CHƯƠNG 12: THỦ TỤC HẢI QUAN
12.2. Rào cản phi thuế quan
Một vài quốc gia áp mức thuế cao để giới hạn nhập khẩu một số loại hàng hóa. Tuy nhiên, áp lực từ Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT, và giờ là WTO đã giảm đáng kể khoản thuế phải nộp ở hầu hết các quốc gia. Mặc dù vẫn còn vài trường hợp cá biệt nhưng xu thế chung hiện nay vẫn là giảm thuế suất, rất nhiều quốc gia đã đưa ra các loại thuế có thuế suất hầu như đều dưới 10% cho phần lớn các loại hàng hóa.
Đồng thời, WTO cũng rất nỗ lực để giảm số các rào cản thương mại phi thuế quan mà các quốc gia dựng lên. Tuy nhiên, một vài rào cản hạn chế hiệu quả sự gia nhập vào một số thị trường của nhà xuất khẩu vẫn còn được áp dụng. Rào cản thương mại phi thuế quan là những chính sách và hành động đưa ra nhằm giảm số lượng hàng hóa nhập khẩu ở một quốc gia nào đó. Thứ mà các thương gia quốc tế cho đó là rào cản thương mại thường được đưa ra dưới những yêu cầu vô hại của chính phủ nước nhập khẩu.
12.2.1. Hạn ngạch
Phương pháp chủ yếu mà các quốc gia sử dụng để hạn chế nhập khẩu là hệ thống các hạn ngạch hạn chế số lượng hàng hóa được phép đi vào một quốc gia cụ thể nào đó. Hạn ngạch có thể được đưa ra dưới hai dạng:
1. Hạn ngạch tuyệt đối đưa ra số lượng giới hạn cụ thể hàng hóa theo mã HS được đi vào một quốc gia trong một năm. Trong một vài trường hợp, hạn ngạch đưa ra giới hạn giá trị hàng hóa nhập khẩu bằng cách đưa ra giá trị trần cho tổng giá trị các hàng hóa nhập khẩu có một mã HS cụ thể nào đó. Khi đã nhập khẩu đến mức hạn ngạch, hàng hóa đó sẽ không được nhập khẩu vào nước đó nữa. Một vài quốc gia còn đưa ra hệ thống thị thực để quản lí xem người nhập khẩu đã sử dụng bao nhiêu hạn ngạch được.
2. Hạn ngạch thuế quan đưa ra hai thang thuế suất cho một nhóm hàng hóa cụ thể. Lượng hàng hóa nhập khẩu dưới mức hạn ngạch sẽ được chịu mức thuế suất thấp, tuy nhiên khi đã nhập tới mức hạn ngạch, thuế suất phải chịu sẽ cao hơn. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn được phép nhập khẩu một cách hợp pháp.
Hạn ngạch thường được áp dụng cho một vài mặt hàng cụ thể có xuất xứ từ những quốc gia xác định. Ví dụ, năm 2000, theo hạn ngạch số 641-B, không được phép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ nhiều hơn 147.358 tá đồ ngủ cho bé trai bé gái làm từ sợi nhân tạo, được phân loại vào mã HS tương ứng là 6107.22.0016 và 6108.32.0016. Hệ thống hạn ngạch phức tạp cho hàng dệt may và quần áo được Mỹ và một vài nước phát triển sử dụng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ một số quốc gia đang phát triển và được đưa ra trong bản hiệp ước quốc tế Hiệp định hàng đa sợi (Multi-Fiber Agreement - MFA). Các hạn ngạch này hạn chế số lượng hàng dệt may được nhập khẩu từ rất nhiều các quốc gia đang phát triển. WTO đã thương lượng Hiệp định dệt may, và tất cả các hạn ngạch dệt may của các quốc gia phát triển phải được gỡ bỏ trước ngày 1 tháng 1 năm 2005.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 4 tháng kể từ hạn chót đó, cả Liên Minh châu Âu và Hoa Kì đã dựng lại hạn ngạch đối với hàng dệt may Trung Quốc. Các hạn ngạch này vẫn nằm trong các nguyên tắc của WTO khi cho phép các biện pháp tự vệ nếu việc loại bỏ hạn ngạch có thể phương hại tới nền kinh tế của quốc gia nhập khẩu. Việc loại bỏ hạn ngạch sẽ gây phương hại tới các quốc gia phát triển đang cạnh tranh với Trung Quốc. Dưới hệ thống hạn ngạch MFA, rất nhiều các quốc gia có cơ hội thâm nhập các thị trường lớn của EU và Hoa Kì do các doanh nghiệp Trung Quốc bị giới hạn lượng hàng xuất khẩu. Sau khi hạn ngạch bị gỡ bỏ, các doanh nghiệp Trung Quốc, sản xuất với chi phí vô cùng thấp trong ngành dệt may và có năng lực sản xuất dường như là vô hạn, có thể thay thể sản phẩm của các quốc gia khác và tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh khó khăn ở thị trường đó. Liệu việc dựng lên các hạn ngạch cho hàng hóa Trung Quốc có tiếp tục giúp được những quốc gia đó đầu tư cải thiện năng suất hay chỉ là trì hoãn một điều hiển nhiên không tránh khỏi vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Hạn ngạch có thể không phân biệt mà áp dụng cho tất cả các sản phẩm nhập khẩu trong một mã HS cụ thể mà không cần biết sản phẩm đó xuất xứ từ quốc gia nào – ví dụ, Hoa Kì đã áp hạn ngạch thuế quan lên sữa, kem từ sữa, sữa bột, pho mát dầy, kem, lạc, bột ca cao, đường, và một số lượng lớn các thực phẩm khác, bất kể xuất xứ từ quốc gia nào.
Hạn ngạch cũng có thể là do “tự nguyện”. Dưới áp lực của chính phủ nước nhập khẩu, nhà xuất khẩu tự nguyện hạn chế xuất khẩu một lượng xác định nào đó. Đấy là tình huống xảy ra vào đầu những năm 1980 ở Hoa Kì khi nhà sản xuất ô tô của Nhật đồng ý hạn ngạch tuyệt đối cho ô tô và xe tải hạng nhẹ.
Cuối cùng, các quốc gia cũng có thể áp dụng loại hạn ngạch xuất khẩu khi nước xuất khẩu giới hạn số lượng mà doanh nghiệp có thể xuất khẩu một loại hàng hóa nào đó.
12.2.2. Tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia
Hạn ngạch không phải là rào cản thương mại phi thuế quan duy nhất mà các quốc gia sử dụng để hạn chế nhập khẩu. Trong rất nhiều trường hợp, các quốc gia đưa ra các tiêu chuẩn an toàn để bảo vệ người dân khỏi các sản phẩm nước ngoài không an toàn, nguy hiểm hay gây hại cho sức khỏe. Trong khi hầu hết các lệnh giới hạn này là hợp lí và cần thiết, vẫn có một vài lệnh giới hạn dựa trên những dữ liệu mờ hồ và là một dạng bảo hộ các nhà sản xuất nội địa kém hiệu quả.
Các quốc gia đòi hỏi các sản phẩm bán trong nội địa phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chính phủ đề ra – ví dụ, các nước phát triển có rất nhiều yêu cầu liên quan đến chất lượng sản phẩm tiêu dùng ví dụ như Tiêu chuẩn công nghiệp của Nhật Bản JIS. Ngoài ra còn có các tiêu chuẩn tổ chức quốc tế, ví dụ như tiêu chuẩn ISO của tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế. Hầu hết các tiêu chuẩn này đều phản ánh sự ưa thích và quan điểm của quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng, tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn. Ví dụ, Liên minh châu Âu EU yêu cầu các phương tiện xe cộ phải trang bị thiết bị xin-nhan báo rẽ phía sau, tách biệt với đèn phanh, còn
Hoa Kì yêu cầu các xe ô tô phải có túi khí. Đây là những tiêu chuẩn rất cần thiết cho sự an toàn của người sử dụng.
Lí do tại sao những tiêu chuẩn kiểu này lại trở thành rào cản phi thuế quan thường không rõ ràng. Nhà xuất khẩu thường miễn cưỡng lắp đặt vào sản phẩm của mình những thiết bị đắt đỏ hoặc cho rằng đó là những thiết bị không cần thiết, và phàn nàn những yêu cầu như vậy là những rào cản phi thuế quan, hoặc đó chỉ là sự không sẵn lòng để xử lí một trong những khác biệt và khó khăn mà nhà xuất khẩu thường gặp phải khi bán sản phẩm ở nước ngoài. Những yêu cầu mà các quốc gia đưa ra có thể không phải là rào cản phi thuế quan, ngay cả khi nó chỉ được áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu mà không phải sản phẩm nội địa, khi những yêu cầu đó được đưa ra nhằm ngăn chặn việc “nhập” các căn bệnh chưa phát hiện thấy trong nội địa. Nhằm đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn có thể gọi tên là
“dịch bò điên” đã được đưa ra đòi hỏi các nước ngoài châu Âu phải đáp ứng để được xuất hàng vào châu Âu.
Tuy nhiên, nỗ lực của các quốc gia để các hàng hóa nhập khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia thường bị coi là các rào cản thương mại. Ví dụ như những tranh chấp liên quan đến tiêu chuẩn an toàn của bơ Mê-xi-cô nhập vào Mỹ, sơ ri Mỹ của Mê-xi-cô, táo New Zealand của Nhật. Mỹ đã mâu thuẫn với Nhật Bản về tiêu chuẩn an toàn của cà chua Mỹ trong suốt 46 năm và cuối cùng đã được giải quyết theo hướng mà các nhà xuất khẩu Mỹ mong muốn.
12.2.3. Các rào cản phi thuế quan khác
Các quốc gia đã đưa ra các phương thức rất linh hoạt để giảm hoặc hạn chế nhập khẩu mà không áp thuế cao, sử dụng hạn ngạch hay các yêu cầu tiêu chuẩn hóa. Dưới đây là một vài ví dụ (chưa phải là tất cả các rào cản phi thuế quan khác được sử dụng):
Đầu thập niên 1980, Pháp quyết định bảo hộ ngành công nghiệp sản xuất đầu máy video non trẻ của mình bằng cách yêu cầu kiểm tra và dán nhãn tất cả các đầu máy video nhập khẩu vào Pháp, và địa điểm kiểm tra nằm ở Poitiers – một thị trấn
nhỏ nằm cách cảng Le Havre gần 400 km là trung tâm vận chuyển đầu máy video.
Ngoài ra, chỉ có một người thực hiện quy trình kiểm định này. Vô số các quốc gia đã áp dụng quy trình thông quan hải quan “chậm chạp” này để cản trở nhập khẩu khi các nhà nhập khẩu phải gánh chịu chi phí lưu kho gia tăng và tạo ra sự trì hoãn tại thị trường tiềm năng.
Cách thức khác là việc yêu cầu một số lượng cực lớn các chứng từ và giấy phép. Chẳng hạn như, cuối thập niên 1990, Ấn Độ đã yêu cầu “nhà xuất khẩu phải hoàn thiện và nộp 54 chứng từ […]: 27 chứng từ trước giao hàng, 14 giấy thông quan Hải quan và 13 hóa đơn xác nhận sau giao hàng, 16 giấy phép từ các bộ ban ngành chính phủ”. Quy trình đã được đơn giản hóa rất nhiều: Năm 2009, có 9 chứng từ cần có để nhập khẩu vào Ấn Độ, mặc dù số chứng từ này vẫn gấp đôi số chứng từ trung bình của các quốc gia thành viên khác của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OECD.
Hàn Quốc đã rất thành công khi ngăn chặn xe nước ngoài thâm nhập thị trường nội địa. Năm 2008, Hàn Quốc đã bán được 800.000 xe ô tô tại thị trường Mỹ, trong khi chưa đầy 7.000 xe của Hoa Kì được bán ở thị trường Hàn Quốc và chỉ có 62.000 xe nước ngoài được bán ra ở thị trường nước này. Mặc dù thuế nhập khẩu khá thấp là 8%, nhưng ở Hàn Quốc có chiến dịch tuyên truyền rằng mua xe của nước ngoài là không yêu nước đã giúp cho Hàn Quốc rất thành công khi giảm lượng xe nhập khẩu vào quốc gia mình. Để ủng hộ quan điểm này, chính phủ Hàn Quốc đã cảnh báo sẽ kiểm toán thuế thu nhập tất cả các vụ mua bán xe nước ngoài.
Chính phủ Nga yêu cầu các nhà xuất khẩu chân và cánh gà Hoa Kì phải kiểm dịch từng con gà một trước khi được phép nhập khẩu vào nước này, nhờ đó ngăn chặn hiệu quả việc nhập khẩu các sản phẩm từ gà này.
12.2.4. Kiểm định trước khi vận chuyển hàng
Kiểm định trước khi vận chuyển hàng được thực hiện bởi các tổ chức độc lập tại điểm đi của hàng hóa xuất khẩu. Tổ chức này xác nhận hàng hóa được vận
chuyển có phải là hàng hóa mà bên nhập khẩu yêu cầu hay không, có đầy đủ số lượng và đóng gói đạt tiêu chuẩn vận chuyển quốc tế hay không. Khi tổ chức kiểm định xác nhận tất cả các yếu tố đã trùng khớp với hóa đơn, tổ chức sẽ cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho nhà nhập khẩu (Chương 9, phần 9-4c). Các tổ chức kiểm định có các đại diện ở hầu hết các cảng biển và hầu như có thể xử lí bất cứ chuyến hàng ở bất kì thời điểm nào, mặc dù sẽ có rất nhiều lần nhà xuất khẩu phải đợi chờ do công việc quá tải của kiểm định viên, và do thiếu hoặc chưa có chuyên gia để kiểm định chuyến hàng đặc biệt nào đó.
Đôi khi nhà nhập khẩu cũng yêu cầu thực hiện kiểm định trước khi giao hàng để đảm bảo các nhà xuất khẩu giao đúng hàng đúng số lượng; khi nhà nhập khẩu thanh toán dựa trên cơ sở thanh toán trước hay sử dụng thư tín dụng. Tuy nhiên, hầu hết Kiểm định trước giao hàng được các quốc gia yêu cầu như một công đoạn trong quy trình nhập khẩu. Một số lí do cho việc này là:
Các quốc gia muốn biết ý kiến của các chuyên gia về phân loại và giá trị của hàng hóa sắp đi vào lãnh thổ của mình.
Các quốc gia muốn chống lại nạn tham nhũng tại điểm nhập cảnh. Nhờ có các xác nhận về phân loại và giá trị hàng nhập khẩu của tổ chức độc lập nước ngoài, các cơ quan Hải quan sẽ mất khả năng xử lí “linh hoạt” và nhận hối lộ để thay đổi phân loại và định giá hàng hóa.
Các quốc gia muốn ước lượng yêu cầu về tiền tệ trong ngắn hạn, và sử dụng giá trị chuyến hàng đã được kiểm định trước khi giao hàng để dự báo cầu nhu cầu ngoại tệ của mình.
Các quốc gia muốn tạo nguồn thu ngân sách bổ sung ngoài khoản thuế thu được. Hầu hết những quốc gia nào yêu cầu phải có Kiểm định trước giao hàng đều có hợp đồng dài hạn, trao độc quyền cho một công ty kiểm định để kiểm định tất cả hàng hóa sắp đi vào lãnh thổ. Mặc dù chỉ là suy đoán nhưng có vẻ các công ty kiểm định sẽ trả lại các quốc gia đã cho mình độc quyền kiểm định bằng cách chuyển một phần doanh thu từ việc kiểm định cho ngân sách quốc gia đó.