0
Tải bản đầy đủ (.docx) (106 trang)

Những mâu thuẫn, xung đột liên quan đến tài nguyên tài nguyên đất

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (Trang 35 -35 )

- Đồng bằng Nam Bộ: là đồng bằng rộng lớn nhất nước ta, được chia thành 2 khu vực khác nhau rõ rệt là Đông Nam Bộ và Châu thổ sông Cửu Long.

2.4.1. Những mâu thuẫn, xung đột liên quan đến tài nguyên tài nguyên đất

Đồng bằng là khu vực có mật độ dân số cao, cư dân chủ yếu là người kinh, trình độ dân trí khá cao… Bên cạnh đó, đồng bằng là nơi tập trung các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn nhất cả nước, là vùng có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao nhất. Nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng chú nhất của vùng đồng bằng là tài nguyên đất, và thực tế cũng chỉ ra rằng hầu hết những mâu thuẫn, xung đột ở vùng đồng bằng đều xuất phát từ tài nguyên đất. Như trên đã phân tích (phần 2.3), xét trên khía cạnh không gian sống, tài nguyên đất ở đồng bằng rất hạn chế, do đó giá trị vật chất của tài nguyên đất ở đồng bằng là rất lớn. Chính điều này đã dẫn đến những xung đột mang tính đối kháng giữa các nhóm có lợi ích trong tranh chấp đất đai.

Mâu thuẫn, xung đột liên quan đến tài nguyên đất có thể kể đến một số cặp quan hệ như sau: giữa chính quyền và người dân sở hữu đất đai; giữa các doanh nghiệp khai thác đất – chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư; giữa các cộng đồng dân cư với nhau.

Ở cặp quan hệ thứ nhất, giữa chính quyền và người dân: mẫu thuẫn, xung đột nảy sinh thường xuất phát từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng tài nguyên đất, hoặc thay đổi ý nghĩa của các loại tài nguyên đất vì mục đích công (giao thông, trường học,..). Mặc dù việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất có thể diễn ra theo đúng trình tự của pháp luật, đảm bảo sự minh bạch thì xung đột vẫn có thể nảy sinh. Điều này có nguyên nhân từ việc định giá đền bù của luật không theo sát thực tiễn, dẫn đến người dân bị thua thiệt trong quá trình bị thu hồi đất. Cùng với đó là sinh kế của cộng đồng sở hữu tài nguyên đất bị de dọa mà không có sự đảm bảo từ chính quyền khi thực hiện chuyển đổi hoặc thay đổi ý nghĩa của tài nguyên đất.

Ở cặp quan hệ thứ hai, giữa doanh nghiệp - chính quyền địa phương với cộng đồng dân cư: mâu thuẫn, xung đột nảy sinh do sự thiếu công bằng trong việc thụ hưởng lợi ích từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đây là vấn đề gây bức xúc rất lớn trong nhân dân không chỉ những người trực tiếp sở hữu đất đai bị thu hồi mà toàn bộ cộng đồng có liên quan. Việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang các mục đích khác như: đất ở, đất chuyên dùng làm tăng giá trị của đất lên nhiều lần, nhưng những người dân sở hữu đất lại không được hưởng lợi tương ứng. Trong khi đó chính quyền địa phương với vai trò trung gian trong giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân lại thường nghiêng về lợi ích của các doanh nghiệp (thường là vì những nguồn lợi bất chính). Chính vì vậy xung đột này thường trở thành xung đột giữa người dân và chính quyền địa phương thay vì với doanh nghiệp.

Tóm lại, mặc dù xung đột về tài nguyên đất có thể xảy ra ở nhiều cặp quan hệ khác nhau, nhưng quan trọng và nổi cộm nhất vẫn là xung đột giữa người dân và chính quyền. Hầu hết người dân ở các địa phương thường không được biết thông tin rõ ràng về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cũng như tiến trình thực hiện Quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất ở địa phương mình. Có thể nói, người dân bị đứng ngoài cuộc và không được tham gia đóng góp ý kiến của mình trong toàn bộ quá trình lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là các trường hợp liên quan tới việc thu hồi đất của họ để thực hiện các dự án. Kết quả là ở nhiều nơi quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất không phù hợp với thực tế. Ngoài việc gây lãng phí tài nguyên đất, vấn đề trên còn gây tác động tiêu cực tới sinh kế của người dân. Những thực tế về"quy hoạch treo" và "sự đánh đổi

bằng mọi giá" của chính quyền địa phương... đã làm cho cuộc sống của họ bị đảo lộn, bấp bênh kéo theo những xung đột xã hội là hệ lụy tất yếu.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (Trang 35 -35 )

×