CHƯƠNG 4: HỢP ĐỒNG QUỐC TẾ
4.3. Các biện pháp chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại quốc tế
4.3.1. Các biện pháp chế tài
Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên có quyền lợi bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đông hoặc áp dụng những biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện.
4.3.1.2. Trường hợp người bán vi phạm nghĩa vụ
Trong trường hợp này người mua có quyền yêu cầu người bán thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng bằng cách:
- Nếu vi phạm là chậm giao hàng thì phải thực hiện nghĩa vụ giao hàng;
- Nếu giao hàng thiếu hàng thì buộc phải giao đủ;
- Thay thế hàng hóa không phù hợp bằng loại hàng hóa khác nếu sự không phù là nghiêm trọng. Tuy nhiên, yêu cầu chỉ có hiệu lực nếu người mua tuân thủ thời hạn thông báo do các bên thỏa thuận trong hợp đồng;
- Trong trường hợp người mua phải sửa chữa khuyết tật của hàng hóa thì người bán có nghĩa vụ phải thanh toán những chi phí liên quan tới việc sửa chữa khuyết tật cho người mua.
Khi áp dụng chế tài buộc thực hiện nghĩa vụ, người mua có thể cho người bán một thời hạn bổ sung hợp lý để người bán thực hiện nghĩa vụ của mình. Trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng nghĩa vụ thì không thể áp dụng chế tài hủy hợp đồng.
4.3.1.3. Trường hợp người mua không thực hiện một nghĩa vụ nào đó Trong trường hợp này người bán có thể:
- Yêu cầu người mua trả tiền, nhận hàng hay thực hiện các nghĩa vụ khác;
- Cho người mua một thời hạn bổ sung để thực hiện nghĩa vụ. Trong thời gian gia hạn này, người bán không được áp dụng một biện pháp bảo hộ pháp lý nào trừ trường hợp người mua trực tiếp tuyên bố không thực hiện nghĩa vụ.
Tuy nhiên trong trường hợp này người bán không mất quyền yêu cầu trả tiền phạt vi phạm nếu các bên có thỏa thuận hay đòi bồi thường thiệt hại do người mua chậm thực hiện nghĩa vụ.
4.3.1.4. Tạm ngừng và đình chỉ thực hiện hợp đồng
Có thể nói rằng, tạm ngừng và đình chỉ thực hiện hợp đồng là hai quy định mới được Luật Thương Mại 2005 điều chỉnh;
Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp, khi xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng hay một bên vi phạm nghĩa vụ hợp
đồng, trừ trường hợp bên vi phạm được miễn trách nhiệm do hành vi vi phạm hợp đồng do pháp luật quy định hay do các bên thỏa thuận. Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì nó vẫn còn hiệu lực. Việc tạm ngừng có nghĩa là các bên sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong một thời hạn cụ thể nào đó, thông thường, thời hạn này hoàn toàn do các bên thỏa thuận bởi vì luật không quy định.
Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại nếu có.
Đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng trong trường hợp khi xả ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng, trừ trường hợp bên vi phạm được miễn trách nhiệm do hành vi vi phạm hợp đồng do pháp luật quy định hay do hai bên thỏa thuận. Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hiệu lực của hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ hợp đồng có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng. Ngoài ra, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại. Khác với tạm ngừng thực hiện hợp đồng, khi áp dụng chế tài đình chỉ hợp đồng pháp luật bắt buộc bên yêu cầu phải thông báo cho phía bên kia biết về việc đình chỉ hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
4.3.1.5. Hủy hợp đồng
Trong thực tiễn hoạt động thương mại, hủy hợp đồng là biện pháp chế tài được áp dụng khi việc áp dụng chế tài buộc thực hiện nghĩa vụ không còn ý nghĩa, hay theo quy định của pháp luật Việt Nam khi việc vi phạm của bên kia là điều kiện để hủy hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Thông thường, bên bị vi phạm có thể tuyên bố hủy bỏ hợp đồng nếu:
Thứ nhất, nếu sự vi phạm điều kiện chủ yếu của hợp đồng, ví dụ người bán giao hàng kém chất lượng và việc đổi hàng hay sửa khuyết tật không còn ý nghĩa
đối với người mua, hay người mua chậm thực hiện nghĩa vụ nhận hàng và việc chờ người mua thực hiện nghĩa vụ nhận hàng hoàn toàn không có ý nghĩa đối với người bán.
Thứ hai, bên vi phạm không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng trong trường hợp bên bị vi phạm đã cho thêm một thời hạn để thực hiện nghĩa vụ nhưng họ đã không thực hiện nghĩa vụ này, hoặc bên vi phạm tuyên bố sẽ không thực hiện nghĩa vụ trong thời gian gia hạn này.
Trong trường hợp chưa kịp thông báo nghĩa vụ do hủy hợp đồng cho bên vi phạm nhưng bên vi phạm đã thực hiện nghĩa vụ thì bên bị vi phạm bị mất quyền hủy hợp đồng. Ví dụ, khi người mua chưa kịp tuyên bố hủy hợp đồng do người bán vi phạm nghĩa vụ giao hàng nhưng người bán đã giao hàng thì người mua sẽ mất quyền hủy bỏ hợp đồng hoặc khi người mua đã thực hiện nghĩa vụ trả tiền, dù chậm, người bán không có quyền tuyên bố hủy hợp đồng.
Khi hợp đồng bị hủy, bên nào đã thực hiện toàn bộ hay một phần nghĩa vụ hợp đồng có thể đòi bên kia hoàn lại những gì đã được giao hay đã được thanh toán khi thực hiện hợp đồng. Nếu cả hai bên đều bị buộc phải hoàn trả lại thì họ phải thực hiện nghĩa vụ này đồng thời.