Hoạt động đồng BH để phân tán rủi ro diễn ra phổ biến ở các DNBH nhưng chưa có cơ sở pháp lý thực hiện. Các kiến nghị hoàn thiện kế toán hoạt động đồng BH phải căn cứ vào đặc trưng của hoạt động này và thực tế thực hiện ở các DNBH hiện nay.
+ Đặc trưng cơ bản của hoạt động đồng BH: Đồng BH (Co-insurance) là nghiệp vụ mà trong đó nhiều DNBH cùng đảm bảo cho một rủi ro, mỗi DNBH chịu một phần trách nhiệm theo một tỷ lệ đã thỏa thuận. Các DN đồng BH có thỏa thuận với nhau ngay từ khi giao kết hợp đồng BH với bên mua BH. Đồng BH được sử dụng khi số tiền BH trong một yêu cầu BH vượt quá khả năng tự đảm đương của một DNBH. Tham gia quan hệ đồng BH, mỗi DN đồng BH nhận một phần trách nhiệm theo tỷ lệ trên số tiền BH, họ được hưởng theo tỷ lệ đó về phí BH và cũng phải chịu trách nhiệm theo tỷ lệ đó trong mỗi lần bồi thường tổn thất.
Về lý thuyết, có bao nhiêu DN đồng BH thì có bấy nhiêu hợp đồng BH. Tuy nhiên, trong thực tế thường chỉ có một hợp đồng BH duy nhất được thiết lập có tên của tất cả các DN đồng BH và các tỷ lệ rủi ro mà họ đã chấp nhận. DNBH đại diện cho những DN khác trong mối quan hệ với khách hàng gọi là DNBH đứng đầu. DNBH đứng đầu chịu trách nhiệm chính trong việc đàm phán, ký kết, quản lý hợp đồng BH và phân bổ số tiền bồi thường.
DNBH đứng đầu thu toàn bộ phí BH do bên mua BH đóng, sau đó chi trả phí BH theo mức rủi ro đã phân chia cho các DN khác tham gia đồng BH. Khi xảy ra sự kiện BH, DNBH đứng đầu đứng ra giải quyết bồi thường và thu bồi thường phần trách nhiệm mà các DN tham gia đồng BH phải đóng góp để chi trả bồi thường trực tiếp cho NĐBH.
Trên phương diện pháp lý, trong đồng BH gốc có mối quan hệ hợp đồng trực tiếp giữa bên mua BH với các DN đồng BH. Các DN đồng BH phải chịu trách nhiệm trước toàn bộ các rủi ro của NĐBH theo tỷ lệ phân chia trong hợp đồng. Bên mua BH không hề có mối quan hệ nào với DN nhận tái BH.
Khác với đồng BH, tái BH là hợp đồng qua đó DN nhượng tái BH sẽ chuyển giao toàn bộ hoặc một phần các rủi ro đã chấp nhận BH sang DN nhận tái BH. Trong tái BH, ngay khi đã ký hợp đồng nhượng tái BH thì DNBH gốc vẫn phải chịu trách nhiệm duy nhất về toàn bộ các rủi ro của NĐBH. Khi xảy ra tổn thất, DNBH gốc phải bồi thường trực tiếp cho NĐBH và sau đó mới thu bồi thường phần trách nhiệm của DN nhận tái BH.
Trong kinh doanh nhận tái BH, các DN nhận tái BH cũng thường áp dụng phương pháp đồng BH để phân tán rủi ro, hay còn gọi là đồng nhận tái BH. Theo đó, các DN nhận tái BH cùng tham gia một hợp đồng với DN nhượng tái BH, trong đó mỗi DN tham gia đồng nhận tái BH chịu trách nhiệm một tỷ lệ rủi ro và sẽ thu được mức phí nhận tái BH tương ứng. Một trong số các DN đồng nhận tái BH sẽ được chọn là DN nhận tái BH đứng đầu và đóng vai trò tương tự như DNBH đứng đầu của đồng BH gốc.
+ Thực hiện ở các DNBH về kế toán đồng BH còn chưa thống nhất, ví dụ: Về lập hóa đơn GTGT, thực hiện theo 2 cách khác nhau là: DNBH đứng đầu lập hóa đơn GTGT cho bên mua BH theo tổng số phí BH phải thu và các DN khác tham gia đồng BH lập hóa đơn GTGT giao cho DNBH đứng đầu khi nhận được phí BH do DNBH đứng đầu chi trả hoặc từng DN tham gia đồng BH đều lập hoá đơn GTGT theo số phí BH phải thu tương ứng với mức rủi ro chấp nhận BH đã phân chia theo hợp đồng.
Về ghi nhận doanh thu, chi phí thực hiện theo 2 cách là: Có DNBH đứng đầu ghi doanh thu theo tổng số phí BH phải thu và ghi chi bồi thường theo tổng chi bồi thường phải trả cho NĐBH sau đó ghi giảm doanh thu theo số phí BH phải trả và ghi giảm chi bồi thường theo số chi bồi thường phải thu của các DN khác tham gia đồng BH; Trong khi đó, có DNBH đứng đầu ghi doanh thu phí BH theo số phải thu và ghi chi bồi thường theo số phải trả tương ứng với mức rủi ro chấp nhận BH được phân chia. Số phí BH đã thu của bên mua BH để chi trả cho các DN khác tham gia đồng BH phản ánh bên Nợ TK 138 “Phải thu khác” như một khoản thu hộ. Số tiền bồi thường phải thu của các DN khác tham gia đồng BH để
chi bồi thường cho NĐBH phản ánh bên Có TK 338 “Phải trả, phải nộp khác” như một khoản chi hộ.