0
Tải bản đầy đủ (.docx) (106 trang)

Tài nguyên đất

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (Trang 27 -27 )

- Đồng bằng Nam Bộ: là đồng bằng rộng lớn nhất nước ta, được chia thành 2 khu vực khác nhau rõ rệt là Đông Nam Bộ và Châu thổ sông Cửu Long.

2.3.1. Tài nguyên đất

Tài nguyên đất được xét đến trên các khía cạnh cơ bản sau: thứ nhất, đất là môi trường sản xuất và sinh sống của các loài sinh vật (đặc biệt là thực vật); thứ hai đất là giá thể để xã hội loài người tồn tại và phát triển – không gian sống. Ở vùng đồng bằng Việt Nam, đất là loại tài nguyên quan trọng nhất. Nó là nguồn lực trực tiếp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực này.

Trên khía cạnh thứ nhất, ở đồng bằng, tài nguyên đất rất dạng, tuy nhiên quan trọng nhất phải kể đến nhóm đất phù sa. Nhóm đất này bao gồm các bồi tích sông, không chịu ảnh hưởng của biển, không có tầng phèn tiềm tàng hay hoạt động. Diện tích khoảng 3,4 triệu ha (chiếm 10,8% diện tích đất Việt Nam). Độ phì nhiêu của đất phụ thuộc vào đặc tính phù sa các sông bồi đắp nên châu thổ. Các sông lớn, có lưu vực rộng, sông đào lòng sâu qua nhiều lớp đất đá, dòng chảy cũng qua nhiều vùng nham thạch khác nhau, đồng thời tập trung nước và phù sa của nhiều phụ lưu, thường có phù sa trung tính hoặc ít chua, độ cao no bazơ khá, đất có mầu nâu tươi, đó là trường hợp của sông Hồng và sông Cửu Long. Các sông nhỏ, lưu vực hẹp, nhất là sông miền Trung chảy qua các đá hỗn hợp hoặc macma axit, có phù sa chua, nghèo, mầu nhạt, xám nâu hoặc xám. Đất phù sa ở đồng bằng có thể chia thành 4 loại: đất phù sa trung tính và ít chua, đất phù sa chua, đất glây và đất lầy.

- Đất phù sa trung tính và ít chua (pH = 7,5-5,5), có diện tích 226.000 ha phân bố chủ yếu tại châu thổ sông Hồng, dọc hai sông Tiền và sông Hậu. Đất là vốn đất quý nhất, tuy nhiên đây là khu vực có mật độ dân cư đông, nhiều đô thị, cho nên diện tích bị thu hẹp nhanh (phục vụ cho các hoạt động phi nông nghiệp).

- Đất phù sa chua: bao gồm đất bồi tích của sông Thái Bình, tất cả đất của đồng bằng duyên hải miền Trung, tại châu thổ sông Cửu Long thì bọc lấy dải đất phù sa trung tính ít chua. Có diện tích lên tới 1,666 triệu ha. Là loại đất có thành phần cơ giới nặng, tỷ lệ sét 20-50%, đất chặt, có mầu nâu nhạt đến xám, dễ bạc mầu. Trong quá trình khai thác cần chú ý cải tạo để nâng cao độ phì, giảm chua.

- Đất glây: hình thành tại những nơi thấp, đọng nước trong thời gian dài (> 6tháng), mực nước ngầm gần mặt đất. Đất rất chua (pH = 4), bí, mầu xám xanh, thành phần cơ giới nặng, mùn trung bình (2-4%), đạm và kali trung bình, nghèo lân. Chiếm diện tích khoảng 450.000 ha, phân bố chủ yếu ở ĐBSH, Bắc Trung Bộ, rải rác ở duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Loại đất này cần cải tạo bằng cách tháo nước tiêu úng, cầy lật cho thoáng khí, bón vôi và lân, nên canh tác 1 vụ lúa và một vụ thủy sản.

- Đất lầy: có diện tích khoảng 43.000 ha, tập trung ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, nằm giữa vùng đồi gò chân núi và dải cồn cát ven biển, ở đồng bằng Bắc Bộ thấy ở ô trũng Hà – Nam – Ninh. Đất có đặc tính rất chua (pH = 4), có nhiều độc tố với cây trồng, giàu đạm, nghèo lân và kali, tỷ lệ mùn từ 4-8%.

Bên cạnh nhóm đất phù sa, ở đồng bằng còn phổ biến nhóm đất phèn, đây là nhóm đất quan trọng vì diện tích lên tới 1,863 triệu ha (5,92% diện tích toàn quốc). Phân bố chủ yếu ở châu thổ sông Cửu Long, ở châu thổ sông Hồng xuất hiện ở duyên hải Hải Phòng, Thái Bình. Đất phèn thường hình thành ở vùng cửa sông ven biển, sau rừng ngập mặn, khi đất đã cao lên, thoát ngập nước thường xuyên và có điều kiện ôxy hóa, đất mặn sú, vẹt, đước chính là đất phèn tiềm tàng. Vì thế khi chặt phá rừng ngập mặn để nuôi tôm hay canh tác mà không đúng kỹ thuật sẽ làm cho đất hóa phèn nhanh chóng, vừa không đạt hiệu quả kinh tế, vừa làm mất vốn rừng ngập mặn. Khi rừng tràm tự nhiên thay thế rừng ngập mặn, thì trong rừng tràm thường có tầng than bùn có khả năng giữ chặt các ion Al, hạn chế sự hình thành phèn, đồng thời than bùn giữ ẩm cho đất trong các tháng khô cũng hạn chế quá tringh ôxy hóa, tầng pyrit luôn luôn nằm trong tình trạng khử cũng không hình thành sunfat sắt, nói cách khác phèn được giữ lại ở dạng tiềm tàng vô hại. Phá rừng tràm, khai thác than bùn sẽ mở rộng diện tích đất phèn hoạt động.

Ngoài ra, vùng đồng bằng còn một số nhóm đất đáng chú khác, đó là: đất mặn – tổng diện tích khoảng 1,272 triệu ha; nhóm đất cát – 533.000 ha; đất xám bạc màu trên phù sa cổ (1,2 triệu ha) - phát triển trên các thềm phù sa cổ (15-

20m), tập trung nhiều ở Đông Nam Bộ (0,9 triệu ha), rìa châu thổ sông Hồng, duyên hải nam trung bộ, rìa châu thổ sông Cửu Long.

Tóm lại, đất là tài nguyên quan trọng bậc nhất ở vùng đồng bằng, việc sử dụng, cải tạo, bảo vệ hợp lý nguồn tài nguyên này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với không chỉ sự phát triển của vùng đồng bằng mà còn với vấn đề an ninh lương thực của cả nước.

Ở khía cạnh thứ hai, tài nguyên đất vùng đồng bằng lại rất hạn chế. Bởi lẽ vùng đồng bằng chiếm 1/4 diện tích cả nước, nhưng lại là nơi sinh sống của khoảng 75% dân số. Hơn nữa đây là nơi tập trung các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra rất mạnh, trong khi diện tích đất chưa sử dụng có thể mở rộng còn rất ít. Điều đó dẫn đến không gian sống, sản xuất trong khu vực đồng bằng ngày càng bị thu hẹp. Đối với ĐBSH, tính đến thời điểm năm 2009 (theo số liệu của Tổng cục thống kê), tổng diện tích đất tự nhiên là 2106,3 nghìn ha, trong đó đất nông nghiệp là 794,7 nghìn ha (37,7%), đất lâm nghiệp là 461,2 nghìn ha (21,9%), đất chuyên dùng và đất ở là 423,9 nghìn ha (20,1%), đất chưa sử dụng chiếm 20,2%. Vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên 4051,9 nghìn ha, trong đó đất nông nghiệp là 2550,7 nghìn ha, đất lâm nghiệp là 331,4 nghìn ha, đất chuyên dùng và đất ở là 352,8 nghìn ha, đất chưa sử dụng chiếm 20,2% tương đương 817 nghìn ha. Ở đồng bằng Đông Nam Bộ, diện tích đất chưa sử dụng chiếm 8,1% diện tích, tương đương 191,7 nghìn ha. Tại khu vực đồng bằng duyên hải chúng ta cũng thấy tình trạng tương tự. Mặc dù diện tích đất chưa sử dụng của 2 đồng bằng lớn (ĐBSH và ĐBSCL) còn trên 20%, tuy nhiên đây là những vùng đất lầy thụt, nhiễm mặn, đất cát… rất khó cải tạo và cần có thời gian dài.

Chính vì vậy có thể thấy rằng tài nguyên đất ở đồng bằng mặc dù rất phong phú về chủng loại nhưng lại đang trong tình trạng suy giảm cả về số lượng và chất lượng.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (Trang 27 -27 )

×