các tổ chức, hệ phái Tin lành

Về tính chủ động của từng tổ chức, hệ phái: Mỗi tổ chức, hệ phái Tin lành cần chủ động trong quản trị tổ chức, hoàn thiện hệ thống cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động. Các hoạt động mục vụ, truyền giáo, chứng đạo, tăng trưởng thuộc linh nhằm “môn đồ hóa muôn dân” (tức là gia tăng số lượng tín đồ) là mục tiêu hàng đầu của mỗi tổ chức, hệ phái song phải tránh cạnh tranh thiếu lành mạnh, gia tăng mâu thuẫn nội bộ, xung đột trong gia đình, cộng đồng giáo dân.

Về tinh thần hiệp một giữa các tổ chức, hệ phái: Các tổ chức, hệ phái tôn trọng, tăng cường quan hệ đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau trên cơ sở chung đức tin, giải quyết các khúc mắc đã từng tồn tại trong lịch sử, nếu có. Những người đứng đầu các tổ chức, hệ phái cần nêu gương mẫu mực của những người chăn chiên, giáo dục tín đồ các lẽ đạo và thực hành lẽ đạo đúng với tôn chỉ Hiến chương của tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận, trên cơ sở tôn trọng, chấp hành pháp luật, kiên quyết chống các nhận thức sai lệch, hành vi mê tín dị đoan, gây phức tạp trật tự xã hội, vi phạm pháp luật.

Về mối quan hệ giữa các tổ chức, hệ phái với chính quyền: Các tổ chức, hệ phái cần giáo dục tín đồ trở thành những người kính Chúa yêu nước một cách chân chính, phát huy tinh thần nhập thế tích cực, tránh các hành vi thương mại hóa, thực dụng, trục lợi, cơi nới, xây dựng nhà nguyện và truyền đạo trái pháp luật,... Các tổ chức, hệ phái cần tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, hội nhập văn hóa dân tộc, phát huy tinh thần dân chủ, bác ái, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, tác phong công nghiệp vốn có cùng với việc đẩy mạnh hoạt động từ thiện xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức, hệ phái cũng cần chủ động chia sẻ, mạnh dạn bày tỏ ý kiến, thiết lập quan hệ tốt với chính quyền đồng thời giải quyết tốt mối quan hệ trong nước, quốc tế trên cơ sở tôn trọng pháp luật Việt Nam.

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 139 - 143)