CÁC DẠNG TÀI NGUYÊN CƠ BẢN Ở MIỀN NÚI VÀ TRUNG DU

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường (Trang 69)

- Các miền núi lửa: là biểu hiện của quá trình phun trào macma trên bề mặt trái đất Tùy theo cách thức phun trào cũng như tính chất của vật liệu từ

4.3.CÁC DẠNG TÀI NGUYÊN CƠ BẢN Ở MIỀN NÚI VÀ TRUNG DU

4.3.1. Tài nguyên khoáng sản

Miền núi và trung du là khu vực có chủng loại và trữ lượng tài nguyên khoáng sản lớn nhất cả nước. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Mặc dù chủng loại rất phong phú, tuy nhiên trữ lượng khoáng sản nhiều loại ở mức thấp, khó có khả năng khai thác công nghiệp. Về chủng loại có thể kể đến một số nhóm cơ bản:

- Khoáng sản kim loại: sắt phân bố rộng khắp trong cả nước (Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Lào Cai, Cao Bằng…); Mangan (Trùng Khánh - Hạ Lang, Tuyên Quang, Hà Giang, Nghệ An, Quảng Bình; Crôm (Núi Nưa - Thanh Hóa); Titan gốc (Phú Lương - Thái Nguyên); Đồng (Lào Cai, Bà Vì - Hà Tây, Phù Yên - Sơn Là); Chì - Kẽm (Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai….); Thiếc (Cao Bằng) ngoài ra còn có các loại Vonfram, Molipđen, các loại khoáng sản kim loại quý (vàng, bạc….) cũng phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi.

- Khoáng sản phi kim loại: Đá quý (rubi, saphir) (lưu vực sông Hồng, Mã và Tây Nguyên); Apatit (Lào Cai); Photpho (Lạng Sơn), Baryt (Bắc Giang), Vật liệu xây dựng…

- Khoáng sản năng lượng: than đá (Quảng Ninh, Thái Nguyên…), Urani (Thái Nguyên, Lào Cai…).

Vấn đề quan trọng đối với việc sai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam nói chung và khu vực trung du, miền núi nói riêng đó là: nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm và bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo lợi ích cho cộng đồng địa phương.

4.3.2. Tài nguyên đất

Ở miền núi và trung du nước ta, tài nguyên đất rất phong phú và đa dạng, phân bố theo quy luật địa đới và quy luật phi địa đới. Trong đó, nhóm đất feralit đỏ vàng: là hạt nhân của đất địa đới (47,1% diện tích), có thể chia thành một số loại:

- Đất feralit đỏ vàng trên đá biến chất và đá sét: loại đất này phát triển trên đá mẹ giàu sét (philit, gơnai, đá phiến kết tinh…) nên thành phần cơ giới nặng, kém tơi xốp. Diện tích loại đất này lên tới 6,8 triệu ha, tập trung ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Tây Bắc, vùng trung du Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang.

- Đất feralit đỏ vàng trên đá macma axit: địa hình đá macma axit thường có sườn dốc trên 25o, đá giàu thạch anh khó phong hóa, nên tầng đất thường mỏng, thành phần cơ giới trung bình, lớp đất mặt có thể nhẹ do bị rửa trôi. Đất nghèo mùn, lân và có phản ứng chua. Ở vùng đồi núi nước ta, loại đất này hầu hết đã bị xói mòn nghiêm trọng, cần phải có biện pháp bảo vệ. Tổng diện tích khoảng 4,6 triệu ha.

- Đất feralit vàng nhạt trên đá cát: các đá cát (cát kết, quaczit, đá phiến silic) có tỷ lệ Si cao hơn đá macma axit, nên càng khó phong hóa hơn, tầng đất rất mỏng, thành phần cơ giới nhẹ, từ cát đến cát pha. Đất dốc, bị rửa trôi mạnh, mầu nhạt dần, có thể xám trắng, chua, nghèo, khô hạn. Tổng diện tích khoảng 2,6 triệu ha.

- Đất feralit biến đổi do trồng lúa. Loại đất này hình thành trên các ruộng bậc thang miền núi. Việc giữ nước trong thời gian dài, cày bừa thường xuyên đã làm biến đổi sâu sắc đất feralit đồi núi trước kia. Đất mất cấu trúc, mùn bị giảm, glây xuất hiện, kết von được hình thành, có nơi thành tầng cát thạch anh.

Ngoài ra đất địa đới, còn có thể gặp một số loại điển hình ở miền núi đá vôi.

- Đất đen trên đá vôi: thường gặp ở các thung lũng karst miền Bắc (Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu), trong phẫu diện gặp nhiều mảnh

đá vụn chưa phong hóa. Do đó có thể nói đất đen là đất trẻ mới hình thành, quá trình rửa trôi chưa mang hết các chất kiềm, nói cách khác là tốc độ giải phóng bazơ do phong hóa còn đang cao hơn tốc độ rửa trôi do nước.

- Đất đỏ nâu trên đá vôi: loại đất này giàu mùn, đạm và có cấu tượng tốt, thích hợp cho việc trồng ngộ, đậu tương. Tùy địa thế, vị trí mà đất có màu sắc khác nhau. Nơi dốc, thoát nước, có màu đỏ nâu; nơi ẩm hơn có màu vàng; nơi khô và giàu mùn thành đất nâu; dưới thung lũng thấp có màu đen. Phân bố chủ yếu ở Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn và dải đá vôi Tây Bắc (từ Phong Thổ đến Mộc Châu), Phong Nha - Kẻ Bàng.

Về tài nguyên đất theo đai cao ở miền núi: chúng ta biết rằng quá trình feralit chỉ mạnh ở vùng đồi núi thấp, thoải vùng trung du, tại đây lớp vỏ phong hóa dày và có đá ong. Khi lên các khu vực núi cao, dốc, khí hậu lạnh, ẩm thì cường độ phong hóa và phân giải chất hữu cơ giảm xuống, đất mỏng, không có đá ong và ngả sang màu vàng của vùng á chí tuyến, hàm lượng mùn tăng và đến độ cao 1000m trở lên thì sang quá trình alit. Từ 600-1000m có đất feralit mùn, nghĩa là quá trình feralit còn rõ, nhất là ở miền nam. Từ 1000-1600m là đất mùn -feralit, quá trình mùn đã trở thành chủ đạo, nhưng vẫn thấy có sự tích lũy sắt, đất còn có mầu vàng đỏ. Từ 1600 đến 2600m quá trình feralit chấm dứt hoàn toàn, dưới tầng mùn là tầng tích lũy nhôm mầu trắng của quá trình alit, ta có đất mùn alit. Trên 2600m chỉ là các đỉnh núi cao ở miền Bắc (thuộc Hoàng Liên Sơn, Pusilung) kí hậu ôn đới núi cao, rét quanh năm, quá trình phong hóa yếu. Chỉ có những nơi có thực vật là tạo được một lớp mùn thô dạng than bùn, bám lên tầng đá mẹ đang phong hóa. Do đó từ đai á chí tuyến gió mùa ẩm lên đai ôn đới gió mùa ẩm trên núi ta gặp các nhóm đất sau:

- Đất feralit vàng đỏ trên núi thấp: phát triển trên đủ các loại nham thạch, nhưng do quá trình tích lũy mùn trội hơn các quá trình hình thành đất khác, nên sự phân hóa theo nham không mạnh. Hàm lượng mùn có thể tới 5-8%. Đặc biệt đã xuất hiện tầng thảm mục chưa phân giải triệt để, tầng Ao. Đất ẩm, trên mặt là tầng đất màu xám đen của mùn, xuống dưới có màu vàng, vàng đỏ, đỏ, đỏ nâu hay đỏ vàng. Phản ứng đất chua do axit mùn, độ PH xấp xỉ 4, đất nghềo cation kiềm, khả năng trảo đổi thấp. Tổng diện tích khoảng 3 triệu ha, thuận lợi cho việc trồng rau quả ôn đới, cây dược liệu… và trồng rừng.

- Đất mùn alit trên núi trung bình và núi cao: từ độ cao 1600m trở lên khí hậu rét và rất ẩm, thực vật á chí tuyến và ô đới chiếm ưu thế rõ rệt, đã xuất hiện

nhiều loài lá kim, chủ yếu là thiết sam và lãnh sam mọc thuần hay hỗn giao với cây lá rộng, thường là Đỗ quyên. Đặc biệt là rêu và địa y đã nên một tầng riêng, vừa phủ kín mặt đất, vừa phủ trên thân và cành cây, hình thành kiểu rừng độc đáo mang tên là rừng rêu hay rừng mây mù. Phù hợp với điều kiện sinh - khí hậu này là nhóm đất mùn alit.

+ Đất mùn alit trên núi trung bình: diện tích đất mùn alit không đáng kể, chỉ chiếm 0,89% diện tích đất Việt Nam (280.000 ha). Đất rất mỏng, xuống qua tầng mùn có nơi gặp ngay tầng C đang kaolinit hóa, mầu trắng, không có tầng B. Hàm lượng mùn tầng mặt có thể đến 8-12%. Đất mùn alit trên núi trung bình có phản ứng chua, độ PH xấp xỉ 4, thành phần cơ giới nhẹ, do các đỉnh núi thường là đá xâm nhập granit. Khả năng trao đổi và hàm lượng kiềm trao đổi cũng thấp.

+ Đất mùn thô than bùn trên núi cao: tồn tại trên các đỉnh núi cao (3000m). Dưới lớp thảm mục là lớp mùn thô than bùn dày 50-60cm, ẩm ướt, bên dưới là đá mẹ granit phong hóa yếu mầu trắng.

Ngoài những loại đất kể trên, ở khu vực trung du, miền núi còn có đất thung lũng, với diện tích khoảng 379.000 ha, phân bố dọc các thung lũng trung và hạ lưu các con sông chảy qua vùng đồi núi: sông Lục Ngạn, sông Lô, sông Đà, sông Hiếu, sông Gianh, sông Thu Bồn, sông Ba, sông Đồng Nai….

Tóm lại, tài nguyên đất ở vùng núi và trung du rất phong phú và đa dạng, lớn nhất là loại đất feralit đỏ vàng (phổ biến ở vùng trung du, đồi núi thấp), phù hợp với các loại cây công nghiệp. Tuy nhiên do lớp phủ thực vật tự nhiên đã mất, do vậy vấn đề sử dụng, cải tạo và chống xói mòn đất ở miền núi và trung du là quan trọng nhất.

Ở khía cạnh thứ hai, tài nguyên đất vùng núi và trung du cũng rất hạn chế. Bởi lẽ, mặc dù chiếm 3/4 diện tích cả nước, dân số ít (25% dân số), nhưng do điều kiện bề mặt địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn. Do đó, không gian dành cho phát triển kinh tế, định cư còn lại rất ít. Để có được không gian cho sản xuất, xây dựng,….con người cần phải cải tạo cảnh quan (san đồi, núi và lấp thung lũng,…), điều đó gây tác động trực tiếp đến cảnh quan và môi trường vùng núi và trung du.

4.3.3. Tài nguyên nước

Nước là nguồn tài nguyên có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Tài nguyên nước được hiểu là lượng nước trong sông, ao hồ, đầm lầy, biển, đại dương và trong khí quyển. Theo luật tài nguyên

nước Việt Nam năm 2013 [11] Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước mặt là nước tồn tại trên mặt đất liền hoặc hải đảo. Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất.

Tài nguyên nước ở vùng núi và trung du nước ta có sự phân hóa khá rõ. Nhìn chung tài nguyên nước ở vùng núi và trung khá phong phú, tuy nhiên có sự phân hóa theo mùa rất rõ rệt.

4.3.3.1. Tài nguyên nước mưa

Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, với lượng mưa trung bình nhiều năm khoảng 1960mm [14], Có sự phân hóa rõ theo không gian Các vùng núi và trung du ở Việt Nam (Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ), là những khu vực có lượng mưa lớn nhất cả nước: Bắc Quang - Hà Giang (>4000mm); Hoàng Liên Sơn (>3000mm), Mường Tè (2600mm); Tam Đảo (2600mm); Hoành Sơn (3500-4000mm), Trà Mi - Ba Tơ (2600 - 3400mm), A Lưới - Nam Đông (xấp xỉ 3000mm) [14]. Vùng có lượng mưa lớn kéo dài từ vĩ tuyến 15oB đến 16oB (vĩ độ nước). Ngoài ra, miền núi và trung du cũng sở hữu những khu vực có lượng mưa thấp nhất cả nước do địa hình khuất gió hoặc song song với hướng gió: An Châu 1000-1200mm; Chi Lăng - Lạng Sơn (470mm); Thác Vai (391 mm), Tương Dương: 1200mm… (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Bên cạnh đó, phân bố mưa theo thời gian cũng có sự biến đổi rất lớn và chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô (miền Nam) hay mùa ít mưa (miền Bắc). Về chế độ mưa, miền núi và trung du phía bắc, Nam Bộ và Tây Nguyên mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10; Khu vực Trung Bộ mùa mưa bắt đầu muộn hơn, từ tháng 9 đến tháng 12. Trong mùa mưa lượng mưa chiếm khoảng 70-90% tổng lượng mưa cả năm.

Nước mưa là nguồn tài nguyên quý giá cho đời sống và sản xuất, tuy nhiên lương mưa lại tập trung chủ yếu trong một mùa, dẫn đến tình trạng lũ, lụt vào mùa mưa và thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô, đặc biệt tại vùng sơn nguyên đá vôi Đồng Văn - Hà Giang. Vấn đề này đặt ra thách thức lớn đối với việc quản lý và sử dụng hợp nguồn tài nguyên quý giá này.

4.3.3.2. Tài nguyên nước sông ngòi

Ở vùng núi, trung du Bắc Bộ, có mạng lưới sông ngòi khá dày đặc, đây là khu vực thượng lưu và trung lưu của tất cả các hệ thống sông lớn trong khu vực: hệ thống sông Hồng - Thái Bình (sông Hồng, Đà, Cầu, Chảy,…), Bằng Giang -

Kỳ Cùng. Tài nguyên nước trong khu vực khá phòng phú. Lượng dòng chảy toàn phần 948mm, lượng nước ngầm 345mm, lượng trữ ẩm 1124mm, chúng tương ứng với khối lượng nước. Dòng chảy sông sông ngòi 93 tỷ m3, dòng chảy ngầm 35 tỷ m3 và nước trong đất là 120 tỷ m3 [14]. Do sự tập trung của lũ, dòng chảy mặt đạt 594mm ứng với 58 tỷ m3 nước. Mức đảm bảo nước sông ngòi và nước ngầm tính theo đầu người là 11,6 nghìn m3 và 4,4 nghìn m3 trong năm. Bên cạnh đó trong vùng còn có nhiều hỗ trữ nước lớn: Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang… góp phần điều hòa nguồn nước trong khu vực.

Vùng núi và trung du Bắc Trung Bộ, đây là vùng có độ giàu về nước đứng thứ 2 cả nước (sau ĐBSCL). Lớp dòng chảy sông bằng 1338mm, dòng ngầm 424mm, lượng trữ ẩm 1026 mm ứng với khối lượng 69 tỷ m3, 22 tỷ m3 và 63 tỷ m3. Mức đảm bảo được tính theo đầu người, dòng chảy sông là 9,3 nghìn m3 và 3 nghìn m3 dòng chảy ngầm. Mức độ tập trung dòng chảy mặt cao lên tới 914mm tương ứng 47 tỷ m3, chiếm 63% dòng chảy toàn phần nói lên sự đe dọa của nạn lụt. Lũ ở đây tuy mạnh nhưng ngắn, do đó ngập ít khi kéo dài.

Vùng núi và trung du Nam Trung Bộ, đây là vùng thuận lợi về tài nguyên nước. Về khối lượng nước các loại gồm 68 tỷ m3 dòng chảy sông, 19 tỷ m3 dòng chảy ngầm và 40 tỷ m3 nước trong đất ứng với các lớp dòng chảy 1524mm, 424mm và 900mm.

Vùng trung du ở Đông Nam Bộ nhìn chung nghèo nước, trong vùng đã xây dựng một số công trình thủy lợi lớn: Dầu Tiếng, Trị An.

4.3.4. Tài nguyên khí hậu

Khí hậu là tài nguyên đặc biệt, sự phân hóa các yếu tố khí hậu sẽ tạo điều kiện cho việc đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch.

Do tác động của yếu tố địa hình, nên khí hậu vùng núi và trung du có những thế mạnh riêng. Với độ cao có khi lên đến trên 2000m, nhiều khu vực ở Hoàng Liên Sơn, Tam Đảo, Mẫu Sơn, Ngọc Linh có khí hậu ôn đới núi cao. Đây là điều kiện rất tốt để khai thác du lịch, đa dạng hóa nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ôn đới (rau, củ quả, hoa… vùng ôn đới).

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, miền núi là khu vực chịu tác động khá mạnh, biểu hiện qua các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn, không theo chu kỳ. Hơn nữa, miền núi và trung du là địa bàn cư trú của rất nhiều đồng bào dân tộc ít người, khả năng "tự vệ" trước thiên nhiên

còn hạn chế. Do đó những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với miền núi trong những năm gần đây là rất lớn.

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường (Trang 69)