Quan điểm chiến lược về phát triển kinh tế biển Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 106)

Mặc dù là một quốc gia biển nhưng cho tới trước năm 2007 chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam chưa thực sự rõ nét. Chỉ tới khi ra đời Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Hội nghị lần thứ Tư Ban

Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam mới được định hình khá rõ nét. Chiến lược biển Việt Nam đã chú trọng đến phát triển kinh tế biển: “đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, “phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước”25. Đặc biệt là Chiến lược đã nêu lên quan điểm mới về quản lý kinh tế biển. Trong đó, quản lý tổng hợp kinh tế biển là một phương thức quản lý mới ưu việt đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng: “Xây dựng cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả”.

Chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam định hướng vào những ngành kinh tế biển chủ chốt như: (1) Phát triển kinh tế hàng hải; (2) Chú trọng khai thác và chế biến khoáng sản (trọng tâm vào dầu, khí); (3) Khai thác và chế biến hải sản; (4) Phát triển du lịch biển và kinh tế hải đảo; (5) Phát triển các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển.

Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề:

- Có thể nói cơ chế quản lý kinh tế biển Việt Nam còn nhiều bất cập, điều này thể hiện ở chỗ Việt Nam hiện chưa có một cơ quan quản lý thống nhất về kinh tế biển. Mỗi một lĩnh vực, một ngành nghề lại có một cơ quan quản lý dẫn tới sự chồng chéo lên nhau. Tại các tỉnh thành ven biển Việt Nam có các Tổng cục Biển Đảo Việt Nam (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhưng cơ quan này được thành lập mới chỉ mang tính hình thức mà chưa phát huy được tác dụng. Quy hoạch không gian phát triển kinh tế biển còn chưa rõ ràng.

- Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế mạnh mẽ, Việt Nam đang ở

25Ban Tuyên giáo Trung ương (2010),Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

trong cuộc đua tranh trong phát triển kinh tế Biển Đông giữa các nước ven biển này. Đặc biệt, nơi đây đang có nhiều tranh chấp về chủ quyền biển đảo. Trung Quốc, một nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đang triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển Đông khá bài bản và mạnh mẽ, gây sức ép cạnh tranh lớn đối với Việt Nam và các nước trong khu vực. Trong khi đó, chiến lược phát triển biển của Việt Nam chưa chú ý đúng mức đến vấn đề cạnh tranh chiến lược này (địa kinh tế, địa chính trị). Sự chậm trễ hoặc thiếu sót của Việt Nam trong vấn đề này chắc chắn sẽ gây cho Việt Nam nhiều bất lợi về kinh tế, môi trường, an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia.

- Trong chiến lược phát triển biển của Việt nam chưa đề cập sâu và cụ thể đến mối quan hệ giữa hội nhập quốc tế và và đảm bảo độc lập - tự chủ.

- Trong chiến lược phát triển biển của Việt Nam chưa đề cập một cách tổng thể và toàn diện đến quan hệ kinh tế - quốc phòng.

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 106)