- Cường độ hoạt động tại các khu,
3.2.1.1. Định hướng phát triển không gian du lịch
Phát triển không gian du lịch Phú Thọ đến năm 2020 được xác định trong mối quan hệ về vị trí và chức năng du lịch của tỉnh đối với tiểu vùng du lịch gồm Trung tâm du lịch Hà Nội và khu vực phụ cận thuộc vùng du lịch Bắc Bộ, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng thời phù hợp với định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung đến năm 2020; bởi hoạt động du lịch ở Phú Thọ luôn đan xen với các ngành và lĩnh vực khác và là yếu tố cấu thành trong cơ cấu kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương, phát triển hài hoà với nhịp độ phát triển đô thị và nông thôn của tỉnh.
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, không gian du lịch Phú Thọ cần được xác định theo hướng: Tiếp tục phát triển thành phố Việt Trì trở thành Trung tâm du lịch lớn không những của tỉnh mà còn của khu vực và là một trong những điểm dừng, cửa ngõ quan trọng trong hành lang du lịch từ đồng bằng lên các tỉnh vùng núi phía Bắc, trong đó hạt nhân của không gian du lịch, lễ hội Việt Trì là Khu di tích lịch sử Đền Hùng; tập trung phát triển du lịch tại 3 điểm nhấn không gian khác là Đền Mẫu Âu Cơ và đầm Ao Châu, vườn Quốc gia Xuân Sơn, Đền Lăng Sương và khu nước khoáng nóng Thanh Thuỷ. Xác định 3 trọng điểm của hành trình du lịch văn hoá tâm linh, hành hương về cội nguồn, tham quan, nghiên cứu lịch sử là Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ và Đền Lăng Sương.
Căn cứ thực tế phân bố tài nguyên du lịch trên địa bàn, các trục không gian thuận lợi cho việc khai thác tài nguyên vào tuyến hành trình du lịch và bố trí các dịch vụ phụ trợ để hoàn chỉnh sản phẩm du lịch bao gồm: Trục Bắc - Nam với hướng trục từ Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai, chạy dọc theo trục đường Quốc lộ 2 và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, hướng này sẽ liên kết du lịch Phú Thọ với trung tâm du lịch Hà Nội, vùng du lịch Bắc Bộ và với các tỉnh miền núi phía Bắc; trục Đông Tây với hướng trục từ Việt Trì qua Lâm Thao sang Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, Tân Sơn, hướng này sẽ kết nối trực tiếp
với vùng du lịch sinh thái phía Tây Hà Nội ở vị trí tiếp giáp giữa huyện Thanh Thuỷ và huyện Ba Vì của Hà Nội (Hà Tây cũ).
Ngoài ra, tiếp tục phát triển du lịch tại các điểm tài nguyên khác cận kề các khu điểm chính thành hệ thống điểm phụ trợ vệ tinh quanh các cụm điểm chính nói trên, tạo thành các cầu mở không gian du lịch hai chiều kết nối từ trung tâm du lịch tỉnh đến các vùng có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và ngược lại.