- Tỷ lệ tăng trưởng so vớ
2.3.1.3. Phát triển du lịch bền vững về môi trường
- Số lượng và tỷ lệ các khu điểm du lịch được quy hoạch
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch được xây dựng và triển khai sớm, phù hợp và là sự cụ thể hoá một lĩnh vực đã được nêu khái quát trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; những định hướng lớn về phát triển du lịch của tỉnh được xác định nhất quán, ổn định và nghiêm túc trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, thuận lợi cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, tiến độ xây dựng quy hoạch nhánh, quy hoạch phát triển một số khu, điểm du lịch trọng điểm chậm (như khu du lịch đầm Ao Châu, khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thuỷ); một số điểm chậm được quy hoạch. Do đó hoạt động du lịch tại các điểm này chưa có được định hướng phát triển không gian thống nhất, sản phẩm du lịch đơn điệu, nghèo nàn và chưa có sự liên kết chặt chẽ để đa dạng hoá sản phẩm, tạo sự thu hút khách.
- Áp lực lên tài nguyên, môi trường tại các khu điểm du lịch ở Phú Thọ
Do tính định hướng tài nguyên rõ nét nên sự phát triển của du lịch phụ thuộc rất lớn vào tài nguyên du lịch. Ngành du lịch khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch cho việc tổ chức các hoạt động của mình. Quá trình khai thác sử dụng đó có tác động không nhỏ đến tài nguyên, hướng tác động là tích cực
hay tiêu cực phụ thuộc vào việc có tuân thủ đúng hay không các nguyên tắc và nội dung phát triển bền vững trong quá trình tổ chức hoạt động du lịch. Những năm qua, hoạt động du lịch Phú Thọ có tác động, ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường địa phương đan xen theo cả 2 hướng nói trên.
Sự tác động rõ nét nhất đến tài nguyên và môi trường tự nhiên của du lịch những năm qua là tuỳ ở mức độ sử dụng, ít nhiều làm suy giảm tính đa dạng của tài nguyên, giảm cân bằng sinh thái tại các điểm du lịch; tăng áp lực về chất thải, tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí.
Tài nguyên du lịch tự nhiên khi còn ở dạng nguyên sơ, chưa khai thác sử dụng, là sự tổng hợp, đan xen hài hoà và cân đối của các yếu tố tự nhiên, hệ sinh vật phù hợp quy luật tự nhiên. Các tác động của du lịch đến từng yếu tố trong tài nguyên thường là không giống nhau, làm mất đi sự cân bằng ban đầu lẽ ra cần phải được duy trì. Tại điểm du lịch đầm Ao Châu, một số loài thuỷ sinh như giải, rùa có dấu hiệu suy giảm; tại khu nước khoáng nóng Thanh Thuỷ, sự khai thác quá mức trong một số thời điểm nhất định trong năm cộng với sự thiếu ý thức của một số cơ sở kinh doanh tư nhân đã ảnh hưởng đến nguồn nước khoáng quý hiếm nơi đây; ở một số khu vực rừng tự nhiên Thanh Sơn, du khách tự phát đi du lịch dã ngoại không qua địa phương, tự tiện chặt cây, bẻ cành, đốt lửa trại… đã tác động ảnh hưởng đến môi trường cư trú, đến tập tính hoang dã và từ đó tác động đến số lượng, chủng loại của một số loài sinh vật. Ngoài ra do nhu cầu của một bộ phận du khách đã kích thích việc săn bắn trái phép các loại động vật cần bảo vệ hoặc thu hái quá mức các loại thực vật bản địa nhưng không có sự gieo trồng bù đắp cũng làm giảm sự cân bằng sinh thái tự nhiên.
Đầu tư xây dựng tại các khu, điểm du lịch là cần thiết để đáp ứng nhu cầu du lịch, nhưng việc bố trí xây dựng với mật độ quá cao các cơ sở lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí trong phạm vi hẹp một mặt làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất, mặt khác làm ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, thay đổi cấu trúc địa chất khu vực, tạo nên sự mất cân bằng tương đối, gây suy thoái đất. Bản thân quá trình xây dựng tạo nên nhiều rác thải, bên cạnh đó, mật độ cơ sở du
lịch quá cao tập trung ở một khu vực hẹp làm gia tăng mức độ ảnh hưởng đến môi trường do chất thải của du khách.
- Đóng góp từ sự phát triển du lịch cho công tác bảo tồn, tôn tạo tài nguyên
Đóng góp từ sự phát triển du lịch cho việc bảo tồn, tôn tạo tài nguyên du lịch tự nhiên ở Phú Thọ thời gian qua được thực hiện chủ yếu qua các hoạt động tham gia, phối hợp của ngành du lịch trong công tác ban hành văn bản quy phạm và các văn bản chỉ đạo thực hiện việc bảo vệ, giữ gìn tài nguyên, rà soát, đánh giá, lập danh mục, xây dựng kế hoạch bảo vệ, tôn tạo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật về du lịch, về bảo vệ tài nguyên môi trường cho các cơ sở kinh doanh, cộng đồng dân cư trong tỉnh nói chung đặc biệt là ở nơi có tài nguyên du lịch tự nhiên; tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm về tài nguyên môi trường; đóng góp một phần thu nhập từ hoạt động du lịch cho ngân sách (các khoản thuế, thu ngân sách liên quan) để điều tiết chung trong đó có điều tiết cho hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường.
Trong các tài nguyên du lịch nhân văn của Phú Thọ, các di tích lịch sử văn hoá và lễ hội truyền thống có số lượng lớn và đến nay đã được ngành du lịch thống kê, đánh giá, xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị. Tỉnh đã tiến hành lập hồ sơ khoa lập hồ sơ khoa học được 236 di tích. Từ năm 2006 đến nay đã tu bổ được 65/249 di tích đã xếp hạng với số vốn đầu tư trên 210 tỷ đồng. Trong đó khu di tích lịch sử Đền Hùng được đầu tư trên 150 tỷ đồng (số tiền này chỉ tính riêng cho việc tu bổ các công trình đền đã có) và một số di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng quan trọng khác như khu di tích đền mẫu Âu Cơ, đình Lâu Thượng, Đền Lăng Sương, Đền Du Yến, Chùa Bồng Lai… [48]. Ngoài ra, còn hàng trăm di tích tôn giáo, tín ngưỡng khác được xây dựng, trùng tu từ nguồn kinh phí của địa phương và nhân dân đóng góp. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ trình UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Vua Hùng, hát Xoan Phú
Thọ là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại và tăng cường đầu tư kinh phí cho việc bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị của các giá trị văn hoá đặc biệt này.
Do thu nhập từ du lịch còn rất thấp nên sự đóng góp trực tiếp từ du lịch cho công tác bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch rất hạn chế. Các nguồn đầu tư bảo vệ và tôn tạo tài nguyên phần lớn đều từ nguồn hỗ trợ của trung ương và một phần từ ngân sách tập trung của tỉnh. Hiện nay, công tác bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch ở Phú Thọ còn những yếu kém, còn xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên tự nhiên không theo quy hoạch, thiếu quản lý của cơ quan chức năng (như việc khai thác nước khoáng nóng ở Thanh Thuỷ, khai thác vật liệu xây dựng chồng lấn vào các khu vực đã quy hoạch phát triển du lịch…). Việc tu bổ, sử dụng nguồn vốn tu bổ di tích văn hoá một số trường hợp không đúng quy định ảnh hưởng tới kiến trúc truyền thống, mỹ quan di tích; công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hoá phi vật thể đang gặp không ít khó khăn, nhiều giá trị văn hoá đang có nguy cơ mai một trong cuộc sống cộng đồng.