Lưu vực hệ thống sông Ba (Đà Rằng)

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường (Trang 100)

- Các miền núi lửa: là biểu hiện của quá trình phun trào macma trên bề mặt trái đất Tùy theo cách thức phun trào cũng như tính chất của vật liệu từ

6.2.6.Lưu vực hệ thống sông Ba (Đà Rằng)

Sông Ba là con sông lớn nhất vùng ven biển miền Trung, chảy qua 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và Phú Yên với diện tích lưu vực 13.900km2. Phạm vi lưu vực từ 12o55' đến 14o38' vĩ độ Bắc và 108o00' đến 109o55' kinh độ Đông. Bắc giáp sông Trà Khúc. Nam giáp sông Cái Ninh Hoà, sông Srepok. Tây giáp sông Sesan và Srepok. Đông giáp sông Kône, sông Kỳ Lộ và biển Đông.

Dòng chính sông Ba bắt nguồn từ đỉnh Ngọc Rô ở độ cao 1.549m của dãy Trường Sơn. Từ thượng nguồn đến An Khê sông chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, rồi chuyển hướng Bắc - Nam. Từ Phú Túc ra đến Biển Đông tại Tuy Hoà sông chảy theo hướng Tây - Đông. Sông có chiều dài 374km, gồm có 36 sông nhánh cấp I, 54 nhánh cấp II, 14 nhánh cấp III và 1 nhánh cấp IV. Trong đó có 3 sông nhánh cấp I ở bờ phải đáng chú ý là:

- Sông Ayun: Bắt nguồn từ đỉnh núi Krong Hơ Dung ở độ cao 1.220m, chảy theo hướng Bắc Nam, sau chuyển hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi nhập với dòng chính sông Ba tại vị trí cách thị trấn Cheo Reo khoảng 1km về phía Bắc. Sông có diện tích lưu vực 2.950km2, độ dài sông 175km.

- Sông Krong H'Năng: Bắt nguồn từ đỉnh núi Chư Tung ở độ cao 1.215m. Hướng dòng chảy tương đối phức tạp song chủ yếu là Bắc - Nam và Tây Bắc - Đông Nam rồi nhập với sông chính tại ranh giới Gia Lai và Phú Yên. Sông có diện tích lưu vực là 1.840km2, độ dài là 130km.

- Sông Hinh: Bắt nguồn từ đỉnh núi Chư H'Mu ở độ cao 2.051m. Hướng dòng chính là Tây Bắc - Đông Nam đến vĩ độ 12o5' sông chảy theo hướng Bắc - Nam rồi nhập với dòng chính tại phía trên Sơn Hòa. Sông có diện tích lưu vực là 1.040km2, độ dài là 88km.

Các sông suối thuộc lưu vực sông Ba đều hẹp và sâu, độ dốc lớn có tiềm năng lớn về thủy điện. Địa hình bị chia cắt mạnh, lưu vực sông Ba có dạng lòng máng chạy dài từ thượng nguồn đến cửa sông; phía Bắc, Đông, Nam có núi cao bao học (ở độ cao 500 - 2.000m) và chỉ được mở rộng về phía Tây Nam với cao nguyên rộng lớn Pleiku, Mang Yang, Chư Sê, mở ra biển qua vùng đồng bằng Tuy Hoà rộng hơn 2.400ha với độ cao từ 5-10m, còn vùng cửa sông và ven biển từ 0,5 - 2,0m. Lòng máng của lưu vực bị những dãy núi đâm sát ra mép sông tạo nên những thung lũng độc lập như An Khê (400 - 500 m), Cheo Reo (150 - 200m) và Phú Túc (100 - 200m).

Lưu vực sông Ba chủ yếu là đất đồi núi gồm đất xám trên đá mácma axít, đất đỏ vàng trên đá bazan và còn lại là đất phù sa, đất cát... Đất lâm nghiệp với hơn 900.000 ha chiếm 60% đất tự nhiên. Rừng thượng nguồn còn phong phú đa dạng nhiều chủng loại gỗ quí hiếm. Hiện nay nạn đốt phá rừng lấy củi, lấy gỗ, làm rẫy còn bừa bãi. Đất nông nghiệp có khoảng 350.000 ha.Trên lưu vực có hơn 1,2 triệu người sinh sống với nhiều công trình thủy lợi, thủy điện và giao thông đã được xây dựng.

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường (Trang 100)