0
Tải bản đầy đủ (.docx) (106 trang)

Tài nguyên sinh vật

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (Trang 31 -31 )

- Đồng bằng Nam Bộ: là đồng bằng rộng lớn nhất nước ta, được chia thành 2 khu vực khác nhau rõ rệt là Đông Nam Bộ và Châu thổ sông Cửu Long.

2.3.4. Tài nguyên sinh vật

Các con sông vùng đồng bằng đã tạo ra nhiều dạng sinh cảnh tự nhiên, thay đổi từ các bãi thuỷ triều, giồng cát và đầm lầy ngập triều ở vùng đồng bằng ven biển, các vùng cửa sông, cho đến vùng ngập lũ, các khu trũng rộng, đầm lầy than bùn, các dải đất cao phù sa ven sông và bậc thềm phù sa cổ nằm sâu trong nội địa.

Các vùng đất ngập nước bị ngập theo mùa hoặc thường xuyên chiếm một diện tích lớn ở ĐBSCL, ĐBSH. Những vùng này có chức năng kinh tế và sinh thái quan trọng. Các vùng đất ngập nước là một một trong những hệ sinh thái tự nhiên phong phú nhất. Trong các vùng đất ngập nước ở đồng bằng, có thể xác định được 2 hệ sinh thái tự nhiên.

- Hệ sinh thái rừng ngập mặn: phát triển ở vùng rìa ven biển trên các bãi lầy mặn. Ở Việt Nam loại rừng này chiếm diện tích lên tới 450.000 ha, trong đó lớn nhất là khu vực ĐBSCL (300.000 ha). Ở phía Bắc, do có mùa đông lạnh, đồng thời các vùng cửa sông hẹp, nên diện tích rừng ngập mặn chỉ khoảng 80.000ha. Khu vực đồng bằng duyên hải ít bãi lầy ven biển, các cồn cát chiếm

diện tích lớn nên tổng diện tích chỉ khoảng 50.000 ha [9]. Đây là loại rừng có sinh khối và năng suất sinh học ngang với rừng rậm nội chí tuyến gió mùa ẩm thường xanh, đặc biệt là sinh khối động vật nước lợ.

Về thực vật, các loài đặc trưng có thể kể đến: ở Miền Bắc là Mắm đen, Sú, Đâng, Trang, Vẹt dù, Su, Giá, Tra, Cóc..; ở Miền Trung là: Mắm, Đâng, Trang, Sú, Vẹt, Bần, Ôrô. Từ phía nam đèo Hải Vân, thành phần rừng ngập mặn phong phú hơn, thân cao hơn (4-5m), Đước chiếm ưu thế, tiếp theo là Vẹt dù, Vẹt tách, Côi, Cóc đỏ, Dà vôi, Tra, Giá….; ở Miền Nam, rừng ngập mặn có sinh khối và thành phần loài đa dạng nhất, với các loài cây: Đước (30m), Vẹt, Dà vôi, Dà quánh, Cóc trắng, Cóc đỏ, Cui biển, Giá, Tra, …..

Về động vật, cũng có sự khác biệt giữa các vùng, nhìn chung ở phía Nam phong phú và đa dạng hơn. Có nhiều loại có giá trị kinh tế cao: Hầu, Sò, Ngao, Phi, Ngán, Don, Sá Sùng, Bào ngư, Trai ngọc, Tôm, Cua bể, Ghẹ, cá… Các loài chim bản địa, di cư (150 loài): Bồ nông chân hồng, Mòng biển đầu đen, Cò thìa, Cò trắng Trung Quốc, Choắt chân màng, Choi choi mỏ thìa, Sếu….Các loài thú: khỉ, sóc, chuột, lợn rừng, rái cá, mèo cá,….

- Hệ sinh thái rừng tràm: được hình thành tại những vùng trũng, úng nước sau rừng ngập mặn. Diện tích rừng tràm rộng nhất ở U Minh (Cà Mau, Kiên Giang), lên tới 120.000ha, tiếp đó là Đồng Tháp Mười. Cây tràm ở U Minh cao tới 20m, thân thẳng, vỏ nhẵn thường được sử dụng làm cột nhà, xẻ ván, lấy lá cất tinh dầu,…. các loài mọc xen có Mật cất, Bí bái, Sắng, Nang, Mốp, Dớn… Ở phía Bắc, rừng tràm ít phát triển, cây thấp bé (4-5m), thân vặn vẹo… (rừng tràm Quảng Bình).

Về động vật, rừng tràm có quần xã động vật bao gồm cả sinh vật dưới nước và trên cạn, với đặc trưng là những sân chim. Tùy vào tỷ lệ đất – nước và mức độ ngập úng định kỳ hoặc thường xuyên, mà thành phần quần xã động vật thay đổi tùy nơi. Rừng tràm U Minh có nhiều động vật trên cạn hơn rừng tràm Đồng Tháp Mười - chỉ là những khóm nhỏ trên vùng nước mênh mông. Hệ động vật dưới nước ở Đồng Tháp Mười thuộc khu hệ Ấn Độ - Mã Lai. Đã ghi nhận được 159 loài cá, trong đó có 51 loài có giá trị kinh tế: Chép, Bống trắng, Nheo, Ngạnh, Trích, Đối… Đồng Tháp Mười và U Minh có nhiều loài chim định cư hoặc di cư, tập trung nhất vào mùa khô: vịt trời (20.000 – 30.000 cá thể), Cốc, Cò bợ, Cò trắng, Diệc lửa, Choắt, Sếu cổ trụi. Ngoài ra còn số ít các loài bò sát (rắn, trăn, rùa), cá sấu; thú: chuột, sóc, khỉ, rái cá….

Tóm lại tài nguyên sinh vật vùng đồng bằng rất phong phú, đa dạng là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, đặc biệt là nông nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, tình trạng khai thác bừa bãi, thiếu quản lý đang gây ra những tác động tiêu cực cho môi trường tự nhiên nói riêng và môi trường sống của con người nói chung.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (Trang 31 -31 )

×