Thực trạng bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ (Trang 65 - 66)

- Các điểm du lịch nhỏ khác và hạ tầng làng nghề

2.2.4. Thực trạng bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch

Công tác bảo vệ môi trường du lịch từng bước được tỉnh Phú Thọ quan tâm. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản thể hiện chủ trương tăng cường bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến hoạt động du lịch. Quy chế bảo vệ môi trường khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được ban hành từ năm 2004 và sau đó, các Quy chế bảo vệ môi trường của thành phố lễ hội Việt Trì, khu du lịch Núi Trang đã được ban hành. Trong giai đoạn từ 2001 đến nay, tỉnh đã yêu cầu các dự án đầu tư du lịch đều phải có phương án xử lý rác thải, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền bảo vệ các di tích lịch sử, văn hoá, các giá trị văn hoá phi vật thể, tài nguyên du lịch… gắn với bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp được tỉnh tổ chức ngày một thường xuyên hơn. Các hoạt động phong trào, tháng hành động vì môi trường, các đợt thu dọn vệ sinh tại các điểm du lịch và nơi công cộng cũng đã được tỉnh chú trọng thực hiện trước, trong và sau mỗi sự kiện văn hoá, du lịch, định kỳ ở một số khoảng thời gian trong năm. Những cố gắng của địa phương trong công tác bảo vệ môi trường du lịch đã đem lại một số kết quả: công tác đảm bảo vệ sinh, môi trường tại khu di tích lịch sử Đền Hùng nhiều năm qua đã đạt kết quả khá tốt trong phần lớn thời gian trong năm; ở một số điểm vui chơi, giải trí, tham quan du lịch khác ở trung tâm thành phố Việt Trì, môi trường cũng được giữ gìn ngày càng tốt hơn.

Công tác bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch của tỉnh Phú Thọ gặp khó khăn và kém hiệu quả khi bước vào mùa lễ hội - mùa du lịch chính của Phú Thọ cho đến nay. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của phần lớn du khách, của các cơ sở kinh doanh du lịch thấp; lượng rác thải, nước thải từ hoạt động của du khách, của cơ sở du lịch nhất là cơ sở tư nhân khó kiểm soát; hoạt động thu gom, xử lý chất thải không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong các thời gian du lịch cao điểm. Môi trường tự nhiên tại một số khu vực di tích trong mùa lễ hội bị ảnh hưởng khá rõ rệt do các loại chất thải rắn (như các loại thức ăn thừa, các loại bao bì thực phẩm, vỏ đồ hộp), bụi khói từ hoạt động đốt vàng mã, nước thải từ các cơ sở lưu trú…

Công tác giữ gìn môi trường trong hoạt động xây dựng tại các khu, điểm du lịch chưa được chú trọng kiểm soát, chất thải, khói bụi thải, nước thải từ các hoạt động này tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường du lịch trong thời gian thi công. Việc triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội khác cũng gây ảnh hưởng khá nguy hại đến môi trường du lịch nhất là đến các khu, điểm du lịch liền kề về mặt không gian. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, mức độ ô nhiễm ở một số sông, suối, hồ, đầm gần khu vực du lịch rất đáng lo ngại, tuyến du lịch sông Hồng đoạn qua huyện Lâm Thao và thành phố Việt Trì ô nhiễm nặng; sông Lô mức độ ô nhiễm đang tăng dần; sông Đà chưa bị ô nhiễm nhiều nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng do số cơ sở kinh doanh ven sông đang tăng dần; khói bụi xả ra môi trường không khí trong khu công nghiệp Thuỵ Vân, ở một số nhà máy tại thành phố Việt Trì đang tăng cao, nhiều khoảng thời gian vượt ngưỡng cho phép; việc khai thác tài nguyên chưa được kiểm soát chặt chẽ ở khu nước khoáng nóng Thanh Thuỷ làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước khoáng quý hiếm ở đây...

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ (Trang 65 - 66)