Đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút và nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ (Trang 118 - 120)

- Cường độ hoạt động tại các khu,

3.3.5. Đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút và nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch

cộng đồng về phát triển du lịch

Xã hội hoá, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch và nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch là các nguyên tắc, đồng thời là nội dung quan trọng của phát triển du lịch bền vững.

Nguồn lực trong cộng đồng bao gồm các nguồn vốn trong dân cư; tài sản vật thể, trí tuệ và sự sáng tạo của cá nhân, cộng đồng dòng họ; phong tục

tập quán, nét sinh hoạt truyền thống, yếu tố văn hoá truyền thống của cộng đồng có thể góp phần tạo nên sản phẩm du lịch. Trên thực tế, nguồn lực này rất lớn và phong phú, đa dạng, rất cần thiết cho việc mở rộng loại hình và đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao hiệu quả du lịch. Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm công tác xã hội hoá, huy động và hướng sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch với mục đích thuần tuý mang tính kinh doanh mà không chú trọng đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa và lợi ích lâu dài của phát triển bền vững, thì khi tham gia hoạt động du lịch, vì mối lợi kinh tế trước mắt, người dân có thể sẽ tác động có hại đến tài nguyên và môi trường du lịch, ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch. Thu hút sự tham gia của cộng đồng, đồng thời phải gắn với giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch. Điều đó sẽ khuyến khích, phát huy được tính trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch (do nhận thức được nâng cao; do trực tiếp được hưởng lợi lâu dài từ việc tham gia bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường du lịch), từ đó góp phần phát triển du lịch bền vững. Thực hiện nhóm giải pháp này bao gồm một số nội dung sau:

- Có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ (bằng việc sử dụng các đòn bẩy vật chất, hỗ trợ đào tạo, tập huấn nghiệp vụ…), tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng tham gia đầu tư kinh doanh du lịch. Các nội dung kinh doanh du lịch khác nhau được khuyến khích, hỗ trợ, tạo môi trường ở các mức độ khác nhau; thông qua đó cơ quan quản lý huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng, đồng thời điều tiết được sự phát triển du lịch của địa phương theo hướng bền vững, tránh được sự phát triển không cân đối hoặc quá mức, quá tải trong việc sử dụng tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Các lĩnh vực kinh doanh cần tăng cường thu hút, khuyến khích cộng đồng tham gia đầu tư là: Đầu tư các dự án xây dựng khách sạn cao cấp, dự án xây dựng các khu vui chơi giải trí, các hoạt động lữ hành, vì các công trình, dự án và nội dung hoạt động này ở Phú Thọ còn rất ít hoặc thiếu hiệu quả, cần

tăng cường thu hút đầu tư để tăng cường tính đa dạng và nâng cao chất lượng của sản phẩm du lịch của địa phương.

- Hướng dẫn, phát huy trí tuệ và khả năng của các cá nhân trong cộng đồng trong việc phát triển đa dạng các loại hàng hoá, sáng tạo ra các dịch vụ mới, tạo sự độc đáo trong phong cách phục vụ; khuyến khích sự tham gia, sáng tạo của cộng đồng để tạo nên các sản phẩm hàng hoá, các dịch vụ có thương hiệu gắn với du lịch Phú Thọ… để từ đó đa dạng hoá sản phẩm du lịch.

- Khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng dân cư bản địa phát huy bản sắc, truyền thống văn hoá, sử dụng các yếu tố văn hoá truyền thống của cộng đồng để trực tiếp tạo ra các dịch vụ thu hút khách du lịch (như hỗ trợ thành lập các đội cồng chiêng thôn bản ở các bản động vùng cao huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Thuỷ, Yên Lập; hỗ trợ phục dựng các làng nghề cổ vùng Lâm Thao, Việt Trì; hỗ trợ mở ra các dịch vụ để du khách hoà mình, tham gia trực tiếp vào các sinh hoạt đời thường vẫn còn nguyên nét truyền thống của cộng đồng người Mường, người Dao, người Cao Lan ở Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập…).

- Có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch đào tạo, sử dụng nguồn lao động tại địa phương.

- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương về ý thức giữ gìn, bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá, truyền thống sinh hoạt, thuần phong mỹ tục, các nét kiến trúc làng xã cổ, nét đẹp nguyên bản của các lễ hội… Có sự đầu tư cần thiết về nguồn kinh phí và các biện pháp hỗ trợ thông tin, truyền thông … cho các hoạt động này (hỗ trợ duy trì lễ hội Trò Trám ở Tứ Xã, lễ hội rước Chúa Gái ở Thanh Đình, tục cướp cây bông ở Đào Xá, hát Xoan ở Hùng Lô…)

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ (Trang 118 - 120)