Tín đồ Tin lành đa dạng về thành phần dân tộc
Trước năm 1975, đối tượng tín đồ chủ yếu của đạo Tin lành là đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân trước hết do lịch sử truyền giáo Tin lành để lại và xuất phát từ nhiệm vụ của những nhà truyền giáo. Tin lành vốn được truyền vào Việt Nam trong những giai đoạn lịch sử không dễ dàng đối với các nhà truyền giáo. Khó khăn khi mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở các vùng đô thị, buổi ban đầu, lực lượng truyền giáo buộc phải chuyển hướng lên các vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Dựa vào trình độ dân trí thấp, đời sống dân sinh nghèo nàn của đồng bào cũng như sự buông lỏng quản lý, chủ quan của một bộ phận hệ thống chính trị cấp cơ sở, họ dễ dàng lôi cuốn tín đồ tại đây theo đạo. Đội ngũ này quyết tâm thực hiện “chức vụ chăn bầy và dạy dỗ” với tư cách là một thiên chức được hưởng đặc ân do Chúa ban cho. Họ phó thác đời sống và gia đình cho Chúa để chăm lo giảng dạy Lời Chúa “dẫn dắt con dân của Chúa đi theo đường lối và ý chỉ của Đức Chúa Trời mà nền tảng là Kinh thánh” [58, tr.5-7]. Không thể phủ nhận vai trò của những nhà truyền giáo Tin lành trong sự gia tăng số lượng tín đồ, nhất là tín đồ dân tộc thiểu số.
Ở khu vực miền núi phía Bắc, không chỉ có tín đồ dân tộc Mông tin theo Tin lành mà còn có cả tín đồ của các thành phần dân tộc khác như dân tộc Dao, Thái, Tày, Sán Chỉ, Pà Thèn, Hà Nhì, Nùng, Máng, Cờ Lao, La Hủ,... Năm 1994, miền núi phía Bắc có khoảng 40 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số tin theo Tin lành. Đến tháng 3 năm 2015, khu vực này có 181.615 tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số/ tổng số 182.697 tín đồ Tin lành, chiếm 99,4 %. Ở Tây Nguyên và Bình Phước, cùng thời
điểm, tỉ lệ tương ứng là 86,1 %; Đông Nam Bộ là 9,7%, Tây Nam Bộ là 2,8%, thấp nhất là đồng bằng sông Hồng với 0,6%; trong khi tỉ lệ này bình quân trên cả nước là 67,7% [tác giả luận án tính theo số liệu dẫn từ Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 01 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW].
Nguyên nhân các tín đồ dân tộc thiểu số tin theo Tin lành xuất phát từ chính niềm tin, tình cảm tôn giáo với các tín ngưỡng truyền thống bị sụt giảm và những nhu cầu thiết thực trong đời sống thường nhật của họ chưa được đảm bảo. Đồng bào dân tộc thiểu số, điển hình là dân tộc Mông, vốn có tập quán du canh, du cư, tâm lý đặc thù như niềm tin vững vàng, tính tự tôn và thực tế cao. Họ dễ dàng gắn bó một cách quyết liệt với những gì mình tin tưởng như đức tin vào Chúa. Đời sống tín đồ còn cơ bản khó khăn, thiếu thốn về vật chất, nhất là những vật chất trước mắt như đồ ăn, quần áo,... vừa vặn là những lợi ích mà các tổ chức, hệ phái Tin lành dễ dàng thỏa mãn ngay cho tín đồ. Tính riêng ở địa bàn Lào Cai, trong tương quan so sánh giữa nhóm tín đồ người Mông theo Công giáo và theo Tin lành thì có khoảng 4.400 tín đồ là người Mông Công giáo, trong khi con số này ở Tin lành có tới trên dưới 34.000 người. Mặc dù Công giáo thế giới ra đời cách đây 2000 năm, du nhập vào đồng bào dân tộc Mông từ thời kỳ Pháp thuộc đầu thế kỷ XX, người truyền giáo có trình độ cao, công cuộc truyền giáo bài bản và tín đồ tăng trưởng, nhưng so với Tin lành thì vẫn tương đối khiêm tốn.
Từ đó, nhiều đồng bào là người dân tộc thiểu số sẵn sàng gia nhập Tin lành do được vận động, tuyên truyền từ các cuộc trao đổi liên lạc với những người dân tộc thiểu số tin theo Tin lành đang lưu vong ở nước ngoài. Một số hấp thu những rao giảng Kinh thánh của Tin lành thông qua việc nghe đài phát thanh FEBC phát từ Philippin. Số khác sẵn sàng cải đạo, chuyển từ tổ chức, hệ phái này sang tổ chức, hệ phái khác khi bị kích động, lôi kéo hoặc cảm thấy chưa thỏa mãn nhu cầu lợi ích với tổ chức, hệ phái cũ. Nguyên nhân này khiến cho thành phần dân tộc của đạo Tin lành có xu hướng trở nên ngày càng đa dạng và mặt khác cũng khiến cho các tổ chức, hệ phái ngày càng gia tăng về số lượng, loại hình, địa bàn hoạt động,...
Hiện nay, không chỉ giới hạn trong đồng bào ở một vài dân tộc thiểu số mà đối tượng tín đồ còn mở rộng ra cả các dân tộc khác với đa dạng lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính,.... Điều kiện tuổi tác thực hiện nghi lễ Bắp - têm để trở thành tín
đồ cũng có sự đa dạng khác nhau. Một số tổ chức, hệ phái Tin lành, lứa tuổi đủ để chịu Bắp - têm là từ 14 tuổi trở lên [theo 30, tr.154] nhưng một số tổ chức, hệ phái lại mở rộng hoặc không hạn chế độ tuổi đủ chịu Bắp - têm. Điều này được ghi nhận qua trao đổi của tác giả với mục sư Lý Văn Mỳ thuộc Hội thánh Tin lành Liên hữu cơ đốc ở xóm Chàng Đỉ, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, mục sư cho biết không hạn chế lứa tuổi làm Bắp - têm. Hội thánh Tin lành Trưởng lão cũng thể hiện rõ trong Hiến chương “Có thể làm Bắp - têm cho những ai công khai xưng nhận đức tin, và cho cả trẻ em có cha mẹ là người tin nhận Chúa” [57, tr.43].
Cũng theo nhận định của chính những người thuộc cộng đồng Tin lành, hiện nay trong tín đồ đã có những “ứng xử phi căn tính Cơ đốc”, là hệ quả tất yếu của trào lưu thế tục hóa. Nhiều tín đồ trẻ tuổi thờ ơ, vô cảm với gia đình, đoạn tuyệt với anh em họ hàng, tìm cách tư lợi riêng, tham gia từ thiện xã hội một cách hình thức, chủ yếu nhằm vào mục tiêu truyền giáo mà ít xuất phát từ tình cảm thực, từ đó cũng gây nên không ít nghi kị, thiếu thiện cảm trong cộng đồng xã hội.
Bên cạnh đó, sự đa dạng về thành phần dân tộc của các tín đồ Tin lành ở một mức độ nào đó đã đưa đến những hòa trộn uyển chuyển giữa bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống với văn hóa Tin lành song lại gây nên những xung đột văn hóa nhất định, đặc biệt trong lĩnh vực thờ hình tượng, thờ cúng ông bà tổ tiên - vốn là truyền thống văn hóa dân tộc mà Tin lành không đồng quan điểm. Tính chất này cũng đã dẫn đến thách thức cho công tác quản lý của Nhà nước do hầu hết tín đồ là người dân tộc thiểu số sinh sống ở những vùng địa thế gây trở ngại cho tiếp xúc của chính quyền, đồng bào lại có đời sống kinh tế - xã hội khó khăn nên dễ bị kích động, lợi dụng hay mua chuộc bởi các lợi ích vật chất từ phía các thế lực thù địch.
Tín đồ Tin lành cũng đa dạng theo thành phần xã hội
Tín đồ theo đạo Tin lành hiện nay đã mở rộng, bao gồm tầng lớp thị dân, công nhân, đồng bào dân tộc thiểu số (người dân tộc thiểu số tại chỗ và người dân tộc thiểu số di cư),... Trong số đó, tín đồ của đạo Tin lành tập trung vào tầng lớp thị dân, phân bố rộng khắp cả nước nhưng hạn chế ở vùng nông thôn, chủ yếu ở không gian sống của đồng bào dân tộc thiểu số và những vùng đô thị. Theo các số liệu được tổng hợp từ Ban tôn giáo Chính phủ, trước năm 1975, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) có 55% tín đồ thị dân, 33% tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số; tỉ
lệ này tương ứng ở Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) là 40%, 30%. Cho tới nay, đây vẫn là hai thành phần chiếm chủ yếu của tín đồ các tổ chức, hệ phái.
Hiện nay, lớp tín đồ mới có xu hướng đa dạng hơn về lứa tuổi, ngành nghề, lĩnh vực lao động đồng thời trở nên năng động hơn, quan tâm nhiều hơn đến đời sống thực tế, nhất là các vấn đề thực tế liên quan đến đời sống thế tục của cá nhân, gia đình. Đặc biệt đã xuất hiện thêm đông đảo đối tượng tín đồ sinh hoạt tại nhà, chiếm khoảng 50% số tín đồ trong các tổ chức, hệ phái Tin lành chủ lưu. Họ cho rằng sinh hoạt tại nhà với không gian nhỏ, khiến cảm giác được an toàn, được chia sẻ nhiều hơn và bớt cô đơn hơn.
Các tín đồ Tin lành có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng, một mặt do xu hướng gia tăng cơ học của dân số, một mặt do chiến lược truyền giáo, thu hút tín đồ tỉ mỉ, bài bản của các tổ chức, hệ phái và tác động từ các yếu tố khác của thời đại. Tình hình đa dạng về thành phần tín đồ, nhất là các tín đồ trí thức như giáo viên, sinh viên, học sinh, công nhân, viên chức Nhà nước,... là hệ quả tất yếu từ ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, đầu tư với nước ngoài. Giáo lí đề cao niềm tin kính của cá nhân với Đức Chúa trời, qua đó phần nào khơi dậy bản ngã cá nhân, khát vọng được thể hiện bản thân của tín đồ, nhất là đối tượng tín đồ trẻ tuổi cũng là nguyên nhân khiến cho các thành phần tín đồ Tin lành ngày càng trở nên mở rộng. Mặt khác, cơ chế dân chủ, sinh hoạt đạo gọn nhẹ, đơn giản của Tin lành vừa phù hợp với xu thế phát triển năng động của xã hội hiện đại, vừa là yếu tố thu hút ngày càng đa dạng thành phần tín đồ tham gia vào các tổ chức, hệ phái.
Đối với quản lý của Nhà nước, sự đa dạng về thành phần xã hội, cơ cấu nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính của tín đồ đòi hỏi những biện pháp tuyên truyền linh hoạt, mềm dẻo, kết hợp thuyết phục, nêu gương, biểu dương thỏa đáng. Trường hợp các tín đồ hoạt động trái pháp luật, truyền đạo trái phép thì Nhà nước cần phối hợp các cơ quan hữu quan liên quan kịp thời ngăn ngừa, xử lý.
Đối với mỗi gia đình, trong bối cảnh ngày càng nở rộ các loại hình tổ chức, hệ phái đề cao cảm xúc cá nhân, vai trò của các thiết chế xã hội thu nhỏ này đặc biệt trở nên quan trọng. Gia đình đứng trước vấn đề chú trọng bồi dưỡng các giá trị đạo đức truyền thống, vun đắp yếu tố tình cảm, quan tâm kết nối, gắn bó quan hệ nhằm có điểm tựa tinh thần vững vàng cho tín đồ. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần phối
hợp cùng nhà trường, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội định hướng cho tín đồ có các kỹ năng sống, thái độ sống đúng mực, tham gia tích cực cải thiện đời sống vật chất và chấp hành chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Nhiều môi trường tổ chức, hệ phái, nghi lễ đơn giản, cơ chế sinh hoạt dân và đặc biệt, cái tôi cảm xúc trước Chúa được quan tâm, đề cao đã khiến Tin lành hấp dẫn nhiều đối tượng tin theo. Ngược lại, chính sự phong phú về thành phần đối tượng tham gia, với nhiều quyền lợi kinh tế - chính trị - xã hội khác nhau cũng tạo nên tính đa dạng cho các tổ chức, hệ phái Tin lành