CHƯƠNG 6. CÁC ĐIỀU KIỆN THANH TOÁN QUỐC TẾ
6.1. Các đặc điểm thanh toán quốc tế
Bên xuất khẩu thường thích các phương thức thanh toán chắc chắn trong việc xử lý các khoản tiền thanh toán nhận được từ nước ngoài.
6.1.1. Các thông tin về tín dụng
Nói chung, các thông tin về tín dụng và khả năng thanh toán của các chủ thể tín dụng ở nước ngoài thường không nhiều như của các chủ thể tín dụng trong nội địa. Mặc dù, các hãng thông báo mức tín dụng, các công ty kiểm toán và các đại lý bao thanh toán luôn có những thông tin về việc thanh toán nhưng không phải lúc nào các bên xuất khẩu cũng có thể dễ dàng lấy được những thông tin này một cách chính xác, đặc biệt là từ các công ty nhập khẩu vừa mới được thành lập hoặc các công ty nhập khẩu của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, gần đây với sự ra đời của các cổng thông tin độc lập về tín dụng thanh toán (các cổng thông tin cho phép truy cập vào các tổ chức tín dụng tại nước ngoài) việc tìm hiểu về các thông tin này đã trở nên dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, việc tìm hiểu về khả năng thanh toán của các công ty nước ngoài thường phức tạp và khó khăn hơn các công ty trong nước.
6.1.2. Thiếu các liên hệ mang tính chất cá nhân
Trong giao dịch quốc tế, các bên thường có xu hướng dùng các cách liên lạc như telex hay fax, các liên hệ mang tính chất cá nhân như dùng điện thoại thường ít hơn. Trong khi đó, trong các giao dịch nội địa, các liên hệ công việc giữa các bên thường dùng các biện pháp mang tính chất cá nhân, ít nhất là vào khoảng thời gian đầu liên hệ. Việc thiếu các liên lạc giữa các bên dẫn đến một hệ quả tất yếu là bên xuất khẩu thường không thể đánh giá được các đặc điểm của nhà nhập khẩu và đây cũng chính là nguyên nhân tạo ra các rủi ro. Trong trường hợp nếu có các liên hệ mang tính chất cá nhân thì các bên liên quan lại thường không có các kỹ năng về giao tiếp giữa các nền văn hoá khác nhau và dẫn đến hiểu nhầm. Tất cả
những điều này là khởi nguồn cho việc ra đời các phương pháp giao dịch cẩn trọng hơn.
6.1.3. Thu tiền khó khăn và tốn kém
Nếu các khách hàng nước ngoài chây ỳ trong việc thanh toán thì việc thu được các khoản tiền quá hạn rất khó khăn. Mặc dù, có hẳn một hệ thống thanh toán trong được tổ chức rất tốt nhưng rất ít doanh nghiệp trong nội địa có khả năng cung cấp các dịch vụ thanh toán quốc tế. Những dịch vụ này thường có chi phí rất cao. Trong một số trường hợp, việc sử dụng các đại lý thu tiền ở nước ngoài thường dẫn tới việc một công ty xuất khẩu sẽ đánh mất hình ảnh của mình, ví dụ điển hình là Citibank, ngân hàng này đã sử dụng một loạt các công ty thu nợ tại Ấn Độ.
6.1.4. Không có hành lang pháp lý hỗ trợ
Trong giao dịch nội địa thường có rất nhiều luật và hành lang pháp lý cũng như các nghiên cứu về luật pháp nhằm hỗ trợ cho việc thanh toán. Trong khi đó các nguồn luật hầu như rất ít trong các giao dịch quốc tế. Thêm vào đó, hiện nay không có một toà án nào có khả năng đưa ra các phán quyết cho các tranh chấp quốc tế. Do đó các quy định của toà án tại các quốc gia công ty xuất khẩu thường không có tác dụng tại các nước có công ty nhập khẩu.
Việc ra đời của Công ước quốc tế về hợp đồng buôn bán hàng hoá quốc tế (CISG-United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods) cùng với việc áp dụng công ước này từ năm 1980 đã tạo ra các nguyên tắc pháp lý chính cho các hoạt động giao dịch thương mại giữa các quốc gia trên thế giới. Năm 2009, 74 quốc gia (chiếm 80% thương mại toàn cầu) đã tham gia công ước. Tuy nhiên, một số quốc gia trong số đó chỉ tham gia một phần của công ước, những phần mà không có xung đột với các quy phạm pháp luật tại nước họ, ví dụ Hoa Kỳ với bộ luật thương mại thống nhất (UCC-Uniform Commercial Code).
Vương quốc Anh cũng đã tham gia công ước. Việc thực hiện và áp dụng công ước
được dành cho các toà án kinh tế mỗi quốc gia. Mặc dù đã có một số nghiên cứu về lĩnh vực này song những quy tắc quốc tế trên còn khá mơ hồ tại một số các quốc gia. Hầu hết các nghiên cứu về luật áp dụng cho buôn bán quốc tế có thể tìm thấy tại cơ sở dữ liệu của Uỷ ban liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL – United Nations Commission on International Trade Law) – CLOUT (Case Law on UNCITRAL texts). Tuy nhiên các công ty xuất khẩu lại luôn lo lắng về sự xung đột quy phạm pháp luật giữa luật quốc gia và luật quốc tế cũng như cách diễn giải và áp dụng các nguồn luật này tại mỗi quốc gia, điều này cũng dẫn đến khả năng xảy ra các xung đột pháp lý giữa các toà án kinh tế giữa các nước.
Hiện nay vẫn còn có những quan niệm nhầm lẫn cho rằng có nhiều loại toà án quốc tế khác nhau. Tuy nhiên trên thực tế chỉ có duy nhất một toà án quốc tế tại La Hague làm trọng tài phân xử cho các tranh chấp giữa các quốc gia, chính phủ của các nước trên thế giới và giữa các tập đoàn đa quốc gia. Nhưng nên nhớ rằng toà án quốc tế sẽ không bao giờ giải quyết các tranh chấp giữa các công ty hoặc tập đoàn, hơn nữa, các phán quyết của toàn án này không mang tính bắt buộc và không có quyền bắt buộc các bên phải thực hiện.
6.1.5. Chi phí pháp lý cao
Các chi phí pháp lý cho các vụ kiện tụng quốc tế, trọng tài kinh tế quốc tế thường cao hơn rất nhiều so với các vụ việc tương tự trong buôn bán nội địa. Việc tìm kiếm các quy định pháp luật gây bất lợi cho bên nhập khẩu trong các vụ việc thường mất rất nhiều thời gian, chi phí trong việc đi lại, thuê các chuyên gia luật nước ngoài và tiến hành các quá trình tố tụng. Tại một số quốc gia, số lượng các vụ án dân sự hoặc thương mại tồn đọng khó giải quyết là rất nhiều. Ví dụ, tại Ấn Độ, một phán quyết của toà ít nhất phải mất đến 5 năm để đưa ra, cùng với đó sự phức tạp vòng vèo trong hệ thống pháp luật sẽ mất một khoảng thời gian kéo dài hơn thế nữa. Tại các quốc gia khác như Nga, Trung Quốc, Nga, Indonexia, Ukrane thời gian cũng kéo dài tương tự.
Một số công ty xuất khẩu thường chọn cách kiện nhà nhập khẩu ra các toà án tại quốc gia mình để tiết kiệm chi phí (quá trình tố tụng sẽ diễn ra nhanh hơn). Tuy nhiên để công ty nhập khẩu phải thực hiện phán quyết do toà đưa ra thì vụ việc vẫn phải được đệ trình nên toà án tại quốc gia nhập khẩu. Hầu hết công ty xuất khẩu nhận ra rằng kiện tụng pháp lý chỉ là giải pháp cuối cùng.
6.1.6. Không tin tưởng
Cuối cùng, có một thực tế là, các công ty nhập khẩu biết rất rõ các vấn đề nêu trên và biết rằng bên xuất khẩu không thể thu được các khoản nợ tiền hàng một cách quyết liệt. Điều này đã tạo ra sự mất tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên, đặc biệt là bên xuất khẩu – bên luôn đặt ra tình huống xấu nhất mà nguyên nhân chính là xuất phát từ phí nhập khẩu.