Khái niệm vùng cao nguyên

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường (Trang 43)

- Đồng bằng Nam Bộ: là đồng bằng rộng lớn nhất nước ta, được chia thành 2 khu vực khác nhau rõ rệt là Đông Nam Bộ và Châu thổ sông Cửu Long.

3.1.1.Khái niệm vùng cao nguyên

Theo Nguyễn Trọng Hiếu, Phùng Ngọc Đĩnh [8] cao nguyên là những vùng rộng lớn trên lục địa có độ cao từ vài trăm mét hoặc lớn hơn so với mực nước biển - đại dương, tạo vách rõ ràng với các địa hình xung quanh, bề mặt bằng phẳng hoặc lượn sóng, cấu trúc địa chất đơn giản với các lớp đá trầm tích gần nằm ngang hoặc các đá phun trào.

Theo Đào Đình Bắc [2], cao nguyên chính là những đồng bằng bị nâng lên tương đối cao so với mực nước đại dương (trên 200m), với đặc điểm độc đáo là những lớp trầm tích hầu như nằm ngang hoặc chỉ bị biến vị rất yếu. Trong phần lớn trường hợp, đó là trầm tích biển, đôi khi có nguồn gốc lục địa, cũng có trường hợp là những lớp dung nham. Cũng có thể nói tới những cao nguyên núi lửa trên núi và các cao nguyên trên núi thuộc các miền khí hậu khô hạn. Đối với các cao nguyên trên núi thì đặc điểm lớp trầm tích bề mặt có thể khác: chúng có thể hình thành ở nơi trước đó là miền núi uốn nếp cao, nay đã bị hạ thấp bởi các quá trình bào mòn, xâm thực; các sản phẩm vụn được đem lấp đầy các bồn trũng giữa núi để tạp ra cảnh quan đồng bằng trên núi, trên đó vẫn còn nhô lên những dãy núi thấp bị bào mòn sâu sắc.

Các cao nguyên thường phân cách với đồng bằng lân cận qua những vách dốc rất rõ ràng và đó chính là yếu tố hình thái chủ yếu thể phân biệt cao nguyên với đồng bằng trên núi. Những vách dốc này có thể có nguồn gốc khác nhau; trong một số trường hợp chúng là những vách đoạn tầng, những trường hợp khác có thể có nguồn gốc mài mòn biển hoặc xâm thực.

Theo Vũ Tự Lập [9], ở Việt Nam chỉ có các nguyên bazan, độ cao tuyệt đối >500m, độ cao tương đối trên bề mặt <25m, tuổi trẻ (Pliôxen - Đệ tứ) nên xâm thực nước chưa kịp chia cắt.

Như vậy có thể hiểu cao nguyên là những khu vực địa hình có độ cao tuyệt đối >200m, bề mặt tương đối bằng phẳng, có vách dốc đối với các dạng địa hình thấp xung quanh. Vùng cao nguyên là khu vực rộng lớn, bao gồm nhiều cao nguyên khác nhau. Trên thế giới, vùng cao nguyên rộng lớn nhất có thể kể đến: cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc), cao nguyên Đề Can (Ấn Độ), Côlôrađô (Hoa Kỳ)...

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường (Trang 43)