- Các miền núi lửa: là biểu hiện của quá trình phun trào macma trên bề mặt trái đất Tùy theo cách thức phun trào cũng như tính chất của vật liệu từ
4.1.1.5. Hệ thống đai cao ở miền núi Việt Nam
Tại các vùng núi, do nhiệt độ giảm theo độ cao (0,6oC/100m) nên đã tạo ra sự thay đổi về cảnh quan từ chân núi đến đỉnh núi. Tuy cùng là một quy luật phân hóa phổ biến, diễn ra trên tất cả các vùng núi, nhưng do đồi núi thường bị
chia cắt mạnh mà các đai cao có diện tích tương đối nhỏ, đồng thời tính chất của mỗi đai lại phụ thuộc chặt chẽ vào vị trí, độ cao, dáng và hướng sườn của dải núi hay khối núi. Ở Việt Nam có ba đai cao trên núi như sau:
a) Đai nội chí tuyến gió mùa chân núi
Tồn tại ở độ cao từ 0-600m (miền Bắc) và dưới 900m (miền Nam), có đặc điểm là tổng nhiệt độ trên 7500oC và mùa hè nóng (nhiệt độ trung bình tháng trên 25oC), thích hợp với sinh vật chí tuyến và á xích đạo. Trong đai này có thể phân chia thành 3 á đai:
- Á đai 0-100m: ở miền Bắc chỉ có mùa đông lạnh (nhiệt độ trung bình tháng dưới 18oC), còn ở miền Nam quanh năm nóng (trên 25oC).
- Á đai 100-300m: ở miền Bắc đôi nơi có mùa đông rét (nhiệt độ trung bình tháng dưới 15oC), ở miền Nam số tháng nóng đã giảm.
- Á đai 300 -600m: ở miền Bắc nhiều nơi đã có mùa đồng rét, còn miền Nam số tháng nóng chỉ còn 5-2 tháng.
b) Đai á chí tuyến gió mùa trên núi
Tồn tại ở độ cao từ 600-2600m, với tổng nhiệt độ chỉ trên 4500oC và mùa hè mát (nhiệt độ trung bình tháng dưới 25oC), tương quan nhiệt ẩm từ hơi ẩm đến ẩm. Có thể phân chia thành 3 á đai:
- Á đai từ 600-1000m: đây là á đai mang tính chất chuyển tiếp, ở miền Bắc tính chất á chí tuyến mạnh hơn ở miền Nam, tuy nhiễn đã là chuyển tiếp thì ở miền Bắc vẫn còn một số đặc điểm của đai nội chí tuyến, nhất đất feralit đỏ vàng có thể lên đến 900m, một số loài cây nhiệt đới biên độ sinh thái rộng còn có mặt (Táu, Sến), còn ở miền Nam thì đã không còn tháng nóng trên 25oC và cũng chỉ có nhiều loài nhiệt đới dễ tính, đồng thời bắt đầu xuất hiện các loài á chí tuyến và ôn đới thuọc các họ Dẻ, Re.
- Á đai 1000-1600m: đây là á đai mang tính chất á chí tuyến điển hình, đất mùn vàng đỏ với các loài Dẻ, Re, Thông chiếm ưu thế.
- Á đai 1600-2600m: Đây là á đai mang tính chất chuyển tiếp lên đai ôn đới, do tháng nóng nhất xuống dưới 20oC, nghĩa là có mùa hạ tương đương với mùa hạ ôn đới. Tính chất chuyển tiếp thể hiện ở chỗ tổng nhiệt độ còn cao, mùa đông chưa lạnh bằng mùa đông ôn đới, chưa có băng tuyết thường xuyên và kết quả là thực bì tự nhiên vẫn chỉ là rừng á chí tuyến trên đất mùn alit.
c) Đai ôn đới gió mùa trên núi
Tồn tại ở độ cao từ 2600m trở lên, với tổng nhiệt độ xuống dưới 4500oC, quanh năm rét dưới 15oC, mùa đồng xuống dưới 5oC, thực vật ôn đới như các loài Đỗ Quyên, Lãnh Sam, Thiết Sam… chiếm ưu thế. Không cần phân ra các á đai, vì đai ôn đới ở Việt Nam chiếm một diện tích rất nhỏ và chỉ hạn chế ở một số đỉnh núi cao miền Bắc, tập trung tại dãy Hoàng Liên Sơn (Fansipan -3143m, Pu Ta Leng - 3069m, Sa Phin -2874m, Pu Luông - 2985m). Miền Nam không có đai ôn đới, vì đỉnh núi cao nhất miền Nam (Ngọc Linh - 2598m) chưa vượt quá 2600m.