Quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ (Trang 106 - 109)

- Cường độ hoạt động tại các khu,

3.3.1. Quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch

Quy hoạch là yếu tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa tiền đề, nền tảng, cần phải được tiến hành trước một bước và nội dung quy hoạch sau khi xây dựng phải được tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc để đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ được xây dựng trước năm 2000, đã được điều chỉnh, bổ sung năm 2006. Các định hướng lớn trong quy hoạch cơ bản vẫn phù hợp trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, nội dung quy hoạch còn một số hạn chế như đã phân tích ở các phần trên, mặt khác, do quá trình phát triển từ năm 2006 đến nay đã có những sự biến động, thay đổi của các nhân tố chi phối, tác động (như tình hình trong nước, quốc tế,

các điều chỉnh về chính sách pháp luật, chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, sự điều chỉnh của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2008 vừa qua), do đó, cần phải có những điều chỉnh cần thiết trong quy hoạch, tạo tiền đề cho du lịch Phú Thọ phát triển bền vững hơn những năm tới. Các nội dung cần điều chỉnh bao gồm:

- Điều chỉnh các đánh giá, dự báo về những nhân tố tác động, ảnh hưởng đến phát triển du lịch Phú Thọ; trong đó chú ý đến các nhân tố quan trọng mới phát sinh, xuất hiện sau thời điểm 2006 (thời điểm ban hành quy hoạch điều chỉnh phát triển du lịch của tỉnh): Các tác động của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, của sự điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội, của các chính sách vĩ mô mới ban hành đến du lịch Phú Thọ; các điều chỉnh của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, trong đó có những nội dung đòi hỏi quy hoạch phát triển du lịch phải có sự điều chỉnh theo cho phù hợp.

- Đánh giá việc thực hiện quy hoạch giai đoạn 2006 - 2010, từ đó rà soát, điều chỉnh các mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2015 và 2020 cho phù hợp hơn, chú ý quán triệt xuyên suốt các nguyên tắc phát triển bền vững trong toàn bộ nội dung quy hoạch; đảm bảo sự cân đối giữa các mục tiêu phát triển du lịch về mặt kinh tế với các mục tiêu về xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; đảm bảo sự phù hợp của quy hoạch phát triển du lịch với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020. Trong định hướng không gian lãnh thổ du lịch, chú trọng hơn đến các điểm nhấn tài nguyên du lịch vùng Tây Nam của tỉnh, do địa giới hành chính của thành phố Hà Nội - trung tâm du lịch lớn của cả nước đã dịch chuyển đến sát vùng này của tỉnh. Về điểm nhấn du lịch văn hoá tâm linh, ngoài khu di tích lịch sử Đền Hùng, cần bổ sung hai điểm di tích là là Đền Mẫu Âu Cơ và Đền Lăng Sương, do ý nghĩa quan trọng của các điểm nhấn này trong văn hoá tâm linh của dân tộc.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đã được điều chỉnh, cần xây dựng, hoàn chỉnh các quy hoạch nhánh, quy hoạch chi tiết, cụ thể hoá các nội dung của quy hoạch tổng thể. Hoàn thành một số quy hoạch chi tiết sau:

- Quy hoạch chi tiết các khu du lịch trọng điểm như khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thuỷ, khu du lịch đầm Ao Châu, Ao Giời - Suối Tiên, khu du lịch Xuân Sơn;

- Quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị các tài nguyên du lịch nhân văn trên địa bàn tỉnh; chú trọng hệ thống các giá trị văn hoá đặc trưng của vùng đất Tổ, gắn với thời đại Hùng Vương;

- Chiến lược và quy hoạch nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Văn hoá - Du lịch với các ngành chuyên môn khác liên quan dưới sự quản lý, chỉ đạo thống nhất của UBND tỉnh để rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch dài hạn phát triển các ngành nghề, lĩnh vực trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ du lịch cho phù hợp và góp phần thực hiện tốt quy hoạch phát triển du lịch cũng như của mỗi ngành và lĩnh vực liên quan đó, như quy hoạch phát triển giao thông; quy hoạch xây dựng; quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Các quy hoạch này cần thống nhất, đồng bộ, nhất quán về quan điểm xây dựng, nội dung quy hoạch và có sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên trong việc tổ chức thực hiện.

Do ý nghĩa tiền đề quan trọng của quy hoạch đối với sự phát triển, việc xây dựng và tổ chức, quản lý thực hiện quy hoạch phát triển du lịch là giải pháp hữu hiệu nhằm khai thác hợp lý, sử dụng, bảo vệ, tôn tạo các tài nguyên du lịch để tạo ra những sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch cả về kinh tế, xã hội và tài nguyên, môi trường.

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ (Trang 106 - 109)