Định hướng phát triển thị trường du lịch

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ (Trang 100 - 102)

- Cường độ hoạt động tại các khu,

3.2.3. Định hướng phát triển thị trường du lịch

Thị trường là yếu tố quan trọng của sự phát triển. Mọi nỗ lực đa dạng hoá sản phẩm, quảng bá du lịch đều hướng đến tìm kiếm thị trường, thu hút, đáp ứng nhu cầu, duy trì và mở rộng thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế của hoạt động du lịch. Việc xây dựng đúng đắn chiến lược thị trường có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển du lịch bền vững về kinh tế. Xác định thị trường phải dựa trên cơ sở đánh giá đúng mức đặc thù, lợi thế tài nguyên, các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương và khả năng đa dạng hoá, phát triển sản phẩm du lịch; tương quan so sánh và khả năng liên kết giữa du lịch của tỉnh với các khu vực du lịch lân cận; phân tích nhu cầu, thị hiếu, xu thế của dòng khách từ các thị trường và mức độ có thể đáp ứng nhu cầu đó; phân tích và dự báo các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến các thị trường khách du lịch như sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội của quốc gia, khu vực, các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường toàn cầu…

Như đã phản ánh, phân tích ở chương trên, tỉnh Phú Thọ có tài nguyên du lịch nhân văn khá phong phú, trong đó đặc sắc và đặc trưng nhất là hệ thống các giá trị văn hoá từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước - một thời kỳ lịch sử hào hùng được minh chứng qua những dấu tích xác thực, đồng thời cũng được huyền thoại hoá với những truyền thuyết về cội nguồn, về tổ tiên, về đồng bào và sự cố kết cộng đồng đã đi sâu vào tiềm thức của dân tộc. Trong quan niệm và tư duy của người Việt Nam, đến với Đền Hùng, Phú Thọ là về với cội nguồn, là việc làm mang tính bổn phận và thể hiện lòng hiếu nghĩa, thành kính tri ân công đức tổ tiên. Với quan niệm và tư duy đó của du khách, du lịch Phú Thọ có một lợi thế, sức thu hút khá đặc biệt đối với khách du lịch nội địa và các đối tượng khách quốc tế là kiều bào người Việt. Tuy nhiên, với các đối tượng khách du lịch quốc tế khác thì sản phẩm du lịch văn hoá của Phú Thọ không tạo được sức thu hút tâm linh đó. Các đối tượng khách quốc tế đến các khu di tích lịch sử, văn hoá Phú Thọ thời gian qua chủ yếu với mục đích tìm hiểu, nghiên cứu. Đây là đối tượng khách du lịch gắn với mục đích chuyên môn, công vụ, số này không nhiều. Muốn mở rộng đối tượng khách du lịch quốc tế, cần phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chữa bệnh, du lịch thể thao, dã ngoại... Với thực trạng sản phẩm du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất của du lịch Phú Thọ như hiện nay và tiến độ quy hoạch, khả năng nguồn lực đầu tư trong tương lai, ít nhất trong khoảng thời gian 2-3 năm tới, du lịch Phú Thọ chưa thể có được sự gia tăng nhiều về lượng khách du lịch quốc tế. Trong giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến 2020, khách du lịch nội địa và khách Việt kiều sẽ vẫn là thị trường chính của tỉnh. Tuy nhiên, với tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, dã ngoại, thể thao…, về lâu dài, các thị trường khách quốc tế phải được xác định là thị trường tiềm năng mà Phú Thọ hướng đến; và để tăng sức hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú đối với du khách nội địa cũng như khách

quốc tế, tỉnh Phú Thọ cũng cần đa dạng hoá mạnh mẽ hơn sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ (Trang 100 - 102)