Quy hoạch là yếu tố ban đầu, có ý nghĩa cơ sở, tiền đề đặc biệt quan trọng trước quá trình tổ chức mọi hoạt động du lịch; đồng thời các nội dung, định hướng của quy hoạch cần phải được tuân thủ nghiêm túc trong quá trình hoạt động du lịch, để đảm bảo một sự phát triển du lịch cân đối, hài hoà, vững chắc và hiệu quả. Quy hoạch phát triển du lịch bền vững của một địa phương phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch tổng thể của địa phương đó và các quy hoạch phát triển vùng, ngành du lịch nói chung; trên cơ sở đánh giá đúng đắn tất cả các yếu tố đầu vào (tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, dự báo tác động của các yếu tố bên ngoài, dự báo các xu thế kinh tế, chính trị, xã hội liên quan...) để xây dựng được các mục tiêu, định hướng đầu ra đúng đắn, bền vững và giải pháp khả thi theo định hướng đã xác định nhằm thực hiện đạt mục tiêu đó.
Những nội dung cơ bản của quy hoạch phát triển du lịch bền vững bao gồm: Xác định vị trí, vai trò và lợi thế của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và quốc gia; phân tích, đánh giá tiềm năng, hiện trạng tài nguyên du lịch, thị trường du lịch, các nguồn lực phát triển du lịch; xác định quan điểm, mục tiêu, tính chất, quy mô phát triển cho khu vực quy hoạch; dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch bền vững hướng đến sự cân đối giữa ba mục tiêu phát triển kinh tế, đóng góp cho sự tiến bộ xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; tổ chức không gian du lịch; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch; xác định danh mục các khu vực, các dự án ưu tiên đầu tư; nhu cầu sử dụng đất, vốn đầu tư, nguồn nhân lực cho du lịch; đánh giá tác động môi trường; xác định các giải pháp sử dụng hợp lý, có kế hoạch, sử dụng tiết kiệm, điều tiết giữa việc sử dụng hiện tại và gìn giữ cho tương lai, sử dụng gắn với bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường; đề ra cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý, phát triển du lịch theo quy hoạch.