CHƯƠNG 10: CƠ SỞ HẠ TẦNG VẬN TẢI
10.5. Một vài lựa chọn vận tải khác
Ngoài các phương tiện vận tải truyền thống như đã đề cập phía trên, cũng còn một vài lựa chọn vận tải khác cũng thường xuyên được sử dụng để vận chuyển hàng hóa quốc tế.
10.5.1. Đường ống (Pipelines)
Có lẽ lựa chọn vận tải thay thế cho các phương tiện vận tải truyền thống dễ thấy nhất chính là hệ thống vận tải đường ống – vận chuyển một lượng khá lớn dầu mỏ và khí tự nhiên trên thế giới. Có nhiều hệ thống đường ống được sử dụng trong vận tải quốc tế. Ví dụ như, một hãng sản xuất khí gas trực thuộc bang của Nga mang tên Gazprom, vận chuyển 525 tỉ mét khối ga cho Châu Âu qua một hệ thống đường ống riêng (hình 10.25). Hệ thống này đi qua Bê-la-rút, U-krai-na, Ba lan, Slô-va-kia và Cộng hòa Séc trước khi dừng lại tại Đức, và cung cấp khoảng 20% nhu cầu khí ga tại Châu Âu.
Ở một số khu vực trên thế giới hoạt động hàng hải có nguy cơ gặp rủi ro cao, các đường ống có thể được sử dụng để thay thế cho các con tàu để vận chuyển hàng hóa. Điển hình như đường ống được lập kế hoạch xây dựng cho phép vận chuyển dầu từ miền Nam Liên Bang Nga tới Bosporus của Istabul – khu vực nằm giữa một thành phố đông dân cư và hay bị tắc nghẽn. Hơn 50.000 tàu biển vận tải qua vùng nước của Istabul trong một năm. Người dân và chính phủ của quốc gia này ra sức ủng hộ việc xây dựng đường ống trên, vì họ không thể kiểm soát nổi những gì đi qua eo biển của mình – được xem là vùng biển quốc tế - và họ sợ rằng sẽ có những tai nạn thảm khốc xảy ra. Nói chung đường ống sẽ giúp loại bỏ một số rủi ro giao thông.
Các đường ống còn có thể được sử dụng để vận chuyển than bùn – một hỗn hợp giữa nước với than bột, và được vận chuyển giống như vận chuyển chất lỏng.
Trong một vài trường hợp, việc vận chuyển than theo cách này hữu ích so với vận tải bằng đường sắt hay xe tải hơn rất nhiều.
10.5.2. Sà lan (Barges)
Sà lan sông cũng hay được sử dụng để vận chuyển hàng hóa quốc tế và thường là một trong những phương thức vận tải chính trên một số tuyến đường và hàng hóa nhất định. Ví dụ, 30% container được vận chuyển đến và đi từ cảng Rotterdam – cảng container lớn nhất của Châu Âu và lớn thứ 9 trên thế giới – được vận chuyển bằng sà lan, 57% container vận chuyển bằng xe tải và 13% vận chuyển bằng đường sắt. Rất nhiều hàng rời (quặng sắt, hàng nông sản, và các sản phẩm liên quan tới dầu mỏ) được vận chuyển bằng sà lan; 38 triệu mét tấn hàng rời được vận chuyển đi và đến cảng Rotterdam bằng sà lan năm 2008.
Ở Mỹ, hơn một tỉ tấn ngắn hàng hóa (chủ yếu là hàng hạt và than) được vận chuyển bằng đường thủy năm 2008, chủ yếu vận chuyển trên mạng lưới sông Mississipi và Ohio. Việc vận chuyển bằng sà lan rất dễ bị đình trệ do sự phức tạp về thời tiết. Các sà lan trên sông Mississipi thường phải chờ đợi khi sông ở tình
trạng triều cường hoặc bị hạn hán, và sông này thường chảy chậm hơn so với bình thường. Mặc dù vây, nhưng sà lan sông vẫn được xem là lựa chọn vận tải kinh tế so với vận tải đường sắt và xe tải.
Các sàn lan vận chuyển trên các sông Nam Mỹ không tự vận hành được. Từ 5 – 10 sà lan được gom thành một nhóm và được đẩy đi bởi tàu lai dắt (tugboat) (hình 10.26 ). Sà lan của Châu Âu và Châu Á (chủ yếu là của Trung Quốc) chủ yếu là tự vận hành, với các thủy thủ ở ngay trên các sà lan đó (hình 10.27).
Sà lan biển cũng được sử dụng khá thông dụng trong vận tải hàng hóa dù chưa thống kê được một cách cụ thể có bao nhiêu hàng hóa được vận chuyển bằng hình thức vận tải này.Tuy nhiên, hầu hết giao thông giữa Bắc Mỹ và Puerto Rico được thực hiện bằng sà lan.
Hình 10.25: Đường ống gas
Hình 10.26: Sà lan không thể tự vận hành trên sông Mississipi
Hình 10.27: Sà lan tự đẩy