Việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về du lịch

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ (Trang 69 - 71)

- Các điểm du lịch nhỏ khác và hạ tầng làng nghề

2.2.6.2. Việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về du lịch

Ngay từ sau khi tái lập tỉnh, Phú Thọ đã khẳng định chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Năm 2001, 2006, Tỉnh uỷ ban hành chương trình hành động số 10-CTr/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2001 - 2005 và Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020. Gần đây nhất, Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 khẳng định quyết tâm phát triển du lịch ở mức cao hơn nữa, lấy phát triển du lịch làm khâu đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở các định hướng này, công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển du lịch được tỉnh quan tâm. Các đề án phát triển du lịch được ban hành cho từng giai đoạn 5 năm; một số chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phát triển du lịch đã được ban hành từ rất sớm. Năm 2004, tỉnh Phú Thọ đã có quy định giảm tiền thuê đất cho các dự án phát triển du lịch thấp hơn 10% so với các dự án thuộc những lĩnh vực khác; đảm bảo các điều kiện hạ tầng (điện, nước, đường giao thông) đến vị trí dự án đầu tư. Các năm sau, tỉnh tiếp tục có các chính sách mới, tạo điều kiện ngày càng nhiều hơn cho nhà đầu tư du lịch như: Hỗ trợ chi phí xúc tiến đầu tư cho doanh nghiệp khi tham gia chương trình do tỉnh tổ chức, miễn phí các thủ tục đầu tư thuộc

thẩm quyền quyết định của tỉnh; hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các dự án đầu tư. Phú Thọ cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính. Tỉnh đã rà soát, xây dựng bộ quy định chung về các thủ tục hành chính của địa phương theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, đơn vị, người dân, trong đó quy định việc cấp phép đầu tư không kéo dài quá 7 ngày, thời gian cho mỗi thủ tục hành chính khác đều được quy định ngắn hơn so với mức quy định thời gian chung của Trung ương.

Việc tạo môi trường cho phát triển du lịch cũng đã được quan tâm. Các kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống bưu chính viễn thông được đầu tư với tốc độ khá nhanh và tương đối đồng bộ; các trung tâm đào tạo chuyên môn, nghề nghiệp ở nhiều cấp độ được đầu tư và nâng cao chất lượng, tạo điều kiện cho ngành du lịch nâng dần chất lượng nguồn nhân lực; chính trị ổn định, an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác quản lý các hoạt động du lịch đã tập trung vào các hoạt động: - Tổ chức hàng năm các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ lao động du lịch; tổ chức tuyên truyền chủ trương, pháp luật về du lịch đến các địa bàn trong tỉnh, tập trung ở các địa bàn có tài nguyên du lịch;

- Quản lý các tài nguyên du lịch nhân văn, đặc biệt đã hệ thống, phân loại, đánh giá, xây dựng kế hoạch bảo tồn, tổ chức bảo vệ, bảo tồn phục dựng được nhiều di sản văn hoá gắn với thời kỳ Hùng Vương dựng nước - tài nguyên du lịch nhân văn quý giá nhất của du lịch Phú Thọ;

- Tổ chức thành công các sự kiện du lịch lớn hàng năm của tỉnh nhất là lễ hội Đền Hùng; hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh; kiểm tra, xử lý vi phạm theo chức năng.

Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch còn nhiều bất cập, hạn chế. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa cao. Công tác kiểm tra, đôn đốc hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh du lịch theo đúng pháp luật chưa thường xuyên, còn xảy ra tình trạng vi phạm quy định của pháp luật trong kinh doanh khách sạn, nhà hàng và tình trạng thiếu kiểm soát trong kinh doanh hàng hoá, dịch vụ tại một số điểm du lịch. Phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình xúc tiến, thu hút, kiểm tra, thẩm định, quản lý đầu tư một số dự án và phối hợp quản lý tài nguyên du lịch tự nhiên thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, dẫn đến một số dự án thiếu tính khả thi, tài nguyên du lịch (cảnh quan, sinh thái ở một số điểm du lịch, nguồn nước khoáng nóng Thanh Thuỷ…) có nguy cơ suy giảm. Các hạn chế này cần sớm được khắc phục để làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững hơn những năm tới.

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ (Trang 69 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(130 trang)
w