Sử dụng bền vững các nguồn lực cho phát triển du lịch

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ (Trang 30 - 31)

Sử dụng bền vững các nguồn lực vừa là nguyên tắc, yêu cầu đặt ra, vừa là nội dung của phát triển bền vững. Các nguồn lực cần thiết cho phát triển du lịch là nguồn vốn (tiền vốn và các nguồn vốn vật hoá như kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ du lịch), tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) và nguồn nhân lực du lịch.

Sử dụng bền vững các nguồn lực cho phát triển du lịch không nằm ngoài ý nghĩa việc sử dụng các nguồn lực theo đúng định hướng và các giải pháp sử dụng nguồn lực đã được thể hiện trong quy hoạch phát triển du lịch bền vững.

Sử dụng bền vững nguồn vốn bao gồm: Lựa chọn, đầu tư nguồn vốn đúng nội dung, công việc, địa bàn, lĩnh vực, các khâu, các điểm nhấn cần thiết, trọng yếu, có tính chất động lực để thúc đẩy phát triển du lịch; cơ cấu, tỷ lệ sử dụng phù hợp, cân đối với mức độ quan trọng của từng nội dung trong hoạt động phát triển du lịch và phù hợp điều kiện nguồn vốn thực tế của quốc gia, vùng, địa phương;

đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn trong quá trình đầu tư và sau đầu tư; điều tiết cân đối giữa đầu tư vốn cho các nội dung hoạt động du lịch trước mắt và lâu dài.

Sử dụng bền vững nguồn tài nguyên du lịch bao hàm việc xác định, đánh giá đúng mức giá trị của từng loại tài nguyên; cách thức sử dụng tài nguyên đem lại hiệu quả cao nhất về mặt kinh tế, hài hoà các lợi ích xã hội, không tổn hại môi trường; gắn sử dụng với bảo tồn, tôn tạo tài nguyên trong suốt quá trình hoạt động du lịch; cân đối hợp lý giữa nhu cầu sử dụng trước mắt với việc giữ gìn tài nguyên cho các hoạt động du lịch tương lai.

Sử dụng bền vững nguồn nhân lực du lịch đồng nghĩa với việc đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực trong từng bước phát triển du lịch; sử dụng gắn với đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên ngành về du lịch cho đội ngũ lao động; không ngừng nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc và phát huy được năng lực, sức sáng tạo của lực lượng lao động đồng thời bảo đảm các điều kiện, chế độ đãi ngộ đáp ứng yêu cầu tái sản xuất sức lao động; sử dụng nhân lực trực tiếp phục vụ du lịch gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo mở việc làm cho cộng đồng bản địa, cho các ngành nghề, lĩnh vực liên quan, thúc đẩy các ngành nghề, lĩnh vực khác cùng phát triển.

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ (Trang 30 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(130 trang)
w