Một vài nhận định từ tính đa dạng tổ chức, hệ phái Tin làn hở Mỹ

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 51 - 57)

Một là, đa dạng tổ chức, hệ phái cũng là xu thế chung của Tin lành Mỹ, phù hợp tính hợp lý đặc thù của xã hội công nghiệp Mỹ và góp phần làm nên đặc điểm nổi bật của tôn giáo Mỹ: “Người Mỹ da đỏ thuộc về những bộ tộc khác nhau, mỗi bộ tộc đều có tín ngưỡng riêng. Các tín hữu Tin lành cũng thể hiện tính đa dạng với vô số hệ phái của họ. Các tín hữu Công giáo chia làm nhiều nhóm chủng tộc, tạo nên sự căng thẳng bên trong một giáo hội lẽ ra phải thống nhất, trong khi số lượng trường phái tín ngưỡng siêu hình dường như nhiều chẳng kém số người theo đuổi chúng” [27, tr.430].

Đa dạng tôn giáo Mỹ ngày càng được định hình rõ nét hơn sau thế kỷ XX đến nay. Nhiều dịch giả Việt Nam sử dụng “đa nguyên tôn giáo” để nói về Mỹ và tôn giáo Mỹ với tính chất là quốc gia có sự tồn tại của nhiều tôn giáo một cách bình đẳng với nhau, không tôn giáo nào chiếm ưu thế cao hơn so với tôn giáo nào. Tuy nhiên, xu thế đa nguyên này cũng được xem là tính đa dạng, xét dưới khía cạnh là nhiều dạng thức tôn giáo cùng tồn tại.

Trong tính đa dạng chung của tôn giáo, Tin lành Mỹ đặc biệt đa dạng về tổ chức, hệ phái, đã có lúc ranh giới giữa các tổ chức, hệ phái bị chồng lấn lên nhau hoặc bị phân rẽ trong quá trình phát triển. Có thể dẫn ra ở đây 2 tổ chức, hệ phái có nguồn gốc châu Âu là trường hợp Tin lành Mennonite và Báp tít.

Mennonite được khởi xướng bởi linh mục Menno Simons là một hệ phái ra đời ở Thụy Sỹ. Do sự phản ứng gay gắt của chính quyền và những nhà cải cách, tín đồ Mennonite phải di cư sang Mỹ, ban đầu họ sống ở Germantown, gần Philadelphia. Tín đồ Tin lành Mennonite ở Mỹ hiện nay có khoảng trên dưới 1 triệu trên tổng số hơn 1,5 triệu tín đồ toàn thế giới. Tín đồ yêu chuộng hòa bình, tích cực tham gia từ thiện xã hội, dẫu vậy, họ cũng thường sống thành những cộng đồng

riêng với một số quy định khá chặt chẽ như không tham gia chiến tranh hay các tổ chức chính trị, không kết hôn với người ngoài hệ phái, không tuyên thệ trước quan tòa,… Từ khi du nhập vào Mỹ cho đến nay, Mennonite đã phân rẽ thành 12 giáo hội độc lập.

Báp tít là một hệ phái có nguồn gốc từ Thanh giáo Hà Lan và Anh thế kỷ XVII. Do bị ngược đãi, tín đồ Báp tít đã tìm cách di cư sang Providence và đảo Rhode Mỹ để lánh nạn. Hiện nay, Báp tít có khoảng gần 50 triệu tín đồ độ tuổi từ 18 trở lên và 95.000 chi hội, chiếm 19% dân số nước Mỹ. Trong quá trình phát triển, do những xung đột ở các mức độ khác nhau về tôn giáo hoặc chính trị, xã hội, Tin lành Báp tít Mỹ bị chia rẽ thành nhiều tổ chức khác nhau như Báp tít miền Nam, Hội Liên hiệp Báp tít Mỹ, Hội nghị Báp tít Mỹ, Giáo hội Báp tít miền Bắc nước Mỹ, Giáo hội Báp tít Cải cách Mỹ,…

Hai là, đa dạng tổ chức, hệ phái Tin lành gắn liền chủ nghĩa tự do cá nhân ở Mỹ và đã xuất hiện ngay từ thời kỳ thuộc địa. Tính đa dạng được hậu thuẫn bởi nền kinh tế hiện đại, sức mạnh của truyền thông, tinh thần cởi mở trong giáo dục. Những nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, tính đa dạng này gắn liền với chủ nghĩa tự do, nhưng đến khoảng thế kỷ XX thì có sự chia rẽ lớn trong nội bộ các tổ chức. Cùng một tổ chức giáo hội có thể có người theo chủ nghĩa tự do, có người theo tư tưởng chính thống, có người theo trào lưu bảo thủ. Có thể nói, ở Mỹ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo lấy tự do cá nhân làm nòng cốt. Bên cạnh đó, tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền được pháp luật thừa nhận, bảo hộ; nhà nước phân ly rõ ràng với giáo hội, nhà nước không can thiệp vào hoạt động của các tổ chức, hệ phái, thậm chí được chính quyền khuyến khích bày tỏ tinh thần tự do trong tôn giáo cũng như trong đời sống xã hội. Sự tự do đã khiến tôn giáo Mỹ trở nên đa dạng.

Kỹ thuật truyền hình và sức mạnh truyền thông đã góp phần mạnh mẽ khiến Tin lành Mỹ trở nên đa dạng. Truyền hình và truyền thông tôn giáo đã mở ra nhiều cơ hội tiếp cận mới mẻ đối với nhiều đối tượng người trong xã hội Mỹ với tính thuyết phục cao, tốc độ mau lẹ. Tuy nhiên có một điểm cần lưu ý ở đây là, lại chỉ có khoảng 2% khán giả tiềm năng, còn lại đa phần là tín hữu sẵn có [theo 27, tr.399]. Nhiều tổ chức (nhất là các tổ chức không theo hệ phái nào) hoặc một số tín hữu thuộc các trường phái

bảo thủ lại không ủng hộ “truyền hình hóa nhà thờ”, “nhà thờ điện tử”, và vẫn muốn thực hành xác tín đức tin qua các nghi lễ được thực hiện trong không gian thực ở cơ sở thờ tự. Điều này cho thấy, hiện nay, sự đa dạng tổ chức, hệ phái Tin lành Mỹ bao hàm cả việc mở rộng lẫn thu hẹp, củng cố các tổ chức, hệ phái.

Sự ưu việt, cởi mở trong văn hóa, giáo dục trở thành công cụ, phương tiện góp phần nâng cao nhận thức cá nhân của tín đồ. Cần nhớ rằng ngay từ thế kỷ XVIII, các cơ sở giáo dục của Mỹ đều do giáo hội Kitô lập ra, tinh thần giáo dục Mỹ ngay từ đầu thấm đẫm triết lý của các nhà trí thức tôn giáo. Cộng hưởng với truyền thống đạo đức vốn luôn đề cao vai trò cá nhân, chủ thể; luật pháp cho phép tự do truyền đạo, tự do xây dựng nhà thờ; phong cách sống coi tôn giáo còn như một nhu cầu giải trí, một biện pháp trị liệu tinh thần, sức khỏe,… nền giáo dục của một nước Mỹ đa dân tộc, đa văn hóa cùng tiềm lực tài chính dồi dào đã khiến các tổ chức, hệ phái Tin lành trở nên đa dạng hơn bao giờ hết.

Ba là, đạo đức Tin lành chi phối đời sống xã hội, trong đó, đa dạng tổ chức, hệ phái theo xu thế thần học chiếm ưu thế, gắn chặt với vấn đề chính trị và quyền lực nhà nước. Tín đồ Tin lành có tần suất hoạt động chính trị lớn. Mỹ lấy tinh thần tôn giáo, trước nhất là Tin lành để làm nền tảng tư tưởng cho nền văn hóa và toàn bộ đời sống xã hội. Hơn 180 triệu công dân Mỹ theo Tin lành tin rằng luật pháp và đạo đức của họ là nền tảng tư tưởng của tinh thần Mỹ, làm nên cá tính Mỹ, lối sống Mỹ và văn hóa Mỹ. Họ cũng cho rằng bản thân tổ chức tôn giáo của mình và mình cần thiết phải có sứ mệnh giáo hóa nhân loại một cách mạnh mẽ và sâu sắc.

Xét theo tiêu chí phân loại nguồn gốc ra đời của các tổ chức, hệ phái, có thể thấy Tin lành được chia thành nhóm tổ chức, hệ phái có nguồn gốc châu Âu như giáo hội Công nghị (Congreration), Thanh giáo (Puritan), Hội thân hữu (Quaker), Trưởng lão (Presbyterian), Báp tít (Báp tít), Giám lý (Methodist), Quân cứu thế (Salvasion Army),... có tổ chức, hệ phái sản sinh ngay tại Mỹ tiêu biểu như Ngũ tuần (Pentecostist), Cơ đốc Phục lâm (Adventist), Môn đệ đấng Christ (Diciples of Christ), Mặc môn (Mormon), Những nhà khoa học Kitô giáo (The Church Christ Scientists), Hội Liên hiệp Cơ đốc và Truyền giáo (The Christian and Missionnary of Alliance - CMA),...

Xét theo khía cạnh quan hệ giữa các tổ chức, hệ phái hiện nay, xu hướng chính là sự phân rẽ hoặc tách ra từ hệ thống các giáo hội lớn, ví dụ mặc dù con số tín đồ trên 2,5 triệu tương đối ít so với các loại hình Tin lành khác ở Mỹ, nhưng Tin lành Cải cách (Reformad) cũng chia tách thành các tổ chức như Tin lành Cải cách Mỹ, Tin lành Cải cách Cơ đốc Bắc Mỹ. Bên cạnh đó là xu hướng hợp tác để thực hiện các hoạt động từ thiện.

Sự phân tách hay liên hợp của các tổ chức, hệ phái có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có sự phân rẽ có nguồn gốc chính từ mục tiêu cải tổ, đổi mới điển hình như những tổ chức có nguồn gốc châu Âu, bởi lẽ, sau cách mạng Mỹ năm 1776, theo tiến trình lịch sử của tôn giáo Mỹ, Anh giáo được xem là tôn giáo độc tôn của giáo hội Anh đã không còn được chào đón hay ủng hộ nhiệt thành ở Mỹ như trước. Vì vậy, về sau họ phải tự cải tổ thành Tân giáo (Episcopalian). Có sự liên minh để chống chế độ nô lệ Mỹ điển hình như việc ra đời Hội Chống chế độ nô lệ (American Anti Slavery Society) và hiện nay là hợp tác, hình thành nên các cộng đồng từ thiện.

Coi tôn giáo là hành vi đạo đức được nhà xã hội học Max Weber xem là “nền đạo đức tinh thần của chủ nghĩa tư bản”. Các tín đồ Tin lành Mỹ lấy tôn giáo làm thước đo cho các chuẩn mực giá trị và họ có tần suất tham gia chính trị lớn. Điều này cũng có căn nguyên lịch sử của nó, do những tín đồ Tin lành châu Âu đầu tiên đặt chân đến Bắc Mỹ là những người theo trường phái Calvin. Mà Calvin là nhà thần học đi xa hơn Luther, ngay từ thời kì đầu mới đề xướng cải cách, ông đã chủ trương kết hợp tôn giáo với chính trị, ông coi tôn giáo là những hành vi đạo đức. Bởi vậy, không khó nhận thấy, xem xét tính đa dạng của Tin lành Mỹ hiện nay, thấy dấu ấn của những hoạt động chính trị rất lớn, bên cạnh các hoạt động truyền giáo hay tình nguyện, từ thiện thuần túy mang tính chất xã hội. Nói cách khác, tín đồ có tần suất hoạt động chính trị lớn.

Chủ nghĩa Mác - Lê nin cho rằng tôn giáo cần tách biệt với nhà nước mới đảm bảo đúng quy luật phát triển. Trên thực tế, nhiều quốc gia châu Âu đã thực hiện tốt điều này và ngay cả ở Mỹ thì lý luận này cũng đúng, song lại hết sức tương đối. Bởi lẽ tôn giáo Mỹ có tác động đặc biệt lớn đối với đời sống xã hội, thậm chí chi phối nhiều hoạt động của các đảng phái chính trị. Nếu tính đại biểu quốc hội theo Tin lành thì số lượng

này bao giờ cũng nhiều hơn đại biểu là người theo Công giáo. Có nghĩa là, sự đa dạng tổ chức, hệ phái Tin lành gắn liền với quyền lực nhà nước trong bảo hộ tôn giáo.

Năm 2017, đại biểu là tín đồ Tin lành gồm 299 người, chiếm 55,9 % của toàn quốc hội, Công giáo có 168 người chiếm 31,4%, Do thái giáo có 30 người chiếm 5,6%, Phật giáo có 3 người chiếm 0,6%,... Năm 2019, số đại biểu quốc hội là tín đồ Tin lành có 293 người, mặc dù giảm 1% so với năm 2017 nhưng vẫn chiếm 54,9% quốc hội, Công giáo cũng giảm còn 30,5%, Do thái giáo tăng lên 6,4%, Phật giáo giảm 1 người còn 0,4%,... (xem phụ lục 1)

Cũng theo số liệu năm 2017 từ trung tâm nghiên cứu Pew research center thì nghị sĩ Cộng hòa theo Công giáo chiếm 27%, hầu hết các nghị sĩ Cộng hòa (67%) là người theo đạo Tin lành. Trên thực tế, 46% rơi vào 1 trong 5 tổ chức Tin Lành: Báp tít, Methodist, Anh giáo hoặc Episcopalian, Presbyterian và Lutheran (xem phụ lục 2). Đến năm 2019, con số này 69,8% nghị sĩ Cộng hòa theo đạo Tin lành, gần 40% rơi vào 5 tổ chức nêu trên (xem phụ lục 3). Số nghị sĩ đảng Cộng hòa theo Công giáo chiếm 25,4%.

Đối với đảng Dân chủ, 36,8% nghị sĩ đảng Dân chủ theo Công giáo, 42,1 % theo Tin lành. Trong đó, 30% rơi vào 1 trong 5 tổ chức Tin lành nói trên (xem phụ lục 2). Đến năm 2019, nghị sĩ Công giáo của đảng Dân chủ chiếm 35,1%, Tin lành chiếm 41,5%, trong đó gần 30% rơi vào 1 trong 5 tổ chức nói trên (xem phụ lục 3).

Bốn là, đa dạng tổ chức, hệ phái Tin lành ở Mỹ không có dấu hiệu kết thúc. Hiện nay, các tổ chức, hệ phái đang đi theo xu hướng hợp tác thành lập các cộng đồng tình nguyện. Nói đến Tin lành ở Mỹ, nhiều người sẽ nghĩ đến tầm ảnh hưởng của Tin lành Quaker, Trưởng lão, Giám lý,... tới việc tham gia chinh phục vùng đất mới, xác lập địa vị và uy tín trong chính trị. Hiện nay, ở một góc độ khác, trong xu thế đối thoại liên tôn và các xu thế thế tục khác, nhiều người còn biết đến Tin lành với sự tồn tại của nhiều tổ chức phi hệ phái, tổ chức chuyên biệt, tổ chức từ thiện xã hội như Tầm nhìn thế giới (hay còn gọi là tổ chức Hoàn cầu khải tượng),...

Ở Mỹ, luật pháp ủng hộ sự tồn tại của nhiều tôn giáo bình đẳng với nhau, không tôn giáo nào chiếm ưu thế hơn so với tôn giáo khác trong xã hội. Các tín đồ của các tôn giáo khác nhau quan tâm đến lợi ích về mặt tôn giáo và chính trị của tính đa nguyên, sự bình đẳng tôn giáo. Nhiều tổ chức hợp tác nhau và khuyến khích tín đồ tham gia tình nguyện. “Ngày càng có nhiều thành viên của các giáo phái khác

nhau hợp tác với nhau,… trong việc thành lập những cộng đồng tình nguyện vượt ra ngoài các giáo phận chính thức của họ. Mục tiêu chung của họ là truyền bá những tín lý nền tảng của thông điệp Kitô trên toàn quốc và thế giới. Bất chấp những dị biệt trong học thuyết thần học, có nhiều điểm mà đa số họ đều đồng ý: tầm quan trọng cơ bản của Kinh thánh, việc sử dụng các lớp học ngày Chủ nhật để truyền bá tín lý Kitô và lợi ích của sách mỏng giá rẻ trong việc chia sẻ tư tưởng Kitô giáo, cũng như các kế hoạch truyền giáo” [28, tr.441]. Theo tinh thần đó, nhiều cộng đồng tình nguyện đã xuất hiện như ABCFM (American Board of Commissiners for Foreign Misions) là Ủy ban truyền giáo Hoa Kỳ đặc trách các sứ vụ hải ngoại, ABS (American Bible Society) là Hội Thánh Kinh Hoa Kỳ,…

Như vậy, có thể thấy, điểm tương đồng giữa Mỹ và Việt Nam là đều có nhiều loại hình tổ chức, hệ phái Tin lành cùng hiện diện. Các nghiên cứu cho thấy, tính đa dạng này ở cả hai quốc gia đều chưa có dấu hiệu kết thúc, do đặc trưng nội tại của chính Tin lành cũng như chính sách tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tách nhà nước khỏi giáo hội của chính phủ mỗi nước. Hiện nay, các tổ chức, hệ phái ở cả hai quốc gia đều có xu hướng chung là đi vào nhận thức, giải thích và giải quyết những vấn đề mang tính thế tục thay vì các vấn đề mang tính siêu hình. Tính công nghiệp, thực dụng, tốc độ trong nền kinh tế Mỹ, các giá trị Mỹ, tính cách Mỹ cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam cũng đã khiến các tổ chức, hệ phái ngày càng có xu hướng đa dạng hơn, ở những quy mô và mức độ khác nhau. Cả ở Mỹ lẫn Việt Nam đều xảy ra tình trạng cạnh tranh giữa các tổ chức, hệ phái hoặc hiệp một để làm công tác tình nguyện, từ thiện xã hội.

Tuy nhiên, đa dạng tổ chức, hệ phái Tin lành ở Mỹ và Việt Nam cũng có những điểm khác biệt căn bản, do những yếu tố lịch sử, địa chính trị, kinh tế, xã hội quy định. Nguồn gốc chủ yếu của Tin lành Mỹ là do di cư, chiến tranh, do những người Tin lành đầu tiên đến Mỹ theo xu hướng thần học Calvin, nên Tin lành Mỹ can dự mạnh vào chính trị. Đến nay, nhiều chính khách các đảng phái chính trị đều phần lớn là tín hữu Tin lành. Trong khi tổ chức đầu tiên, chính thức du nhập vào Việt Nam là Hội Truyền giáo năm 1911 lại là một tổ chức thành lập ở Mỹ và bản chất là tổ chức truyền giáo, quan tâm trước hết tới vấn đề phát triển đạo, tăng tín đồ.

Một phần của tài liệu Luận án Bùi Lệ Quyên (Trang 51 - 57)