Tài nguyên du lịch nhân văn

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ (Trang 44 - 49)

- Các di tích lịch sử, văn hoá, di chỉ khảo cổ:

Phú Thọ là tỉnh có lịch sử lâu đời, là vùng đất phát tích của dân tộc Việt Nam. Qua các cuộc tìm kiếm, khai quật khảo cổ cho thấy Phú Thọ có rất nhiều hiện vật đồ đá, đồ đồng minh chứng cho thời kỳ các Vua Hùng dựng nước Văn Lang, trong đó có các di chỉ nổi tiếng như: Gò Mun, Sơn vi, Làng Cả, Phùng Nguyên, Đồng Đậu… Trên vùng đất Phú Thọ còn lưu giữ nhiều di tích gắn với sự tích, truyền thuyết về đời sống sinh hoạt văn hoá, công cuộc

đấu tranh dựng nước và giữ nước qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 1372 di tích, trong đó có 1 di tích được xếp hạng đặc biệt quốc gia, 71 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 174 di tích xếp hạng cấp tỉnh [35]. Một số di tích có giá trị và ý nghĩa văn hoá, du lịch cao có thể kể đến bao gồm:

+ Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì là nơi thờ cúng các Vua Hùng. Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì 7km về phía Bắc. Từ Hà Nội du khách có thể đến Đền Hùng bằng đường bộ theo Quốc lộ 2 hoặc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, cũng có thể đi theo đại lộ Thăng Long mới khánh thành, dọc theo quốc lộ 32C, qua cầu Trung Hà, Cổ Tiết.

Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng có độ cao trên 175m so với mặt nước biển. Khu vực chính của di tích có 4 Đền, 1 chùa và 1 lăng. Đền toạ lạc ở vị trí có địa thế hùng vĩ, ngút ngàn khí thiêng của sơn thuỷ hội tụ và hài hoà trong phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Người xưa truyền rằng, Núi Hùng là chiếc đầu Rồng hướng về phía Nam, mình Rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo. Núi Vặn cao 170m tương đương với núi Hùng, núi Trọc nằm giữa núi Hùng và núi Vặn theo truyền thuyết là 3 đỉnh “Tam Sơn cấm địa” được dân gian thờ từ rất lâu đời.

Nằm trong khu bảo tồn nghiêm ngặt, khu vực rừng tự nhiên nơi di tích lịch sử Đền Hùng toạ lạc vẫn giữ nguyên nét tự nhiên, nguyên sơ với rừng cây rậm rạp xanh tươi và có khoảng 150 loài thảo mộc thuộc 35 họ đang tồn tại, phát triển, trong đó có các giống cây quý hiếm, được giữ gìn và nhân rộng như Chò, Thông, Lụ, Kim Giao, Thiên Tuế… Trong khu di tích Đền Hùng là quần thể di tích có kiến trúc cổ xưa như: Cổng Đền được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2, cổng xây theo kiểu vòm cuốn, hai tầng tám mái, lợp giả ngói ống; Đền Hạ tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai chính là tổ tiên của dân tộc Việt; Đền Trung là nơi

các Vua Hùng cùng các lạc hầu, lạc tướng bàn việc nước; Đền Thượng nơi hàng năm Vua Hùng làm lễ tế trời đất, thờ thần Lúa, đây cũng là nơi Vua Hùng lập đền thờ Thánh Gióng sau khi đánh tan giặc Ân và cũng chính là nơi an nghỉ của Vua Hùng thứ 6; Nhà Bia, Chùa Thiên Quang, Đền Thượng, Đền Giếng, Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ (Đền thờ vọng), Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, Bảo tàng Hùng Vương…

Trong những năm gần đây, Đền Hùng được quan tâm, đầu tư, tôn tạo, quy hoạch mở rộng, với diện tích khu di tích lên tới 320 ha, nằm trong tổng thể vườn Quốc gia Đền Hùng 1605 ha. Đền Hùng đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá, đặc biệt cấp quốc gia. Đây là điểm đến tâm linh đặc biệt trong hành trình về cội nguồn của mọi người dân Việt Nam.

+ Đền Mẫu Âu Cơ: thuộc địa phận xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà. Đền được xây dựng từ thời Hậu Lê và đến nay, qua một số lần trùng tu, vẫn giữ được nguyên nét kiến trúc đặc trưng của nền nghệ thuật Việt. Tượng Mẫu Âu Cơ được đặt trong khám thờ lồng kính 3 mặt, đây là pho tượng được tạo tác từ thời Lê có giá trị nghệ thuật cao.

Đền Mẫu Âu Cơ là di tích thờ Quốc Mẫu, một di tích đặc biệt quan trọng trong hệ thống di tích lịch sử văn hoá của tỉnh Phú Thọ. Ngoài Đền Mẫu chính ở Hiền Lương, năm 2010, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng và khánh thành Đền Mẫu (vọng) trong khu vực di tích Đền Hùng. Các đền hàng năm đều thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương về thăm viếng, tế lễ.

+ Đền Lăng Sương: Toạ lạc tại xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thuỷ, là

nơi thờ Đức Tản Viên Sơn Thánh. Đền được xây dựng quy mô từ thời Tiền Lê trên nền ngôi đền cổ có từ thời Thục An Dương Vương và đến nay đã qua một số lần trùng tu, sửa chữa, nhưng các hiện vật khẳng định niên đại được xây dựng và các bản ngọc phả, sắc phong của một số triều đại phong kiến Việt Nam vẫn còn được lưu giữ. Đặc biệt trong Đền còn lưu giữ được hòn đá có dấu chân tương truyền là của Đức Thánh Mẫu để lại khi sinh Tản Viên Sơn Thánh. Đền

Lăng Sương nằm trong hệ thống các di tích lịch sử thời kỳ Hùng Vương. Cùng với các di tích Đền Hùng và Đền Mẫu Ân Cơ, Đền Lăng Sương là một điểm đến quan trọng trong hành trình du lịch về nguồn của du khách.

+ Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng: Được xây

dựng vào năm 2001, tại Ngã 5 Đền Giếng, dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, với công trình chính là bức phù điêu có hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong. Công trình có quy mô hoành tráng được ghép với 81 khối đá xanh có trọng lượng 25 tấn, cao 7m, rộng 12m đặt trang trọng trong quần thể di tích lịch sử Đền Hùng.

+ Chùa Xuân Lũng: chùa thuộc xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, được

xây dựng vào thời Lý - Trần, chùa đã được trùng tu nhiều lần. Di tích cổ nhất còn lại hiện nay ở chùa là một bia đá có niên đại 1377 - 1388 nằm ở chính điện.

+ Chùa Phúc Thánh: Chùa toạ lạc trên núi Ngạc Phác, xã Hương Nộn,

huyện Tam Nông, chùa do phu nhân thứ 5 của Vua Lý Thần Tông là Lê Thị Xuân Lan dựng năm 1145 bà đã tu hành và mất tại đây năm 1171, trên điện thờ bức tượng bà (tượng Thánh Mẫu). Mộ bà táng ở phía Tây chùa. Chùa Phúc Thánh là một trong số ít những ngôi chùa thời Lý còn lại đến nay với nhiều chi tiết kiến trúc cổ làm bằng gỗ Chò Chỉ.

+ Các di tích mang nét kiến trúc nghệ thuật dân gian khác: Thể hiện qua

nghệ thuật kiến trúc các đình, chùa, đền miếu hay một số công trình cổ. Do là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử lâu đời, ở Phú Thọ có rất nhiều di tích như vậy, phân bố ở khắp các địa bàn trong tỉnh, đặc biệt tập trung tại Phù Ninh, Lâo Thao, Việt Trì, Tam Nông, Thanh Thuỷ như đình Hy Cương, đình Hùng Lô, đền Hiền Quan, đình Bảo Đà, đình Lâu Thượng, đình Đào Xá, cột cờ Tam Nông…

- Các lễ hội truyền thống:

Lễ hội truyền thống là một hình thức sinh hoạt văn hoá đặc sắc phản ánh đời sống tâm linh của mỗi dân tộc, một hình thức sinh hoạt tập thể của người dân, là dịp để mọi người hướng về những sự kiện trọng đại hoặc liên

quan đến những sinh hoạt tín ngưỡng hay vui chơi giải trí. Vì vậy lễ hội có tính hấp dẫn cao với du khách và là một trong những tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị.

Ngoài những lễ hội có tính chất chung của cả nước, của vùng Bắc Bộ, Phú Thọ còn có khá nhiều lễ hội truyền thống cổ, mang nét đặc sắc riêng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 260 lễ hội, trong đó có 92 lễ hội được bảo lưu hoàn chỉnh, 30 lễ hội xếp loại A, 1 lễ hội cấp quốc gia [35]. Có thể kể đến một số lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Đền Hùng gắn với lịch sử dựng nước của dân tộc, được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm với nghi thức cấp quốc gia, các năm chẵn, năm tròn do các đồng chí đứng đầu Đảng và Nhà nước làm Chủ lễ; Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ có ý nghĩa văn hoá tâm linh đặc biệt gắn với truyền thuyết Mẹ Âu Cơ; Lễ hội Đền Lăng Sương gắn với câu chuyện về Tản Viên Sơn Thánh; Lễ hội rước voi Đình Đào Xá; Lễ hội Phết Hiền Quan; Lễ hội bơi chải Bạch Hạc; Lễ hội Tịch điền Minh Nông; Lễ hội hát Xoan An Thái, Trò Trám Tứ Xã… Thông qua các lễ hội này, du khách có thể hiểu được về văn hoá cổ Việt Nam, về nền văn minh lúa nước, về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Điều này tạo nên sức cuốn hút của các lễ hội đối với khách du lịch và từ đó tạo nên ý nghĩa quan trọng của hoạt động lễ hội trong phát triển du lịch.

- Làng nghề truyền thống:

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, có rất nhiều làng nghề tồn tại. Nét riêng có của các làng nghề ở Phú Thọ là sự lâu đời về lịch sử hình thành; đồng thời là sự độc đáo về chủng loại sản phẩm mang tính truyền thống và do nhiều làng vẫn giữ cách thức sản xuất sản phẩm nghề theo lối cổ truyền, ít bị pha tạp. Có những làng nghề mà sản phẩm của làng gắn với các truyền thuyết, những tích truyện xa xưa, từ thời Hùng Vương dựng nước như làng nghề bánh dày Mộ Chu Hạ - Bạch Hạc; làng nghề mì miến Hùng Lô; làng nghề trồng dâu nuôi tằm Lâu Thượng; làng nghề trồng nếp thơm tiến vua Hương Trầm phường

Dữu Lâu và Minh Nông; làng trồng trầu không Dữu Lâu; làng nghề gói bánh chưng Minh Nông; làng nghề làm bánh tai Phú Thọ; làng nghề đan lát Đỗ Xuyên, Thanh Ba; làng nghề làm nón Sai Nga; làng nghề làm tương Dục Mỹ, làng nghề ấm ủ Sơn Vi; làng nghề mộc Dư Ba, Tuy Lộc… Với nét độc đáo riêng có, các làng nghề ở Phú Thọ vừa đáp ứng nhu cầu sưu tầm đồ lưu niệm của du khách vừa là những điểm nhấn quan trọng trong các chương trình du lịch văn hoá, hành hương về cội nguồn dân tộc.

- Các trò chơi, văn nghệ diễn xướng dân gian:

Hầu hết các trò chơi dân gian đều gắn với các di tích và huyền thoại từ thời kỳ Hùng Vương như Bơi Chải ở Tam Giang, Bạch Hạc; Đu tiên ở Minh Nông; Kéo co ở Dữu Lâu; Chọi trâu ở Thanh Đình và Phù Ninh; Đánh phết ở Sơn Vi, Hiền Quan…

Văn nghệ, diễn xướng dân gian cũng rất phong phú và đa dạng, với một số thể loại tiêu biểu cả cổ xưa và đương đại như: Hát Xoan ghẹo (thể loại hát dân gian này đã được tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại); hát nhà tơ; hát trống quân; thơ bút tre; truyện cười Văn Lang…

- Ẩm thực, đặc sản:

Phong tục và truyền thống ẩm thực, các món ăn ở Phú Thọ rất phong phú và đặc sắc, đã đi vào truyền thuyết, vào các câu chuyện, bài hát dân gian như: Bánh chưng, bánh dày Bạch Hạc, Thậm Thình, bánh út, bánh nẳng Thanh Đình, xôi cọ Phù Ninh, xôi nếp gà gáy ở Yên Lập… Một số sản vật nổi tiếng và riêng có là Hồng Hạc tiến vua, bưởi Đoan Hùng, cá Anh Vũ, cá Lăng, quýt Thượng…

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ (Trang 44 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(130 trang)
w