Phát triển du lịch bền vững đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng và đề cập một cách tổng quát trong các chiến lược, chính sách pháp luật của Nhà nước. Vấn đề phát triển du lịch bền vững được các địa phương từng bước quan tâm, thể hiện qua việc ban hành các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững ở địa phương mình và qua một số hoạt động tổ chức triển khai thực hiện cụ thể. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, thể chế kinh tế thị trường chưa đầy đủ và đồng bộ, nhiều quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội liên quan đến phát triển bền vững còn thiếu, chồng chéo hoặc chất lượng không cao; trình độ quản lý nhà nước ở một số cấp địa phương và ngành chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; nhận thức và ý thức của một số người dân còn thấp; các
vấn nạn xã hội phức tạp, một số tiêu cực và tham nhũng đã có tác động, ảnh hưởng đến phát triển bền vững nói chung, trong đó có phát triển du lịch bền vững. Nhiều dự án du lịch, mặc dù hồ sơ dự án có luận chứng phương án phát triển bền vững nhưng thực tế thực hiện không đảm bảo điều đó. Hoạt động của các dự án du lịch này thường là chỉ chú trọng mục tiêu lợi nhuận; việc đóng góp cho sự phát triển cộng đồng, công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường chưa được quan tâm nhiều. Thậm chí có những dự án phát triển du lịch gây phản ứng gay gắt của cộng đồng địa phương do không giải quyết hài hoà được mối quan hệ giữa lợi ích của chủ đầu tư và lợi ích chung của cộng đồng, tác động ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh sống của cư dân địa phương.
Vài năm gần đây, đã xuất hiện một số mô hình phát triển du lịch có tính bền vững ở các mức độ khác nhau. Trong các mô hình đó, đã có sự quan tâm nhiều hơn đến việc chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch cho phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của cộng đồng; thu hút sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, chú ý đến công tác bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường. Một số mô hình cụ thể có thể kể đến như: Mô hình phát triển du lịch sinh thái núi Bà Nà (Đà Nẵng); du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh ở suối khoáng nóng Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu)...
- Mô hình phát triển du lịch sinh thái núi Bà Nà (Đà Nẵng): Núi Bà Nà là một trong những ngọn núi đẹp nhất Đà Nẵng. Núi cao 1.482m so với mặt biển, có hệ động thực vật đa dạng, độc đáo với hơn 543 loài thực vật, 256 loài động vật có xương sống. Trong số đó, có nhiều loài động thực vật quý hiếm như trầm hương, gụ lậu, sến mặt, thông tràng, trĩ sao, gấu đen, vượn má nhung … Khu du lịch Bà Nà được người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX với hàng trăm ngôi biệt thự, lâu đài rất đẹp nhưng qua thời gian và chiến tranh, một số biệt thự đã xuống cấp, bị tàn phá. Bước vào thời kỳ đổi mới, ý thức được giá trị của hệ sinh thái núi Bà Nà, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng, hoàn thiện quy hoạch khu du lịch sinh thái trên đỉnh núi, với
quan điểm phát triển ở đây các loại hình du lịch thân thiện với thiên nhiên. Quy hoạch được tổ chức thực hiện nghiêm túc, các công trình lưu trú, nghỉ dưỡng, hệ thống giao thông đường bộ, cáp treo đều được xây dựng theo hướng dựa vào thiên nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến thiên nhiên và môi trường. Đến với khu du lịch sinh thái Bà Nà, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành, hệ sinh thái được khoanh vùng, giữ gìn và bảo vệ nghiêm ngặt. Các sản phẩm du lịch được khai thác ở đây là du lịch sinh thái, dã ngoại, tham quan, nghiên cứu.
- Mô hình phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh suối khoáng Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu): Suối khoáng nóng Bình Châu được phát hiện năm
1928 bởi bác sĩ người Pháp Salle, nhưng chỉ được khai thác với mục đích phục vụ du lịch từ năm 1989. Toàn bộ khu suối có 70 điểm phun nước lộ thiên hình thành hệ thống suối, các hồ lớn nhỏ luôn toả nhiệt với nhiệt độ từ 37 - 80 độ. Cạnh bên là khu rừng nguyên sinh và biển Hồ Cốc với dốc cát thoải dài đón sóng biển. Ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đã rất chú trọng việc quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển khu du lịch Bình Châu theo hướng khai thác hợp lý gắn với bảo vệ nguồn nước khoáng nóng quý hiếm và bảo vệ môi trường du lịch. Các khu vực dành cho việc nghỉ dưỡng, chữa bệnh đều nằm ẩn mình, yên tĩnh trong rừng cây tự nhiên. Mỗi cây rừng đều được Ban quản lý đặt biển nói rõ giá trị trong việc góp phần điều hoà hệ sinh thái. Các ngôi nhà làm nơi lưu trú, ăn uống đều được thiết kế bằng các vật liệu phù hợp, gần gũi với thiên nhiên, môi trường như tranh tre, nứa… Mọi hoạt động có nguy cơ gây tổn hại đến hệ động thực vật và môi trường đều được hạn chế ở mức thấp nhất. Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Bình Châu đã được tổ chức du lịch thế giới (WTO) bình chọn là một trong hai khu du lịch sinh thái bền vững nhất ở Việt Nam và là một trong 65 khu du lịch sinh thái bền vững nhất thế giới.