Mưa, bão, lụt, triều cường, ngập mặt và nước biển dâng

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường (Trang 41)

- Đồng bằng Nam Bộ: là đồng bằng rộng lớn nhất nước ta, được chia thành 2 khu vực khác nhau rõ rệt là Đông Nam Bộ và Châu thổ sông Cửu Long.

2.6.1.Mưa, bão, lụt, triều cường, ngập mặt và nước biển dâng

Đồng bằng ở Việt Nam đều nằm sát biển do vậy những tác động của biển biểu hiện rất rõ rệt, bên cạnh những tác động tích cực là những tác động tiêu cực với hậu quả rất nặng nề.

- Mưa, Bão: Biển Đông Việt Nam nằm trong khu vực có tần xuất hoạt động của các xoáy thuận nhiệt đới rất cao, hàng năm có từ 8-10 cơn bão (chưa kể các áp thấp nhiệt đới) đổ bộ vào biển Đông, trong đó có từ 3-4 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào vùng đất liền Việt Nam. Khi bão đổ bộ, vùng đồng bằng: Duyên hải Miền Trung, ĐBSH (ĐBNam Bộ ít chịu ảnh hưởng của bão) là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (đặc biệt là dải đồng bằng duyên hải miền trung): gió mạnh, mưa lớn gây đổ nhà cửa, cây cối,ngập lụt phá hủy ruộng vườn, hoa mầu….

- Lũ, lụt: Do độ cao thấp, nằm ở hạ lưu các con sông, đồng thời cư dân trù mật, nhiều công trình xây dựng…. làm hạn chế tốc độ thoát nước tự nhiên. Vì vậy khi mưa lớn, vùng đồng bằng rất dễ ngập lụt. ĐBSCL là vùng đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hiện tượng này, do khu vực này không có hệ thống đê bao hoàn chỉnh giống như ĐBSH cho nên hàng năm đều có một mùa nước lụt. Ngập lụt gây khó khăn cho sản xuất, giao thông, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Hiện tượng lũ ít xảy ra ở ĐBSH và ĐBSCL, nhưng khá phổ biến ở dải đông bằng duyên hải Miền Trung do địa hình hẹp ngang, hệ thống sông ngắn dốc, mức độ tập trung nước lớn, nên khi có mưa lớn, cường độ cao sẽ dễ dấn đến hiện tượng lũ cho vùng hạ lưu.

- Triều cường và xâm ngập mặn: đây là hiện tượng nước biển dâng lên (thủy triều, sóng, bão…) theo các con sông xâm nhập sâu vào trong đất liền khi lượng nước ngọt chảy ra biển yếu (đặc biệt vào mùa khô). Hiện tượng này rất phổ biến, và có tác động mạnh đến vùng ĐBSCL bởi khu vực này có kiểu khí hậu cận xích đạo, mùa khô biểu hiện sâu sắc, độ cao tuyệt đối thấp. Ở dải đồng bằng duyên hải, và ĐBSH ít bị tác động hơn, đo địa hình cao hơn, mùa khô không sâu sắc…

- Nước biển dâng: trong bối cảnh nóng lên toàn cầu hiện nay, các vùng đồng bằng Việt Nam được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Theo kịch bản nước biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2009) [5].

Nếu mực nước biển dâng 1m (theo kịch bản cao) sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, khoảng 90% diện tích trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ngập hoàn toàn, 4,4% lãnh thổ Việt Nam bị ngập vĩnh viễn, đồng nghĩa với khoảng 20% xã trên cả nước, 9.200 km đường bộ bị xóa sổ...

Một phần của tài liệu Giáo trình quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường (Trang 41)