- Phú Thọ có nguồn tài nguyên du lịch khá đa dạng, phong phú, đặc biệt là hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn trong đó nổi bật và mang nét đặc trưng, riêng có là các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể gắn với thời đại
Hùng Vương; nguồn tài nguyên tự nhiên khá đa dạng, nhiều tài nguyên có giá trị du lịch cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng chiến lược sản phẩm du lịch bao gồm cả việc xác định sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng hoá sản phẩm, phục vụ phát triển du lịch. Các nguồn tài nguyên du lịch được phân bố khá đều trên toàn tỉnh, tạo thuận lợi cho tổ chức khai thác và đầu tư phát triển du lịch gắn với việc thúc đẩy phát triển đồng đều kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được công nhận là di tích đặc biệt quốc gia, được tập trung các nguồn vốn đầu tư cả từ Trung ương và địa phương; hệ thống các giá trị văn hoá ở Phú Thọ rất phong phú cả về số lượng và tính đa dạng, minh chứng cho một thời kỳ Hùng Vương dựng nước rực rỡ của dân tộc; ngày giỗ Tổ Hùng Vương được quy định rõ trong tinh thần các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước là ngày Quốc Giỗ và được tổ chức với nghi thức quốc gia hàng năm; tín ngưỡng thờ Vua Hùng, hát Xoan Phú Thọ đã được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là các di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Các yếu tố này, nhìn từ góc độ văn hoá, tạo nên sức thu hút tâm linh đặc biệt trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam cả trong nước và nước ngoài hướng về nguồn cội; nhìn từ góc độ kinh tế du lịch, tạo nên thương hiệu sản phẩm du lịch văn hoá đặc trưng của Phú Thọ, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, là tiền đề và điều kiện cho phát triển du lịch bền vững của tỉnh.
- Vị trí địa lý có ý nghĩa liên kết vùng và là trọng điểm của khu vực Đông Bắc, khí hậu, thuỷ văn cùng các điều kiện tự nhiên khác của Phú Thọ cũng là một lợi thế so sánh của tỉnh trong thông thương, giao lưu kinh tế, nối tour, tuyến du lịch trong hệ thống tuyến điểm du lịch quốc gia.