8. Cấu trúc của luận văn
1.3.1. Công tác tuyển sinh
Công tác tuyển sinh trong trường là khâu cơ bản và đầu tiên của HĐĐT trong trường đại học, là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường. Chất lượng đào tạo, thương hiệu và uy tín của các cơ sở đào tạo được phản ánh qua kết quả tuyển sinh hàng năm; các trường đại học có uy tín, chất lượng đào tạo cao sẽ được nhiều thí sinh lựa chọn, đặc biệt là các thí sinh có học lực khá giỏi và ngược lại. Kết quả hoạt động tuyển sinh phụ thuộc vào các thành quả trong đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tình hình việc làm của SV sau tốt nghiệp và định hướng phát triển của các cơ sở đào tạo.
Công tác tuyển sinh bắt đầu việc xây dựng đề án tuyển sinh. Việc xây dựng đề án tuyển sinh được căn cứ trên cơ sở Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGD&ĐT) và thực tế phát triển theo quy định của Nhà trường. Đề án tuyển sinh của trường phải đảm bảo các yêu cầu như: cung cấp đầy đủ các thông tin về tuyển sinh; chỉ tiêu tuyển sinh theo từng phương thức tuyển sinh khác nhau và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với quy định, tình hình việc làm của SV sau khi tốt nghiệp...
Quy trình công tác tuyển sinh ngành QTKD bao gồm: đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, thành lập Hội đồng tuyển sinh, hoạt động thanh tra, khâu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (dự thi), tập huấn về quy chế tuyển sinh, tổ chức làm đề.
Theo Điều 34 Luật số 08/2012/QH13 và Luật số 34/2018/QH14 của Luật Giáo dục đại học, công tác tuyển sinh ở trường đại học thể hiện qua các nội dung sau:
- Chỉ tiêu tuyển sinh:
Bộ trưởng BGD&ĐT căn cứ theo ngành, nhóm ngành đào tạo trên cơ sở nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thiết bị, tỷ lệ có việc làm của SV tốt nghiệp và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác của từng cơ sở giáo dục đại học để giao chỉ tiêu tuyển sinh.
Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục đại học tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm CĐR của CTĐT đã công bố.
- Tổ chức tuyển sinh:
Các cơ sở giáo dục đại học tùy tình hình thực tế của đơn vị mình để lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp. Hiện nay, các trường đại học sử dụng các phương thức tuyển sinh: xét tuyển (kết quả học bạ hoặc sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia), thi tuyển và có trường kết hợp cả hai phương thức.
Thời gian đào tạo các trình độ giáo dục đại học được thực hiện theo hình thức giáo dục chính quy theo quy định của Luật giáo dục đại học.
Thời gian đào tạo theo tín chỉ được xác định trên cơ sở số học phần và khối lượng tín chỉ tích lũy quy định cho từng chương trình và trình độ đào tạo. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định số học phần và khối lượng tín chỉ tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo.
Thời gian đào tạo mỗi trình độ của giáo dục đại học thực hiện theo hình thức giáo dục thường xuyên dài hơn ít nhất một học kỳ so với thời gian đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy.
Việc thực hiện công tác tuyển sinh cần đảm bảo các nội dung sau: - Có kế hoạch tuyển sinh và truyền thông cụ thể hàng năm;
- Có đề án tuyển sinh hàng năm; - Đa dạng hóa hình thức tuyển sinh;
- Có tiêu chí lựa chọn người học chất lượng, phù hợp CTĐT; - Có cải tiến để đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả.